Chăm sóc cây ăn quả trong mùa mưa

Trần Lê| 10/08/2021 09:07

Vào mùa mưa, nhiều loại sâu bệnh xuất hiện, tấn công cây ăn quả. Do đó, bà con nông dân đang tích cực chăm sóc vườn cây, bảo đảm năng suất, chất lượng sản phẩm.

ADQuảng cáo

Huyện Krông Nô hiện có khoảng 900 ha cây ăn quả. Thời gian này, nhiều nông dân trên địa bàn đang tích cực triển khai các biện pháp để chăm sóc, bảo vệ vườn cây.

Bà Phạm Thị Đơn, thôn Đắk Hoa, xã Tân Thành (Krông Nô) ngắt bớt những quả ổi kém phát triển để bảo đảm chất lượng sản phẩm về sau

Gia đình bà Phạm Thị Đơn, thôn Đắk Hoa, xã Tân Thành (Krông Nô), có 1 ha ổi các loại như: xá xị, nữ hoàng, lê, không hạt... Bà Đơn rất chú trọng chăm sóc vườn ổi trong mùa mưa.

Theo bà Đơn, mưa nhiều, độ ẩm cao sẽ là điều kiện thuận lợi để các loại sâu bệnh phát sinh, gây hại cho cây trồng. Trong đó sâu đục trái, bệnh thán thư đều gây hại, làm giảm năng suất và chất lượng sản phẩm.

Sâu có thể đục từ giai đoạn quả nhỏ cho đến lúc gần thu hoạch. Sâu gây hại vào lúc quả nhỏ sẽ làm biến dạng quả và rụng. Còn nếu sâu tấn công vào giai đoạn quả lớn sẽ làm giảm phẩm chất của quả.

Kinh nghiệm của bà Đơn là kết hợp nhiều biện pháp trong phòng chống sâu đục quả. Cụ thể phải thường xuyên thăm vườn vào giai đoạn ổi ra quả để sớm phát hiện sâu đục quả.

Những quả bị sâu gây hại cần được thu gom, đưa ra khỏi vườn để tiêu hủy. Hàng năm phải tỉa cành để tạo thông thoáng vườn cây. Trên mỗi cây ổi nên tỉa bỏ bớt những quả kém phát triển, dùng bao bọc những quả đẹp để ngừa sâu bọ.

Mỗi năm, vườn ổi của bà Đơn thu được khoảng 6 tấn quả. Với mức giá trung bình khoảng 10 triệu đồng/tấn, gia đình bà thu về 60 triệu đồng/năm, lãi khoảng 30 triệu đồng.

Gia đình anh Võ Duy Đảm, thôn 12, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp), hiện có gần 2 ha bơ, phần lớn là bơ booth. Theo anh Đảm, vào mùa mưa bơ dễ bị các loại bọ xít, nhện đỏ và các loại côn trùng khác tấn công vào đọt non, quả non, cuống quả.

ADQuảng cáo

Do độ ẩm cao, nên cây bơ dễ phát sinh các loại nấm hồng, thán thư, nấm phytophthora. Khi bị nấm, quả bơ trở nên dị dạng, hỏng vỏ, cuống. Nếu gặp mưa nhiều, các loại nấm này lây lan nhanh và làm cho quả bơ rụng nhiều.

Gia đình anh Võ Duy Đảm, thôn 12, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) chủ động cắt tỉa cành vượt, tạo thông thoáng cho cây bơ

Để phòng, chống sâu bệnh cho cây ăn quả trong mùa mưa, theo kinh nghiệm của anh Đảm, cần phát sạch cỏ, vệ sinh vườn thường xuyên. Bà con nên cắt bớt chồi non, cành vượt, sử dụng các loại phân bón hữu cơ, giảm phân bón hóa học, bổ sung các loại trung, vi lượng...

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, tổng diện tích cây ăn quả toàn tình hiện đạt trên 10.900 ha, tăng trên 6.000 ha so với năm 2015. Tổng sản lượng hoa quả của tỉnh đạt khoảng 35.000 tấn/năm.

Những năm qua, diện tích cây ăn quả tại các địa bàn tăng khá nhanh. Cây ăn quả trở thành cây chủ lực, đem lại nguồn thu nhập chính, ổn định cho nhiều bà con nông dân.

Cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đa dạng về chủng loại như sầu riêng, xoài, bơ, chanh dây, ổi, mít, bưởi… Ngoài trồng thuần, nhiều loại cây ăn quả được bà con trồng xen canh với các loại cây khác.

Đối với mỗi loại cây ăn quả và hình thức canh tác khác nhau, cần phải có phương thức, biện pháp chăm sóc khác nhau. Vào mùa mưa, bên cạnh việc thường xuyên thăm vườn, chăm sóc cây phù hợp, các nhà vườn nên áp dụng tổng hợp nhiều biện pháp để phòng, chống sâu bệnh hiệu quả.

Trong đó, bà con cần áp dụng những biện pháp thủ công, sinh học, hữu cơ để bảo vệ sức khỏe bản thân, môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm. Khi cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cần tuân thủ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.

Bà con cần lưu ý dùng những sản phẩm bảo vệ thực vật nằm trong danh mục cho phép của Bộ Nông nghiệp - PTNT. Ngoài sâu bệnh, nhà nông cần chú ý đến việc bảo vệ vườn cây trước những diễn biến thời tiết bất lợi như lốc xoáy, mưa đá, gió lớn.

Vào đầu mùa mưa, nếu vườn cây ăn quả không có độ che chắn tốt, bà con nên chằng chống cây, cành; dùng dây neo quả hoặc bọc quả lại... để phòng ngừa những tác động của thời tiết xấu.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chăm sóc cây ăn quả trong mùa mưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO