Cây ngô đang thất thế ngay trên “sân nhà”

Văn Tâm| 03/01/2018 09:09

Đắk Nông được xem là một trong những địa phương có điều kiện để phát triển diện tích ngô lớn theo hướng ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất chuyên canh, tạo ra sản phẩm hàng hóa cao. Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương trong cả nước, cây ngô của Đắk Nông đang dần phải "co mình ở ẩn" khi chưa kịp "vươn vai" bước ra thị trường hội nhập.

ADQuảng cáo

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh có trên 52.000 ha ngô, năng suất bình quân đạt 6,4 tấn/ha, cao hơn năng suất của vùng 10,5 tạ/ha; sản lượng đạt trên 333.000 tấn. Diện tích ngô trên địa bàn tỉnh tập trung  chủ yếu ở các huyện như: Đắk Song 4.330 ha, Đắk Mil 13.520 ha, Chư Jút 17.940 ha, Krông Nô 13.200…

Nỗ lực “bám đồng”

Với ưu thế về khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho sản xuất ngô thương phẩm, những năm qua, các địa phương đã chú trọng hỗ trợ nông dân tập trung thâm canh, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm cho cây ngô. Từ đó, giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống trên chính thửa ruộng của mình.

Tại huyện Krông Nô, những năm qua, người dân vẫn nỗ lực áp dụng khoa học kỹ thuật, cải tiến hệ thống canh tác giúp cây ngô “bám đồng”, nhất là các xã ven sông Krông Nô như: Nâm N’đir, Đức Xuyên, Buôn Choáh, Quảng Phú, Đắk Nang… Gần đây, cây ngô được xem là cây trồng chống hạn, thay thế diện tích đất lúa thiếu nước vụ đông xuân. Do đó, cây ngô giữ vai trò quan trọng trong việc duy trì cơ cấu cây trồng, mùa vụ, ổn định an ninh lương thực của địa phương.

Ruộng ngô của ông Trần Văn Nam ở xã Đức Xuyên (Krông Nô) đạt trên 8 tấn/ha

Ông Trần Văn Nam, thôn Xuyên Hải, xã Đức Xuyên từ nhiều năm nay vụ nào ông cũng trồng trên 1 ha ngô. Cùng với cây lúa, cây ngô trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình.

Ông Nam cho biết: “Đối với gia đình tôi, trồng ngô cũng giống như lấy đồng tiền bỏ ống, có làm thì có thu. Mình chỉ nỗ lực "bám đồng" theo kiểu lấy công làm lời thôi”.

ADQuảng cáo

Theo ông Nam, chi phí sản xuất cho 1 ha ngô trung bình vụ đông xuân từ 25 – 27 triệu đồng; vụ hè thu, thu đông là 23 – 25 triệu đồng, với các khoảng đầu tư như: giống, nhân công, phân bón… Theo đó, giá thành bình quân khoảng 5.000 đồng/1kg ngô tươi, tương đương với năng suất bình quân 8 tấn/ha thì người trồng có lãi hơn 12 triệu đồng/ha. Nếu năng suất không đạt, điểm hòa vốn là 3.100 đồng/kg.

Qua thực tế sản xuất, việc tăng năng suất ngô trên 8 tấn/ha là điều khả thi vì hiện nay, các hộ trồng ngô đã cơ bản nắm vững tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng trong sản xuất. Vì thế, vấn đề lợi nhuận 12 – 15 triệu đồng/ha là trong tầm tay. Do vậy, bà con cố gắng tăng năng suất để có thêm lợi nhuận. Hiện nay, trên địa bàn huyện, nhiều hộ thâm canh tốt, năng suất ngô đã đạt từ 10 – 12 tấn/ha, lợi nhuận thu được từ 25 – 30 triệu đồng/ha.

Tuy nhiên, thực tế sản xuất không phải lúc nào cũng đạt như mong muốn. Nhiều hộ sản xuất ngô như ông Nam ở Krông Nô cũng như ở Đắk Mil, Chư Jút đều cho rằng có những thời điểm bà con được mùa ngô thì rớt giá, khi giá thị trường cao thì năng suất ngô không đạt ngưỡng hòa vốn. Vì thế, người dân trồng ngô trong tỉnh luôn đặt ra câu hỏi  là tại sao sản xuất ngô rất khả quan, yêu cầu về năng suất, chất lượng ngày càng nâng cao so với trước, nhưng người dân luôn gặp khó khăn, hiệu quả sản xuất không cao?

Nguy cơ phải "lui về ở ẩn"

Theo ông Trần Mạnh Đương, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Đắk Nông thì có nhiều nhân tố khiến cho sản xuất ngô của cả nước cũng như của Đắk Nông mất lợi thế, bị dồn vào “thế chân tường”. Tuy nhiên, chung quy vẫn tập trung vào một số yếu tố như: Năng suất thấp so với các nước trên thị trường nhập khẩu; tổng chi phí sản xuất cao, từ 28 – 30 triệu đồng/ha; sản xuất chạy theo giá cả thị trường ngắn hạn; cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ; sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, áp dụng cơ giới hóa còn chậm…

Cũng theo ông Đương, trong những năm qua, tốc độ tăng sản lượng ngô của cả nước nhìn chung tương đối thấp, chỉ khoảng 4,3%/năm. Trong khi đó, nhiều địa phương có xu hướng thiên về mở rộng diện tích canh tác, nhưng vấn đề tăng năng suất vẫn còn chưa được chú trọng do trình độ canh tác chưa đồng đều. Điều này được lý giải bởi diện tích ngô cả nước hiện tăng 2,3%, nhưng năng suất chỉ tăng 1,9% so với thời điểm 3 năm về trước. Do đó, khi so sánh năng suất của 4 nước có sản lượng ngô xuất khẩu chiếm gần 90% sản lượng toàn cầu, thì năng suất ngô Việt Nam chỉ đạt khoảng 4,5 tấn/ha, trong khi các nước là 7,5 tấn/ha.  Chính vì sản xuất ngô trong nước phát triển kém nên hàng năm, nước ta phải phụ thuộc tới 70% nguyên liệu dùng để sản xuất thức ăn chăn nuôi từ nước ngoài. Trong đó, ngô hạt phải nhập khẩu mỗi năm 1,5 triệu tấn. Nguyên nhân do sản lượng ngô trong nước không theo kịp tốc độ phát triển của ngành chăn nuôi cả về sản lượng lẫn giá thành cạnh tranh.  Đây là lý do Việt Nam phải liên tục tăng lượng ngô, lúa mỳ, đậu tương để đáp ứng nhu cầu chăn nuôi trong nước.

Còn theo Tiến sỹ Trương Hồng, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên thì nhu cầu sản lượng ngô làm thức ăn chăn nuôi lớn là cơ hội cho các địa phương đẩy mạnh phát triển diện tích ngô. Tuy nhiên, sản xuất ngô của các địa phương trong đó có Đắk Nông vì nhiều lý do chưa thể vươn lên được. Tại các huyện sản xuất ngô lớn của tỉnh Đắk Nông hiện nay, vấn đề cơ giới hóa trong các khâu làm đất, tưới nước, tách hạt, vận chuyển vẫn còn hạn chế. Hơn nữa, diện tích ngô còn manh mún, bình quân dưới 0,5 ha/hộ, sản xuất phân tán chưa hình thành vùng chuyên canh, nên vấn đề đầu tư cơ giới hóa, áp dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất khó thực hiện hiệu quả được nên chi phí đầu vào cao. Mặt khác, do một phần lớn diện tích canh tác trên dốc, với diện tích hàng ngàn ha, hiện nay đang bị thoái hóa, rửa trôi do không có biện pháp canh tác bền vững trên đất dốc. Cùng với đó, hiện vẫn còn số đông hộ trồng ngô chưa áp dụng kỹ thuật canh tác tổng hợp (ICM) như: trồng mật độ cao, bón phân không cân đối và phun thuốc bảo vệ thực vật quá nhiều dẫn đến chi phí trong sản xuất cao và lợi nhuận giảm…

Theo dự báo, sau năm 2018, khả năng tăng diện tích ngô của các địa phương là rất thấp vì giá thành hạ và năng lực cạnh tranh của ngô Việt Nam là rất thấp. Cùng với thực trạng sản xuất ngô như vậy, nếu các địa phương trong cả nước cũng như Đắk Nông không có sự đột phá về năng suất và chính sách khuyến khích chuyển đổi diện tích các loại cây trồng yếu thế sang trồng ngô theo hướng thâm canh thì nhiều khả năng sản phẩm này sẽ phải "lui về ở ẩn" để ngắm nhìn ngô của các nước "lên ngôi trên chính sân nhà".

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cây ngô đang thất thế ngay trên “sân nhà”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO