Chi nhánh NHCSXH tỉnh: Đẩy mạnh huy động vốn

Nguyễn Lương| 26/06/2018 10:16

Cùng với nguồn vốn phân bổ từ Trung ương, hỗ trợ của địa phương, thời gian qua, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh đã không ngừng đẩy mạnh huy động vốn bổ sung vào nguồn vốn cho vay, giúp nhiều hộ nghèo, gia đình thuộc diện chính sách trên địa bàn có thêm cơ hội để vay vốn với lãi suất ưu đãi.

ADQuảng cáo

Lợi ích "kép" từ gửi tiền tiết kiệm

Tại huyện Đắk Mil, để tạo thói quen tiết kiệm cho hộ nghèo, các gia đình thuộc diện chính sách, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đã áp dụng nhiều giải pháp trong huy động tiền gửi tiết kiệm. Đặc biệt, công tác huy động tiết kiệm tại điểm giao dịch xã đang được đơn vị triển khai khá hiệu quả. Đến nay, tổng vốn huy động tại Phòng Giao dịch là gần 17,4 tỷ đồng, trong đó riêng nguồn vốn huy động thông qua các điểm giao dịch xã là hơn 4 tỷ đồng.

Theo ông Mai Văn Nam, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH Đắk Mil, hằng tháng, tại các buổi giao dịch ở xã, bên cạnh thực hiện công tác thu gốc, lãi định kỳ, cán bộ giao dịch còn có nhiệm vụ tuyên truyền dịch vụ nhận tiền gửi tiết kiệm của người dân địa phương. Bằng hình thức này, người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của chương trình gửi tiền tiết kiệm. Cùng với việc huy động thêm nguồn vốn tự có trong dân, điều quan trọng hơn là chương trình gửi tiền tiết kiệm sẽ hướng cho khách hàng duy trì thói quen tích lũy, tiết kiệm và sinh lời từ món tiền nhỏ. Điều này mang lại lợi ích kép cho cả đôi bên. Ngân hàng có thêm nguồn huy động, còn khách hàng có tiền tiết kiệm dự phòng rủi ro.

Cán bộ NHCSXH huyện Krông Nô giao dịch với người dân xã Đắk D'rô

Nhờ việc tích cực tuyên truyền, số lượng người dân gửi tiền qua các điểm giao dịch xã ngày càng tăng. Chị Phan Thị Liễu, ở thôn 3, xã Đắk R’la cho biết: “Trước đây, tôi thường gửi tiết kiệm tại các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, từ khi NHCSXH về huy động vốn trong dân cư ngay tại điểm giao dịch xã, rất thuận tiện, tôi không phải đi xa, thủ tục cũng nhanh gọn, đỡ mất thời gian. Mặc khác, việc mình gửi vốn ở đây cũng góp phần giúp nhiều hộ nghèo có thêm cơ hội vay để làm kinh tế”.

ADQuảng cáo

Tương tự, tại Krông Nô, mô hình gửi tiền tiết kiệm đã được triển khai tại các điểm giao dịch xã và nhận được sự ủng hộ của người dân trên địa bàn. Thông qua dịch vụ tiết kiệm tín dụng này không chỉ huy động sự đóng góp của cộng đồng trong thực hiện chương trình giảm nghèo của địa phương, mà còn góp phần phổ cập dịch vụ tài chính đến những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Theo ông Phạm Hòa, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH Krông Nô thì để chủ động và linh hoạt nguồn vốn cho vay đối với các gia đình thuộc diện chính sách, đơn vị luôn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, nhân dân tích cực tham gia chương trình gửi tiền tiết kiệm. Cùng với huy động tiết kiệm qua các thành viên ở tổ TK&VV, huy động vốn tại điểm giao dịch xã cũng được đẩy mạnh. Đến nay, địa phương đã huy động được gần 15 tỷ đồng để bổ sung vào nguồn vốn cho vay.

Tính đến hết tháng 6/2018, tổng nguồn vốn huy động tại Chi nhánh NHCSXH tỉnh là 150 tỷ đồng, tăng 22 tỷ đồng so với đầu năm 2018. Trong đó, tiền gửi thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) là hơn 70 tỷ đồng; tiền gửi của các tổ chức, cá nhân là 80 tỷ đồng.

Áp dụng đồng bộ các giải pháp huy động vốn

Theo ông Đào Thái Hòa, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh thì để bảo đảm nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng chính sách, ngoài nguồn vốn cân đối từ Trung ương, ngân sách địa phương, Chi nhánh tập trung chỉ đạo các đơn vị chủ động đẩy mạnh huy động vốn tại các địa bàn. Ngay từ đầu năm, trên tinh thần, chỉ tiêu huy động vốn được cấp trên giao, NHCSXH tỉnh giao chỉ tiêu cụ thể đến từng phòng giao dịch.

Theo đó, hằng năm, các phòng giao dịch trực thuộc tích cực triển khai, áp dụng đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh huy động vốn. Các đơn vị đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân trên địa bàn nói chung, các tổ TK&VV nói riêng thông qua hệ thống các cơ quan truyền thông của tỉnh. Cùng với đó, thông qua các cuộc họp giao ban định kỳ hằng tháng tại các xã, thị trấn, NHCSXH địa phương đã lồng ghép để tuyên truyền đến người dân. Nội dung tuyên truyền tập trung phổ biến cách thức gửi tiền tại các điểm giao dịch xã và qua tổ TK&VV; việc chuyển đến để gửi vào tài khoản tiền gửi; cách thức đăng ký mở tài khoản tiền gửi; lãi suất tiền gửi; phương thức ủy nhiệm thực hiện nghiệp vụ tiền gửi cho Ban Quản lý tổ TK&VV… Việc triển khai nhiều hình thức huy động tiền gửi tiết kiệm này không chỉ tạo ý thức tiết kiệm cho người dân, mà còn giúp ngân hàng đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ đến bà con, nhất là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Nguồn tiền gửi trong dân sẽ được hòa chung vào dòng vốn ưu đãi của ngân hàng để cho các hộ nghèo được tiếp cận vốn vay.

“Thời gian tới, cùng với đẩy mạnh huy động vốn thông qua điểm giao dịch xã, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể, Ban giảm nghèo các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động về việc thực hiện chủ trương huy động tiền gửi tiết kiệm trong nhân dân. Đối với những tổ TK&VV hoạt động yếu kém, chưa đủ điều kiện triển khai huy động tiết kiệm thì ngân hàng tiếp tục chấn chỉnh, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động. Đơn vị lựa chọn người có khả năng quản lý làm tổ trưởng để bảo đảm tất cả các tổ TK&VV đều thực hiện được nhiệm vụ huy động tiền gửi tiết kiệm của tổ viên”, ông Hòa cho biết thêm.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chi nhánh NHCSXH tỉnh: Đẩy mạnh huy động vốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO