Chủ động phòng, chống lẩn tránh phòng vệ thương mại: Yêu cầu cấp thiết

Bình Minh| 17/07/2019 09:41

Trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, việc tăng cường các biện pháp quản lý nhằm dự báo, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ để phát triển bền vững sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu có vai trò rất quan trọng.

ADQuảng cáo

Yêu cầu này ngày càng trở nên cấp thiết khi xu thế bảo hộ tiếp tục có xu hướng gia tăng tại nhiều nước trên thế giới, xung đột thương mại diễn biến phức tạp.

Nông sản cũng là mặt hàng đối diện nhiều nguy cơ gian lận về xuất xứ và thương mại. Ảnh tư liệu

Nguy cơ tiềm ẩn

Theo Bộ Công thương, dù đã có hệ thống cảnh báo phòng vệ thương mại cùng với việc quản lý nguồn gốc qua chứng nhận xuất xứ... nhưng vẫn còn tình trạng lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, thậm chí gian lận về xuất xứ, do có tới 70 - 80% hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế 0%, sau khi các FTA được thực thi.

Một số ngành có nhiều nguy cơ bị lợi dụng ưu đãi xuất xứ có thể kể đến là gỗ, gỗ dán, điện tử, da giày... Điều này tiềm ẩn nguy cơ nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam trở thành đối tượng của hoạt động trừng phạt thương mại hoặc áp đặt thuế quan các biện pháp phòng vệ thương mại. Do đó, cần chú trọng giải pháp kiểm tra, giám sát đối với các ngành có nguy cơ cao, đặc biệt là các ngành hàng đang phát triển quá nóng đối với nhóm sản phẩm xuất khẩu sang thị trường EU, Mỹ...

Ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết, hiện nay trên thị trường tồn tại khá phổ biến hiện tượng gắn mác "made in Vietnam" nhưng không sản xuất ở Việt Nam. Các mặt hàng chủ yếu là rau củ, quả, hàng dệt may, giày dép, đồ chơi trẻ em... Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do xu hướng người Việt Nam chuộng hàng Việt Nam ngày càng lớn và tiếp tục tăng cao trong những năm gần đây. Trong khi, doanh nghiệp muốn lẩn tránh, trốn thuế khi mà hoạt động phân phối, tiêu thụ dễ dàng. Thế nhưng, tình trạng này đến nay vẫn chưa có chế tài xử lý nghiêm. Cũng theo ông Linh, cần tăng cường công tác cảnh báo, tuyên truyền phổ biến rộng rãi các hiệp định, quy chế hội nhập, tăng cường hậu kiểm, đồng thời có biện pháp lâu dài về mặt công nghệ, truy xuất nguồn gốc.

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) thì hiện nay, tình hình xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước những tháng đầu năm đối với những mặt hàng và những thị trường có dấu hiệu bất thường, đơn vị sẽ theo dõi sát sao các thị trường, phối hợp chặt chẽ với hệ thống thương vụ tại nước ngoài để có những cảnh báo sớm nhất cho các cơ quan quản lý và doanh nghiệp Việt Nam. Đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), ông Trần Thanh Hải cho rằng, khó khăn trong công tác phòng chống gian lận thương mại hiện nay đó là vấn đề con người. Vì vậy, vấn đề tăng cường nhân lực có chất lượng để làm việc trên nền tảng công nghệ hướng tới không sử dụng giấy tờ có vai trò rất quan trọng.

ADQuảng cáo

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, với Đề án tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành, lần đầu tiên trong tiến trình hội nhập chúng ta đạt trình độ đấu tranh chống gian lận thương mại, lẩn tránh phòng vệ thương mại. Điều này liên quan trực tiếp đến thành công và tính hiệu quả của công tác hội nhập nước ta, đặc biệt trong bối cảnh vừa ký các hiệp định thương mại tự do.

Ông Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, nếu không quan tâm thỏa đáng đến công tác phòng vệ thương mại thì vấn đề này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của công tác hội nhập. Nếu làm không nghiêm và chặt chẽ thì các mối quan hệ đối tác, đầu tư sẽ bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, không chỉ "đối ngoại", ngay trong vấn đề "đối nội", mở cửa thương mại mà để gian lận xuất xứ, gian lận thương mại cũng làm tổn thương đến cả thị trường nội địa. Các đơn vị thuộc Bộ Công thương phải đặc biệt quan tâm đến những nhóm mặt hàng có nguy cơ như thủy sản, nông sản, dệt may, da giày, gia dụng, điện tử...và các thị trường trọng điểm như châu Âu, Canada, Hoa Kỳ... cần có cơ chế giám sát đặc biệt. Bên cạnh đó, Bộ Công thương sẽ chú trọng công tác thông tin tuyên truyền và phổ biến pháp luật đến cộng đồng doanh nghiệp và người dân; tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp luật hướng tới đối tượng và chủ thể là doanh nghiệp và người dân.

Triển khai các giải pháp cấp bách

Một vấn đề mà Bộ Công thương đặt ra hiện nay là cần phải thành lập tổ công tác để theo dõi, bảo đảm cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành tổ chức để tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động tạm nhập tái xuất, vốn là lĩnh vực diễn ra nhiều hoạt động gian lận thương mại, vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Theo Đề án tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ vừa được ban hành, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo phải tăng cường các biện pháp quản lý nhằm dự báo, ngăn chặn hiện tượng Việt Nam bị lợi dụng làm điểm trung chuyển để xuất khẩu hàng hóa sang nước thứ ba..., nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam trong thương mại quốc tế và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì các giải pháp trọng tâm gồm tăng cường quản lý, giám sát các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư nước ngoài; nâng cao nhận thức, hiệu quả thực thi các quy định pháp luật về phòng vệ thương mại, xuất xứ, hải quan, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Ngoài ra, việc rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ rất cần được chú trọng; các cơ quan chức năng liên quan xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa.

Để tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư nước ngoài, các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh việc theo dõi tình hình xuất nhập khẩu với các đối tác thương mại lớn nhằm cảnh báo nguy cơ xảy ra các vụ kiện phòng vệ thương mại, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, giúp doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ động phòng ngừa và ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại, hướng tới xuất khẩu bền vững. Một giải pháp nữa là thực hiện cảnh báo sớm nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa thông qua giám sát hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu (kể cả tạm nhập tái xuất, trung chuyển, quá cảnh) các mặt hàng đang bị các đối tác kinh tế quan trọng áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để đưa ra khuyến nghị kịp thời.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động phòng, chống lẩn tránh phòng vệ thương mại: Yêu cầu cấp thiết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO