Chăm sóc hồ tiêu đúng cách: Góp phần hạn chế dịch bệnh trong mùa mưa

Trần Lê| 08/08/2017 10:47

Những năm gần đây, dịch bệnh trên cây hồ tiêu phát sinh gây hại nhiều, nhất là vào mùa mưa, thời kỳ có độ ẩm cao, ánh sáng yếu nên người dân cần biết cách chăm sóc hợp lý để bảo đảm năng suất, sản lượng.

ADQuảng cáo

Việc rong tỉa cây trụ sống có tác dụng giảm sâu bệnh, tăng độ quang hợp cho cây

Ông Bùi Ngọc Hải, thôn 4, xã Nhân Đạo (Đắk R’lấp) là một trong những hộ trồng hồ tiêu lâu năm trên địa bàn. Vườn hồ tiêu 2 ha của ông đã gần 20 năm tuổi nhưng vẫn luôn xanh tốt, cho năng suất khá cao và ổn định từ 3 -  4 tấn/ha. Trong khi nhiều vườn hồ tiêu lân cận đã từng bị chết hàng loạt thì vườn cây nhà ông vẫn khỏe mạnh.

Chia sẻ về kinh nghiệm chăm sóc hồ tiêu, ông Hải cho biết: "Mùa mưa là thời kỳ cây tiêu dễ bị bệnh nhất. Do đó, tôi thường xuyên chú ý đến việc tạo thông thoáng cho vườn bằng cách rong tỉa cây che bóng, cắt bỏ cành lươn, cành chạm đất, tạo các dòng chảy để nước mưa không bị ứ đọng trong vườn...".

Ngoài ra, việc bón phân đúng cách trong mùa mưa cũng được ông Hải áp dụng như kết hợp phân chuồng ủ hoai mục với các loại nấm đối kháng để bón khoảng 4-5 đợt. Mỗi gốc khoảng 100 - 120 g/đợt. Khi bón với lượng nhỏ như vậy thì cây sẽ dễ hấp thu, tránh lãng phí, đồng thời bảo vệ bộ rễ mẫn cảm của cây.

ADQuảng cáo

Tương tự, ông Nguyễn Bình Nhưỡng, thôn 2, xã Đắk Wil (Chư Jút) cũng đã phòng sâu hại hiệu quả cho cây hồ tiêu trong mùa mưa bằng cách thường xuyên thăm vườn để phát hiện sớm các biểu hiện bệnh. Bên cạnh đó, ông cũng sử dụng các loại phân hữu cơ và hữu cơ vi sinh, chế phẩm sinh học như Tricoderma, Bacillus với lượng 50 - 80 kg/ha để bón cho vườn cây vào đầu và giữa mùa mưa. Chính vì thế, vườn tiêu hơn 1.000 trụ của gia đình luôn khỏe mạnh và cho năng suất ổn định qua nhiều năm.

Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, 7 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã có gần 400 ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm, trong đó có gần 70 ha đã bị chết. Bệnh chết nhanh ở cây tiêu do loại nấm Phytophthora capsici gây ra và bệnh chết chậm do sự kết hợp gây hại của một số loại nấm như Fusariumsp, tuyến trùng, rệp sáp. Các loại nấm này tiềm ẩn ở môi trường đất, nước, tàn dư cây trồng, cỏ và phát triển, lây lan rất nhanh trong điều kiện mùa mưa. Bào tử nấm gây hại cho cây bắt đầu từ rễ rồi lan truyền lên thân, cành làm cây héo rũ, chết yểu. Chính vì thế, người trồng phải thường xuyên thăm vườn, theo dõi cây tiêu để phòng trừ bệnh kịp thời.

Để hạn chế sâu bệnh, người trồng tiêu cần chủ động các biện pháp phòng là chính, nhất là trong mùa mưa. Trước tiên cần tạo hệ thống rãnh để thoát nước kịp thời khi mưa lớn, không để nước đọng trong vườn, nhất là ở gốc tiêu. Đối với những hộ trồng tiêu trên vùng đất dốc thì không cần làm hệ thống rãnh thoát nước nhưng cần theo dõi, tránh ngập úng sau những cơn mưa lớn. Bà con cũng cần dọn sạch cỏ và những tàn dư thực vật trên vườn, cắt tỉa những cành lươn để cây tập trung nuôi nhánh ngang để cho trái sau này.

Bên cạnh đó, việc bón phân cân đối, đúng cách cũng là một biện pháp phòng bệnh cho cây hồ tiêu hiệu quả. Người dân nên sử dụng từ 30 - 40 m3 phân chuồng ủ hoai mục trộn với phân hữu cơ vi sinh bón cho mỗi héc ta hồ tiêu mỗi năm và sử dụng phân NPK tổng hợp chuyên dùng để mỗi năm bón đợt cho hồ tiêu đã đưa vào kinh doanh và từ 4 - 6 đợt cho hồ tiêu đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản...

Ông Trương Hồng, Quyền Viện Trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết:

Thực tế nhiều người dân chăm sóc hồ tiêu không đúng cách trong mùa mưa như để vườn đọng nước, cào bồn bỏ phân đã làm tổn thương bộ rễ, để các mầm bệnh xâm nhập, lây lan. Khi mùa nắng tới, cây tiêu bắt đầu chết nhưng thực tế cây đã chết trong mùa mưa. Để canh tác an toàn, bà con nên chú ý, dưới gốc cây tiêu phải được làm thoáng ít nhất 30 cm để nắng rọi vào, tiêu diệt mầm bệnh, tránh hiện tượng ẩm trong đất tạo điều kiện cho dịch bệnh sinh sôi. Mùa mưa cũng là thời điểm cây ra hoa và chắc hạt nên bên cạnh việc phòng trừ bệnh hại, nhà nông cần chú ý chế độ bón phân phù hợp để cây tiêu sinh trưởng mạnh, có sức đề kháng cao, ổn định năng suất. Bà con nên kết hợp bón NPK và phân hữu cơ vi sinh để cung cấp thêm các nguyên tố vi lượng như kẽm, đồng, sắt, magiê cho cây trồng, đồng thời bổ sung các loại phân bón lá nhằm kích thích quang hợp, ra hoa, đậu quả, hạn chế hiện tượng rụng quả do cạnh tranh dinh dưỡng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chăm sóc hồ tiêu đúng cách: Góp phần hạn chế dịch bệnh trong mùa mưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO