Cây lúa trên Đồng Ba Mươi

Phạm Hoàng Ninh| 10/05/2017 14:05

Gọi là ‘’Đồng Ba Mươi’’ vì trước năm 1995 khu vực này chỉ có diện tích đúng 30 ha trồng lúa nước của khoảng 60 hộ dân là người Kinh, người Tày, người Nùng ở các khu vực Cầu Sắt (thuộc thôn 11), Làng Sỏi (thuộc thôn Tân Ninh) và Buôn Tia (thuộc thôn 7) xã Nam Dong (Chư Jút) bây giờ.

ADQuảng cáo

Nông dân xã Nam Dong (Chư Jút) thu hoạch lúa vụ đông xuân. Ảnh: Văn Tâm

Ông Tống Quốc Công, người dân tộc Tày, hiện ở thôn 7, kể: Chúng tôi cũng không phải là lớp người đầu tiên khai khẩn cánh đồng này, mà trước đó cũng đã có người trồng lúa ở khu vực đầu thôn Tân Ninh bây giờ. Nhưng có lẽ do làm không hiệu quả mà họ đã bỏ từ lâu, vì vậy mà khi chúng tôi đến khai hoang mở rộng thêm diện tích, không ít người đã lắc đầu bảo: "Chẳng biết tính kiểu gì chứ bao đời nay le (cây thuộc họ tre) đã mọc thành rừng ăn hết màu mỡ của đất rồi thì lúa làm sao sống nổi!’’. Nhưng nhu cầu về gạo bấy giờ là rất cần thiết nên ai cũng có lòng quyết tâm.

Khai phá khu này rất khó khăn và vất vả, vì le mọc dày đặc, có những bụi lớn đến cả vài chục mét vuông, bứng từng gốc rồi còn phải nhặt hết từng cái rễ đưa lên chỗ cao phơi khô và đốt; sức một lao động khỏe dọn siêng suốt một ngày trời chưa nổi 20 mét vuông nên hai năm đầu 30-40 hộ cũng chỉ khai phá được hơn 10 ha. Đến năm 1995 tuy khu vực thành một cánh đồng rộng 30 ha, song tính bình quân mỗi hộ cũng chỉ dăm sào chứ không nhiều…

Do Đồng Ba Mươi nằm lọt thỏm dưới triền của hai quả đồi cao nên cứ đầu mùa mưa cả cánh đồng mênh mông nước, có chỗ sâu đến cả mét. Ai vội vàng cấy sớm coi như mất trắng nên bà con phải đợi đến giữa mùa mưa gieo mạ cao 60-70 cm mới cấy nên mỗi năm chỉ được làm một vụ.

ADQuảng cáo

Bấy giờ lúa chỉ cho thu hoạch chưa tới 2 tạ/sào, tính công sức bỏ ra làm thôi cũng chưa đủ nhưng cũng đã là niềm phấn khởi với bà con. Tiếp đến những năm sau, nhờ nông dân mày mò nghiên cứu chất đất, rồi gom cỏ làm phân xanh ủ tại ruộng, chở phân chuồng, phân bò vào cải tạo mà năng suất đã tăng dần lên 3 tạ, rồi 3,5 tạ/sào.

Nghe tin “đất lành’’, khá nhiều hộ ở các thôn 6, 7, 8 xã Nam Dong, thậm chí từ xã Tâm Thắng cách xa tới 4-5 cây số cũng tìm đến "bứng" le lấy đất trồng lúa. Tới năm 2000, cánh Đồng Ba Mươi không phải chỉ có 30 ha nữa mà diện tích trồng lúa ở đây đã lên tới hơn 70 ha, năng suất đạt trung bình 4 tấn/ha, song vẫn chỉ trồng được một vụ/năm.

Mãi tới năm 2003, số diện tích đất phía trên đồi gần Suối Cạn được quy hoạch vùng chuyên trồng mía, nhà nước mới mở một con đường rồi múc một con mương, làm cống thoát nước ra Suối Cạn, lúc ấy khuyến nông huyện vận động bà con trồng giống lúa ngắn ngày được hai vụ với năng suất rất khả quan, xấp xỉ 5 tấn/ha/vụ. Theo báo cáo của UBND xã Nam Dong cuối năm 2006, thì chỉ tính riêng khu vực cánh đồng Đồng Ba Mươi mỗi năm cho sản lượng trên 300 tấn lúa.

Ông Hoàng Văn Sum, người có gần 1 ha lúa tại đây cho biết: Nông dân đã từng dày công lao động cực nhọc để biến rừng le dày đặc thành ruộng màu mỡ cho năng suất cao, đây là điều rất đáng ghi nhận; bởi số lương thực được làm ra từ cánh Đồng Ba Mươi ít nhất cũng đã giúp cho hơn 100 hộ quanh năm không sợ thiếu ăn, ngoài ra còn cung cấp đủ lương thực cho khoảng 300 hộ trong địa phương nữa, vì mỗi hộ 4-5 người mỗi năm làm gì ăn hết 1 tấn lúa.

Thế nhưng từ năm 2007 tới nay mặc dù năng suất có tăng tới 6-7 tấn lúa/ha/vụ, song tổng sản lượng thu hoạch hàng năm bị giảm do ảnh hưởng của việc phá rừng mà thời tiết thất thường, năm nào dứt mưa sớm thì 70 ha ruộng ở đây chỉ thu được một vụ, còn vụ hai thường bị gặp hạn sớm là thất thu. Nếu ở đây nhà nước đầu tư một công trình thủy lợi bơm nước từ Suối Cạn dẫn lên Đồng Ba Mươi để có đều hai vụ lúa mỗi năm và đủ nước tưới cho khoảng hơn 600 ha các loại cây trồng khác của nông dân các thôn Tân Ninh, thôn 10 và thôn 11 thì tin rằng kinh tế của hàng trăm hộ dân quanh khu vực sẽ nhanh chóng phát triển bền vững lâu dài.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cây lúa trên Đồng Ba Mươi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO