Chậm quyết toán các công trình, dự án đã hoàn thành: Ỳ ạch khâu... xử lý

Nguyễn Lương| 03/05/2018 10:17

Những năm qua, mặc dù Trung ương, địa phương đã có nhiều chủ trương, hướng xử lý đối với công tác quyết toán dự án hoàn thành, nhưng số công trình hoàn thành chậm quyết toán trên địa bàn tỉnh Đắk Nông vẫn còn nhiều. Thực trạng này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc quản lý vốn đầu tư Nhà nước, gây nợ đọng trong xây dựng cơ bản kéo dài, cũng như khó khăn trong theo dõi, quản lý tài sản sau đầu tư.

ADQuảng cáo

Tính đến ngày 13/4/2018, trên địa bàn tỉnh có 96 dự án hoàn thành chưa được quyết toán, với tổng mức đầu tư được phê duyệt rất lớn. Trong đó, có 52 dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh và Sở Tài chính, 44 dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND các huyện, thị xã.

Công trình nhà đa năng của Trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh là một trong những dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng vẫn chưa quyết toán

Hàng loạt công trình chậm quyết toán

Theo Sở Tài chính, trong tổng số 96 dự án đã hoàn thành nhưng chậm quyết toán, đến nay, có 14 dự án đã nộp hồ sơ quyết toán, còn 82 dự án chưa nộp hồ sơ quyết toán về cơ quan tài chính. Nhiều sở, ngành, địa phương có số lượng lớn dự án đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa được quyết toán.

Trong đó, thuộc thẩm quyền cấp tỉnh quyết toán có các đơn vị như Sở Văn hóa thể thao và Du lịch 14 dự án; sở Nông nghiệp- PTNT 7 dự án; huyện Đắk Song có 5 dự án. Thuộc thẩm quyền cấp huyện quyết toán thì huyện Đắk R’lấp có 31 dự án; huyện Chư Jút 13 dự án. Điều đáng nói, trong số các dự án thuộc thẩm quyền cấp tỉnh, huyện nói trên, có rất nhiều công trình cơ bản hoàn thành, đưa vào sử dụng đã rất lâu nhưng do vướng mắc một vài khâu nên đến nay vẫn chưa được quyết toán.

Dự án đường giao thông liên xã Đắk N’Drung-Đắk Song (Đắk Song) là một ví dụ. Dự án được khởi công từ tháng 7/2006, do UBND huyện Đắk Song làm chủ đầu tư. Đơn vị thi công là Công ty TNHH Xây dựng Tiến Quang (Đắk Lắk). Đến tháng 7/2009, công trình đã hoàn thành trên 96% khối lượng, nhưng do vướng khâu giải phóng mặt bằng nên còn 116 m (từ Km 1+516 đến Km 1+400) không thi công được.

Đã gần 10 năm trôi qua, nhưng đến nay, dự án vẫn nằm trong danh mục công trình chưa được quyết toán, mặc dù phần lớn con đường đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ban quản lý các dự án cùng UBND xã Đắk N’Drung đã nhiều lần làm việc với các hộ dân nằm trong dự án để thống nhất giá trị đền bù nhưng không đạt được kết quả. Công trình dang dở, không chỉ ảnh hưởng đến công tác quyết toán, mà còn gây khó khăn trong xây dựng kế hoạch, kinh phí bảo trì, bảo dưỡng đường bộ hằng năm, cũng như tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản kéo dài.

Tương tự, một số dự án do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư như: Dự án tu bổ, phục dựng Di tích lịch sử Ngục Đắk Mil (giai đoạn 2) đã 8 năm chưa quyết toán; dự án cải tạo, sửa chữa 4 nhà văn hóa cộng đồng chậm 5 năm chưa quyết toán…

Năng lực chủ đầu tư... "có vấn đề"

ADQuảng cáo

Trong thực tế, thời gian qua, UBND tỉnh đã có nhiều chủ trương, giải pháp chỉ đạo đẩy mạnh công tác quyết toán công trình hoàn thành. Tuy nhiên, tiến độ quyết toán đối với các công trình đã hoàn thành vẫn cứ ì ạch, dây dưa kéo dài từ năm này qua năm khác. Mà nguyên nhân căn bản nhất có lẽ xuất phát từ phía các chủ đầu tư. Bởi vì, trong thực tế, một số công trình hoàn thành chậm quyết toán là do thay đổi chủ đầu tư, nhưng chưa nhận bàn giao hồ sơ. Nhiều trường hợp do cán bộ quản lý hồ sơ chuyển công tác nhưng chưa bàn giao nên hồ sơ bị thiếu hay dự án hoàn thành đã lâu nên bị thất lạc hồ sơ quyết toán.

Chưa hết, do vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng nên nhiều dự án không thể hoàn thành theo quy định, mặc dù dự án đã được sử dụng rất lâu. Một số dự án khác có sự tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu, dẫn đến chưa đi đến sự thống nhất nên không lập được hồ sơ quyết toán. Ngoài ra, một số chủ đầu tư chưa coi trọng, chưa quyết liệt, triệt để trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác quyết toán dự án hoàn thành.

Cùng với năng lực của chủ đầu tư "có vấn đề", cơ chế quản lý đầu tư, xây dựng còn nhiều bất cập cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Hiện nay, quy định, chính sách thường xuyên thay đổi, một nội dung chịu sự điều chỉnh của nhiều quy định, do vậy thủ tục quyết toán mất nhiều thời gian. Nhiều nhà thầu không phối hợp trong việc lập hồ sơ quyết toán. Một số dự án do khó khăn về nguồn vốn nên thời gian đầu tư kéo dài, dẫn đến vượt tổng mức đầu tư, không thể trình phê duyệt quyết toán khi gói thầu hoàn thành, mà phải tiến hành làm thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư mới trình phê duyệt quyết toán.

Như vậy, việc chậm quyết toán các dự án, công trình hoàn thành đã phần nào gây ra nhiều khó khăn cho tỉnh trong công tác theo dõi, bố trí vốn đầu tư xây dựng hằng năm. Việc tạo lập cơ sở để bố trí nguồn vốn nhằm cải tạo, sửa chữa các công trình đã xuống cấp, hư hỏng trên địa bàn tỉnh cũng vì thế mà bị ảnh hưởng.

Chỉ thị số 07/2015/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường biện pháp xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản tại các địa phương quy định, các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các quy định của luật Đầu tư công, bảo đảm không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản sau ngày 31/12/2014.

Việc để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản sau ngày 31/12/2014 sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định pháp luật về đầu tư công và các quy định pháp luật hiện hành. Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, dẫn đến việc tăng tổng mức đầu tư các dự án không thuộc các trường hợp được điều chỉnh tổng mức đầu tư quy định tại luật Đầu tư công.

Kiên quyết xử lý tình trạng chậm trễ

Theo Sở Tài chính, để nhanh chóng xử lý, cũng như có giải pháp hạn chế tình trạng chậm quyết toán công trình hoàn thành, trước hết, về phía các đơn vị liên quan cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình. Đối với chủ đầu tư dự án, Ban quản lý dự án khẩn trương kiểm tra, rà soát các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng từ ngày 30/3/2018 trở về trước chưa thực hiện quyết toán. Trên cơ sở này, xác định rõ nguyên nhân chậm quyết toán, những khó khăn, vướng mắc cụ thể của từng dự án, từng nhà thầu chậm thanh, quyết toán, từ đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, xử lý dứt điểm tình trạng chậm trễ.

Trong trường hợp những dự án đã hoàn thành chưa lập được báo cáo quyết toán do chủ đầu tư, ban quản lý dự án có sự thay đổi về cơ cấu tổ chức, tổ chức, cá nhân tiếp nhận hoặc kế thừa công việc phải chịu trách nhiệm thực hiện công tác quyết toán dự án hoàn thành theo quy định. Các đơn vị tiến hành rà soát những dự án dang dở kéo dài, xác định rõ sự cần thiết về nội dung, quy mô, hiệu quả đầu tư, từ đó, đề xuất phương án dừng thực hiện, tiếp tục triển khai hoặc triển khai đến điểm dừng kỹ thuật, nhằm hạn chế lãng phí vốn đầu tư.

Về phía các huyện, thị xã thực hiện kiểm tra, giám sát thường xuyên, chặt chẽ các chủ đầu tư, cũng như tổ chức tư vấn đầu tư, xây dựng. Các địa phương yêu cầu các chủ đầu tư, cơ quan quản lý đấu thầu công bố công khai danh sách, địa chỉ các nhà thầu vi phạm quy định về lập hồ sơ quyết toán hợp đồng, kiên quyết xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm.

Riêng về phía sở Tài chính sẽ đẩy mạnh công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành thuộc thẩm quyền. Đơn vị cũng tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, kiện toàn, chấn chỉnh hoạt động của bộ máy thẩm tra quyết toán vốn đầu tư ở từng cấp, cũng như có kế hoạch tập huấn, nâng cao chất lượng cho đội ngũ cán bộ làm công tác thẩm tra, quyết toán. Trường hợp cơ quan tài chính không đủ lực lượng để thực hiện thẩm tra, đơn vị sẽ xem xét, có ý kiến cho chủ đầu tư thuê đơn vị kiểm toán độc lập kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành trước khi trình thẩm tra, phê duyệt quyết toán.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chậm quyết toán các công trình, dự án đã hoàn thành: Ỳ ạch khâu... xử lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO