Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh: Tập trung giải ngân vốn, đáp ứng nhu cầu của người dân

Nguyễn Lương| 26/03/2018 10:20

Với mục tiêu phấn đấu đến cuối 2018, tổng dư nợ đạt gần 2.460 tỷ đồng, tương đương tăng trưởng tín dụng đạt mức 12% so với năm 2017, hiện nay, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh Đắk Nông đang tranh thủ nguồn vốn Trung ương phân bổ, đẩy mạnh thu nợ đến hạn; tích cực huy động tiền gửi; tăng cường rà soát, tổng hợp, bình xét các hộ đủ điều kiện vay vốn… để giải ngân cho vay.

ADQuảng cáo

Tính đến hết tháng 2/2018, tổng dư nợ tại Chi nhánh NHCSXH tỉnh đạt mức 2.195 tỷ đồng. Với nguồn vốn này, toàn tỉnh có 65.477 hộ nghèo, gia đình thuộc diện chính sách được vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế.

Cán bộ NHCSXH huyện Đắk Mil giao dịch với người dân xã Đắk R'la

Tranh thủ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ

Theo Chi nhánh NHCSXH tỉnh, trong năm 2018, đơn vị phấn đấu tăng trưởng tín dụng khoảng 250 tỷ đồng so với cuối năm 2017. Trong tổng số vốn này, nguồn vốn Trung ương phân bổ về cho tỉnh để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách là hơn 150 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn ngân sách địa phương và nguồn vốn huy động tiền gửi.

Để tập trung giải ngân hết nguồn vốn phân bổ từ Trung ương, ngay từ đầu năm, NHCSXH tỉnh đã kịp thời triển khai giải ngân cho nhiều chương trình chính sách tín dụng. Với mục tiêu bảo đảm hộ nghèo, các gia đình thuộc diện chính sách đủ điều kiện đều được vay vốn để phát triển kinh tế, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát, phân bổ nguồn vốn phù hợp cho từng địa bàn. Dựa trên tinh thần chỉ đạo của tỉnh, các địa phương rà soát, xem xét, bố trí nguồn vốn phù hợp theo từng chương trình cho vay.

NHCSXH tỉnh còn phối hợp với chính quyền các cấp, các đơn vị nhận ủy thác thực hiện tốt nhiệm vụ bình xét các hộ đủ điều kiện để cho vay, hạn chế tình trạng cho vay sai đối tượng thụ hưởng. Quá trình giải ngân vốn cũng được NHCSXH các cấp thực hiện công khai, minh bạch, có sự giám sát, theo dõi của các tổ chức, đoàn thể, chính quyền các cấp. Các cấp hội, hệ thống tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TK&VV) bám sát cơ sở, hướng dẫn cách thức sử dụng vốn hiệu quả cho các hộ vay, nhằm lan tỏa ý nghĩa nhân văn của các chương trình tín dụng chính sách.

ADQuảng cáo

Theo kế hoạch, trong năm 2018, ngoài nguồn vốn địa phương, huyện Đắk Mil được phân bổ thêm 16,3 tỷ đồng từ vốn Trung ương. Với nguồn vốn này, huyện ưu tiên phân bổ cho các chương trình như: Cho vay nước sạch vệ sinh môi trường 8 tỷ đồng; cho vay gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn là 3,5 tỷ đồng, phần vốn còn lại dành cho các chương trình khác.

Ông Mai Văn Nam, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH Đắk Mil cho biết: Để tiến độ giải ngân đạt kết quả cao, ngay từ những tháng đầu năm, đơn vị tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn phát huy vai trò chỉ đạo thực hiện đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách về hoạt động tín dụng ưu đãi ở cơ sở. Đối với các đơn vị nhận ủy thác, Phòng Giao dịch luôn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm trong việc thực hiện các nội dung đã nhận ủy thác.

Cũng theo ông Nam, ngoài nguồn vốn Trung ương, địa phương tích cực huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân, huy động tiền gửi từ hộ vay thông qua Tổ TK&VV để bổ sung nguồn vốn cho vay. Việc quan tâm, tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo biết cách làm ăn, thực hiện việc trả nợ đúng kỳ hạn, nhằm nâng cao chất lượng tín dụng cũng được địa phương chú trọng.

Tương tự, tại huyện Chư Jút, trong năm 2018, nguồn vốn Trung ương phân bổ cho đơn vị là gần 21 tỷ đồng. Xét thực tế tại địa phương, đơn vị sẽ tập trung phân bổ vốn cho một số chương trình như: Cho vay hộ nghèo 5 tỷ đồng; hộ mới thoát nghèo 3 tỷ đồng; hộ cận nghèo 3 tỷ đồng...

Ông Đào Thái Hòa, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho biết:

“Cùng với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong quy trình tiếp cận, giải ngân nguồn vốn, NHCSXH sẽ luôn chú trọng công tác bình bầu ở cơ sở, xét duyệt phương án sản xuất, kinh doanh, cũng như phối hợp hướng dẫn người dân sử dụng, kiểm soát tốt nguồn vốn vay để nâng cao hiệu quả vốn vay. Việc quản lý, thu hồi lãi và nợ gốc đến kỳ hạn cũng sẽ được NHCSXH tỉnh kiểm soát chặt chẽ”.

Đơn giản hóa thủ tục cho vay

Theo ông Đào Thái Hòa, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh, ngoài việc tập trung tranh thủ mọi nguồn vốn để giải ngân cho vay, việc đơn giản hóa thủ tục cho vay sẽ được đơn vị chú trọng đẩy mạnh. Trong quá trình thực hiện, Chi nhánh sẽ tích cực phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội nhận ủy thác, Ban Quản lý Tổ TK&VV trực tiếp giúp đỡ, hỗ trợ người dân thực hiện các thủ tục, giấy tờ. Việc NHCSXH tổ chức giao dịch tại các điểm giao dịch xã vào các ngày cố định hằng tháng đã tạo nên hệ thống dịch vụ gần dân, tiết kiệm chi phí đi lại, bảo đảm an toàn cho người dân. Đến nay, tại 71/71 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều đặt điểm giao dịch cố định của ngân hàng. Mọi hoạt động cho vay, thu nợ, thu lãi, huy động tiền gửi tiết kiệm đều sẽ được thực hiện tại điểm giao dịch.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh: Tập trung giải ngân vốn, đáp ứng nhu cầu của người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO