“Chắt chiu” nguồn vốn đầu tư

Hà An| 20/12/2016 09:15

Không chỉ nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 bị giảm so với dự kiến mà khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư từ ngân sách địa phương trong thời gian tới cũng gặp khó. Vì thế, việc “chắt chiu” nguồn vốn đầu tư làm sao vừa đáp ứng được yêu cầu cấp thiết, vừa phát huy hiệu quả tối đa đang là vấn đề đặt ra trong công tác điều hành, quản lý và sử dụng nguồn lực.

ADQuảng cáo

Theo phương án mới nhất trình Quốc hội thông qua, riêng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2016-2020, tổng vốn đầu tư của Đắk Nông giảm khoảng 21%, riêng nguồn vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu giảm 45% so với thông báo trước đây.

Mặc dù là tỉnh được ưu tiên so với khu vực Tây Nguyên (bình quân khu vực Tây nguyên giảm khoảng 50% so với thông báo của Trung ương trước đây) nhưng với việc cắt giảm một lượng vốn lớn so với kế hoạch, lĩnh vực đầu tư của tỉnh đang gặp không ít khó khăn.

Thông báo của Trung ương cuối năm 2015 thì nguồn vốn đầu tư công trung hạn thuộc Trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho Đắk Nông là khoảng 5.700 tỷ đồng. Theo chủ trương thông báo, sau khi trừ nguồn trích lập quỹ dự phòng, tỉnh đã xây dựng kế hoạch phân bổ cho các địa phương để bố trí cho khoảng 50 danh mục dự án đầu tư, trong đó có khoảng 35 dự án mở mới, còn lại là bố trí nguồn để thanh toán nợ, quyết toán khối lượng cho 15 dự án đã hoàn thành.

Tuy nhiên, với phương án mới đây trình Quốc hội thông qua, nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu của Trung ương cho tỉnh giảm xuống còn khoảng 2.500 tỷ đồng cho cả giai đoạn 2016-2020. Với số vốn này, chủ trương của tỉnh trước mắt vẫn tập trung bố trí để thanh toán nợ, quyết toán khối lượng cho các dự án hoàn thành, còn lại mới bố trí mở mới những dự án xét thấy cần thiết và cấp bách. Vì vậy, khá nhiều dự án nằm trong kế hoạch mở mới theo dự kiến sẽ không có nguồn vốn để bố trí.

ADQuảng cáo

Trong khi đó, cân đối ngân sách địa phương cho đầu tư phát triển của tỉnh giai đoạn 2016-2020 cũng chưa có nhiều đột phá bởi nguồn thu hạn chế, mới cơ bản đáp ứng chi thường xuyên nên khả năng đầu tư cho những dự án mang tính động lực là không nhiều.

Chỉ tính riêng nguồn vốn đầu tư phát triển giao thông nông thôn và kiên cố hóa kênh mương theo Nghị quyết 29/NQ-HĐND của HĐND tỉnh hiện cũng chưa có nguồn lực để bố trí. Bởi đây là chương trình chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng thương mại nhưng hiện mức vay của tỉnh đã đến ngưỡng quy định theo luật Ngân sách.

Trong điều kiện khó khăn về nguồn vốn, nếu không linh động bố trí nguồn phù hợp, không chỉ đầu tư nhóm động lực là thủy lợi và giao thông nông thôn bị ngưng trệ mà mục tiêu về xây dựng nông thôn mới thời gian tới cũng ảnh hưởng. Chưa kể đến, mục tiêu của Trung ương trong việc cắt giảm vốn đầu tư công đối với các địa phương là nhằm tập trung nguồn lực cho những dự án động lực, mang tính liên kết, liên vùng với mức độ lan tỏa rộng...

Từ đây cho thấy, trước thực tế nguồn vốn đầu tư công hạn chế thì việc bố trí, sử dụng nguồn vốn sao cho hiệu quả nhất là vấn đề đặt ra hiện nay cho các cấp, ngành. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần “chắt chiu” nguồn lực, triệt để thực hiện nhóm giải pháp tiết kiệm chi thường xuyên, linh hoạt trong huy động các nguồn vốn xã hội hóa để tập trung nhiều hơn cho nhiệm vụ chi mục tiêu phát triển.

Qua thực thế giám sát các dự án đầu tư công giai đoạn 2012-2015 trên địa bàn tỉnh của Ban Kinh tế-Ngân sách, HĐND tỉnh thời gian qua cho thấy, vẫn còn tình trạng nhiều dự án đầu tư thiếu tính hợp lý như quy mô quá lớn so với nhu cầu sử dụng; đầu tư dở dang, thiếu tính khả thi gây lãng phí nguồn vốn. Một số dự án mặc dù được bố trí vốn nhưng chủ đầu tư thiếu năng lực, chưa quyết liệt dẫn đến thất thoát, lãng phí hoặc chậm tiến độ phải chuyển nguồn vẫn còn xảy ra.

Bên cạnh đó, các địa phương vẫn chưa cân nhắc, tính toán để phát huy tốt nguồn lực trong bố trí vị trí xây dựng dự án thuộc nhóm trụ sở hành chính, trung tâm dạy nghề hay trường học…

Đơn cử như các trụ sở, trung tâm… không nhất thiết phải nằm ở vị trí “vàng” mà những khu vực này cần được tính toán, đấu giá để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển. Việc bố trí vốn dàn trải cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp trong điều kiện nguồn lực hạn chế…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Chắt chiu” nguồn vốn đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO