"Chắp cánh" hương vị cà phê Đắk Nông

Thanh Nga| 23/01/2019 10:14

Không chỉ trồng cà phê theo các tiêu chuẩn nông nghiệp tốt, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã chú trọng đến chế biến cà phê sạch, góp phần nâng tầm giá trị, đáp ứng nhu cầu thưởng thức sản phẩm chất lượng cao.

ADQuảng cáo

Giữ hương thơm và vị ngọt tự nhiên

Cách đây 1 năm, chàng trai Nguyễn Hữu Tuấn ở thôn 9, xã Nam Bình (Đắk Song) âm thầm rủ người anh họ là Nguyễn Văn Chung đến TP. Hồ Chí Minh học về rang xay, pha chế cà phê. Sau đó, Tuấn trở về bàn với bố mẹ quyết định chọn theo nghề chế biến, pha chế, mở quán cà phê lập nghiệp.

Tuấn chia sẻ: “Năm học lớp 6, tôi theo gia đình hái cà phê và thấy bố mẹ bán xô với giá thấp, rồi thắc mắc sao uống cà phê giá lại cao thế. Lúc đó, tôi ước gì 1 kg có giá cao hơn gấp 2-3 lần để gia đình có thêm thu nhập. Những năm gần đây, gia đình tôi cũng như bao người dân Tây Nguyên đã chú trọng trồng cà phê sạch. Tuy nhiên, họ thường hái xanh nhiều hơn chín, vất vả hái, phơi rồi lại đưa ra đại lý bán xô và bị ép giá. Từ đó, tôi nghĩ lớp trẻ như mình cần phải tìm hiểu và đi theo chế biến cà phê để làm điều gì đó góp phần nâng cao giá trị của cà phê và đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn”.

Nguyễn Hữu Tuấn ở thôn 9, xã Nam Bình (Đắk Song) pha chế cà phê mời khách hàng dùng thử tại Hội chợ thương mại quốc tế Việt Nam-Campuchia tổ chức tại thị xã Gia Nghĩa.

Ban đầu, nhiều người thân phản đối nhưng Tuấn đã kiên trì thuyết phục và được bố vay vốn ngân hàng để thực hiện niềm đam mê của mình. Tháng 4/2018, Tuấn và Chung bắt tay vào thực hiện sự đam mê ấp ủ bấy lâu. Hai bạn trẻ vừa rang, xay bán sản phẩm và mở quán mang tên Star ngay tại thị trấn Đức An (Đắk Song). Theo Tuấn, cà phê bột phải sạch từ khâu trồng, phơi, chế biến đến pha chế cao cấp. Vì thế, gia đình hái tỷ lệ trái chín tới 95%, khi pha chế hương vị cà phê mới chất lượng cao. Quả chín được chế biến ướt, kiểm soát độ pH, đưa lên phơi ở nhà kính và lấy độ đường để tạo vị ngọt tự nhiên cho cà phê. Khi pha chế cà phê cũng hạn chế tối đa việc bỏ đường, sữa mà chủ yếu có vị ngọt từ hạt cà phê.

Hiện tại, đôi bạn trẻ đang thu mua trọn gói trang trại 8 ha cà phê được sản xuất theo tiêu chuẩn 4C của gia đình mình. Tuấn cho biết: “Quá trình làm, tôi suy nghĩ bên cạnh hiệu quả kinh tế thì phải góp phần nâng giá trị chất lượng của cà phê lên. Đối với chúng tôi hiện nay là làm phải có lợi nhuận nhưng đó không phải tất cả, mà lợi nhuận đó là nhằm giúp mình tiếp tục thực hiện đam mê. Sang năm 2019, chúng tôi sẽ phát triển thương hiệu ra thị trường, tạo sức lan tỏa để nông dân làm cà phê sạch và thu mua với giá cao”.

Hiện các bạn vừa cung cấp cà phê nhân cho các nhà rang xay và cà phê bột pha phin, pha máy cho hơn 20 đại lý, quán cà phê trong và ngoài tỉnh. Mỗi tháng, trừ tất cả chi phí, đôi bạn thu về lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng.

Sự hài lòng của khách hàng là động lực

Năm nay đã gần 60 tuổi nhưng bà Trương Thị Thanh Lam, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát, chuyên sản xuất cà phê bột Hoàng Gia Phú ở thôn Kẻ Đọng, xã Đức Minh (Đắk Mil) vẫn luôn tìm tòi, sáng tạo trong chế biến cà phê, với niềm đam mê, tình yêu với cà phê. Ngoài các sản phẩm như cung cấp cà phê hạt mộc, hạt ướp, cà phê hộp, cà phê gói bằng bí quyết rang, xay gia truyền, tháng 9/2018, công ty đã cho ra đời sản phẩm cà phê hòa tan 3 trong 1.

Bà Trương Thị Thanh Lam, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát, chuyên sản xuất cà phê bột Hoàng Gia Phú ở thôn Kẻ Đọng, xã Đức Minh (Đắk Mil) giới thiệu về sản phẩm cà phê hòa tan mới.

ADQuảng cáo

Bà Lam tâm sự: “Sự hài lòng của khách hàng, đối tác về các sản phẩm của gia đình đã trở thành động lực để tôi tìm tòi, cho ra sản phẩm hòa tan. Sau 1 năm tham quan, học hỏi ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các nước bạn, tôi thấy nhu cầu của thức uống cà phê ngày càng tăng, nhất là cà phê hòa tan vì sự tiện lợi và những ưu thế khác. Vì vậy, tôi quyết định cùng với các anh em trong gia đình đầu tư 1,7 tỷ đồng mua máy móc sản xuất cà phê hòa tan, sản phẩm thứ 7 của công ty. Sau khi thử sản phẩm của các công ty có uy tín trên thị trường, tôi đã nghiên cứu pha chế và dựa trên bí quyết của gia đình tạo ra sản phẩm của mình. Khi ra chào hàng ở Hà Nội thấy mọi người uống khen thơm ngon như các hãng lớn mà không bị thé ở cổ, uống vào có cảm giác dịu nhẹ, vị ngọt béo, hương thơm thì mình mừng”.

Thời gian qua, bình quân mỗi tháng, Công ty TNHH Hoàng Phát cung ứng ra thị trường hơn 3 tấn sản phẩm cà phê Hoàng Gia Phú. Cà phê của gia đình bà Lam đã tạo dựng được uy tín trên thị trường trong nước và xuất khẩu đến các nước bạn như Lào, Campuchia, Malaysia, Trung Quốc.

Liên kết sản xuất cà phê sạch

Năm 2014, ông Hồ Trọng Tín ở thị trấn Đắk Mâm (Krông Nô) bắt tay nghiên cứu về rang xay cà phê nguyên chất và năm 2015 thành lập cơ sở TIN TRUE coffee bán tại quán cà phê tại gia đình và bỏ sỉ.

Ông Tín chia sẻ: “Thời điểm đó, ở địa phương người dân đa số uống cà phê pha trộn lung tung. Khi mình bắt tay làm cà phê nguyên chất, nhiều người chưa quen, có người còn phản đối. Dần dần, khách hàng hiểu và quan tâm đến uống cà phê sạch nhiều hơn. Cái hay của người “nghiện” cà phê là họ đã uống hợp khẩu vị rồi thì chỉ chú ý tới sản phẩm của mình thôi. Những người sành uống cà phê cho rằng phải nguyên chất mới đúng là thưởng thức cà phê”.

Mặc dù mới bắt tay vào sản xuất nhưng hiện nay cơ sở của ông Tín được đánh giá có chất lượng hàng đầu của huyện Krông Nô. Sản phẩm cà phê của ông Tín thường xuyên được UBND huyện mời tham gia các hội chợ quảng bá hàng hóa cho địa phương. Nhiều cơ quan, đơn vị, gia đình khi cần làm quà đã đặt hàng cà phê của ông Tín.

Ông Tín bày tỏ: “Xã hội bây giờ nhu cầu sử dụng các sản phẩm chất lượng cao ngày càng tăng. Đầu tư vào lĩnh vực sản xuất cà phê sạch giá hơi cao nhưng bù lại thị trường bền vững. Thực tế mỗi vùng, miền có những gu uống cà phê khác nhau, thậm chí nam giới có khẩu vị khác, nữ giới có khẩu vị khác nên mình phải tìm hiểu để pha trộn tỷ lệ các loại cà phê phù hợp với thị hiếu”.

Sản phẩm TIN TRUE coffee của ông Hồ Trọng Tín ở thị trấn Đắk Mâm (Krông Nô) trưng bày, giới thiệu tại Hội chợ thương mại quốc tế Việt Nam-Campuchia tổ chức tại thị xã Gia Nghĩa.

Đầu năm 2019, ông Tín sẽ thành lập hợp tác xã nông nghiệp, dịch vụ để liên kết với nông dân sản xuất cà phê VietGAP. Ông Tín lý giải: “Krông Nô là một trong những vùng sản xuất cà phê lớn của tỉnh. Nông dân sản xuất ra cà phê mà không chế biến thì lợi nhuận không cao. Vì thế, tôi thành lập hợp tác xã và liên kết với 10 hộ trồng 10 ha cà phê sạch để chủ động nguyên liệu. Cà phê của các thành viên sẽ được thu mua với giá cao hơn thị trường và giá cà phê chế biến cũng được nhập cho các đại lý cao hơn nên cả hai sẽ cùng có lợi”.

Mỗi gia đình có một bí quyết rang, xay, pha chế riêng nhưng đều hướng tới mục tiêu đáp ứng nhu cầu của người thưởng thức cà phê sạch. Dù mới khởi nghiệp, quy mô còn nhỏ nhưng họ đã góp sức thay đổi tư duy, lan tỏa cách làm nông nghiệp sạch của nông dân, góp phần nâng tầm giá trị cho cà phê Đắk Nông vươn ra thị trường trong nước và thế giới.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Chắp cánh" hương vị cà phê Đắk Nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO