Chống gian lận thương mại - Cần người tiêu dùng góp sức

Nguyễn Lương| 12/08/2022 06:32

Theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, tình hình gian lận thương mại vẫn còn diễn biến phức tạp, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Trước thực tế này, ngành chức năng rất cần sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là sự góp sức từ người tiêu dùng.

ADQuảng cáo

Nhiều chuyển biến tích cực

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389, trong 6 tháng đầu năm 2022, các sở, ngành, địa phương đã thực hiện nghiêm túc công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng có sự chủ động, tạo sự gắn kết chặt chẽ. Nhiều vụ việc, hành vi buôn lậu, gian lận thương mại đã được phát hiện, xử lý kịp thời.

Đơn cử ngày 18/3/2022, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Nông phát hiện, bắt giữ 10 tấn phân bón NPK 16-16-8, nhãn hiệu MACROFARM FERTILIZER, không có nguồn gốc xuất xứ tại cơ sở kinh doanh phân bón Gia Bảo, thôn 8, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp).

Số phân bón trên không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam. Chủ cơ sở cũng không cung cấp được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của lô phân bón này.

Lực lượng quản lý thị trường phát hiện, xử lý cơ sở kinh doanh phân bón giả tại xã Nhân Cơ

Ngày 27/3/2022, tại xã Đắk Ngo (Tuy Đức), Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh Đắk Nông) đã phối hợp với các đơn vị liên quan bắt giữ Hạng Seo S về hành vi mua bán trái phép chất ma túy, thu giữ 2 bánh heroin cùng một số tang vật liên quan.

Trước đó, ngày 27/2/2022, tại xã Đắk Gằn (Đắk Mil), lực lượng Công an tỉnh Đắk Nông đã bắt quả tang 3 đối tượng đang thực hiện hành vi vận chuyển trái phép 10 bánh heroin từ Lào về Việt Nam tiêu thụ...

Đồ họa: B.M - N.L

Theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Đắk Nông, các vụ việc vi phạm chủ yếu tập trung vào nhóm hành vi như: mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy; buôn bán hàng cấm; kinh doanh hàng hóa nhập lậu; hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ; trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu…

Cùng với các vi phạm mang tính phổ biến, môi trường kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử đang diễn ra nhiều vi phạm tinh vi. Việc vận chuyển hàng hóa thông qua các đơn vị chuyển phát tăng cao, nhiều đối tượng đã lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm.

6 tháng đầu năm 2022, các lực lượng chức năng trên địa bàn phát hiện, xử phạt hành chính 523 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 8,9 tỷ đồng; khởi tố hình sự 92 vụ, với 129 đối tượng.

Cần người tiêu dùng góp sức

ADQuảng cáo

Theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, hiện nay, công tác phối hợp giữa các lực lượng làm nhiệm vụ phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đôi lúc chưa thường xuyên.

Các vụ việc còn mang tính chất theo thời điểm, thời vụ, nên một số đối tượng chưa được phát hiện, xử lý kịp thời. Chưa kể, hiện nay gian lận trong thương mại điện tử đang đặt ra thách thức lớn cho các lực lượng chức năng.

Trong khi, các biện pháp nghiệp vụ để kiểm tra, giám sát, phát hiện vi phạm trong thương mại điện tử của các ngành, lực lượng chức năng chưa theo sát tình hình, diễn biến thực tế.

Một lô hàng vật tư y tế không rõ nguồn gốc được lực lượng chức năng phát hiện hồi tháng 3/2022

Theo ông Nguyễn Văn Trãi, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý thị trường, Phó Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, từ nay đến cuối năm, nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân ngày càng tăng cao.

Trong số này, không ít người tiêu dùng chưa quan tâm, chú trọng đến nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Thậm chí, có những trường hợp còn “chuộng” hàng giả, hàng lậu do giá rẻ, nên tình trạng gian lận thương mại vẫn có cơ hội hoạt động.

Để ngăn chặn tình trạng này, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh chủ động xây dựng các phương án, mở rộng điều tra đối với các nhóm đối tượng buôn lậu có tổ chức.

“Đối với những hành vi manh động, liều lĩnh, chống người thi hành công vụ sẽ bị bắt giữ, xử lý nghiêm theo quy định, nhằm răn đe các đối tượng khác”, ông Trãi cho biết.

Đồ họa: B.M - N.L

Cũng theo ông Nguyễn Văn Trãi, bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại rất cần sự hợp tác của chính người tiêu dùng.

Người dân phải "nói không" với hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Các cấp ủy, chính quyền cũng cần vào cuộc trách nhiệm hơn trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát, kiểm tra của lực lượng chức năng trong chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Có như vậy, tình trạng chống người thực thi nhiệm vụ, có hành vi bao che, dung túng cho các vi phạm mới được hạn chế. Điều này sẽ góp phần bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chân chính, không làm thất thu cho ngân sách Nhà nước.

Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia diễn ra ngày 4/8, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh yêu cầu các địa phương quan tâm, làm tốt công tác vận động người dân hãy là người tiêu dùng có văn hóa, không tiêu thụ các mặt hàng vi phạm.

Người dân cần tố giác đến các cơ quan chức năng về các hành vi vi phạm, làm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, cũng như nhà sản xuất, kinh doanh chân chính.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chống gian lận thương mại - Cần người tiêu dùng góp sức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO