Chủ động phòng, chống hạn vụ đông xuân

Văn Tâm| 06/12/2021 09:19

Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nguy cơ xảy ra hạn hán trong vụ đông xuân, các cấp, ngành, địa phương đã triển khai các giải pháp phòng, chống hạn, bảo vệ cây trồng, phát triển sản xuất cho người dân.

ADQuảng cáo

Vụ đông xuân này, ngành Nông nghiệp đã vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đẩy nhanh tiến độ xuống giống theo lịch thời vụ, tăng cường các biện pháp chống hạn.

Tại huyện Đắk Mil có hơn 21.100 ha cà phê. Hằng năm vào mùa khô, nguy cơ thiếu nước tưới cho cây cà phê rất cao. Vì vậy, để chủ động chống hạn, ngành Nông nghiệp huyện vận động người dân áp dụng các biện pháp tưới tiêu hợp lý, chuyển đổi cây trồng phù hợp để hạn chế rủi ro trong sản xuất.

Bên cạnh đó, huyện khuyến khích người dân chủ động đào ao, hồ, đắp đập dâng ở các suối tự nhiên, sử dụng nguồn nước hợp lý, tiết kiệm nước bằng phương pháp tưới nhỏ giọt.

Còn tại huyện Cư Jút, vụ đông xuân này xuống giống hơn 1.260 ha cây trồng các loại. Trong đó, diện tích lúa là 915 ha, rau xanh 225 ha, khoai môn 45 ha… Để vụ đông xuân diễn ra thuận lợi, ngành Nông nghiệp huyện đã xây dựng chi tiết quy trình vận hành tưới nước từng công trình thủy lợi.

Người dân xã Buôn Choáh (Krông Nô) chủ động bơm nước vào ruộng để làm đất gieo sạ vụ đông xuân

Các xã đã lên kế hoạch chống hạn, sẵn sàng ứng phó với khả năng hạn có thể xảy ra cuối vụ, bảo đảm an toàn trong sản xuất cả vụ. Theo ông Hồ Sơn, Trưởng Phòng Nông nghiệp – PTNT huyện Cư Jút, hầu hết mực nước các công trình thủy lợi, hồ chứa trên địa bàn hiện đều đạt và vượt dung tích thiết kế.

Nhưng đối với công trình thủy lợi Cư Pu, xã Nam Dong, dung tích hồ chứa hiện tại mới đạt 95,37%. Công trình này có khả năng sẽ không đủ nước tưới cho vụ đông xuân. Do đó, huyện đã khuyến cáo người dân chủ động gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

ADQuảng cáo

Còn tại các huyện như Đắk Glong, Krông Nô… ngay từ đầu vụ, các địa phương này đã lập phương án phòng, chống thiên tai dự phòng. Trong đó, các huyện tính toán về phương tiện, vật tư, kinh phí một cách chủ động, thực chất và có hiệu quả để phục vụ chống hạn.

Các địa phương cũng đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý thủy lợi, thủy điện để điều tiết nước theo quy trình, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất cho bà con nông dân.

Hệ thống kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất vụ đông xuân trên địa bàn xã Buôn Choáh (Krông Nô) đang vận hành tốt

Theo Công ty TNHH MTV Khai thác các công trình thủy lợi Đắk Nông, mặc dù năm nay mùa mưa kết thúc muộn hơn mọi năm, nhưng vẫn có một số công trình hồ chứa chưa tích đủ nước theo thiết kế.

Dự báo, trong mùa khô 2021 – 2022, khả năng có nhiều diện tích cây trồng bị ảnh hưởng do hạn hán. Nhất là đối với những diện tích cây trồng xa nguồn nước hoặc trồng ngoài vùng quy hoạch.

Nếu xảy ra hạn hán, toàn tỉnh dự đoán có khoảng trên 1.500 ha cây trồng không có biện pháp chống hạn hiệu quả. Chính vì vậy, các địa phương và ngành chức năng trong tỉnh cần thực hiện tốt kế hoạch về phòng, chống thiên tai, hạn hán.

Người dân cũng cần thay đổi thói quen sử dụng nước, áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm, tuân thủ quy hoạch sản xuất, không gieo trồng xa nguồn nước… Từ đó, giảm thiểu thiệt hại do thiếu nước tưới trong sản xuất.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động phòng, chống hạn vụ đông xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO