Chư K’nia liên kết trồng thử nghiệm cây dược liệu

Kim Ngân| 24/04/2018 10:23

Gia đình bà Lương Thị Niệm, ở thôn 3, xã Chư K’nia (Chư Jút), tổ viên Tổ hợp tác trồng cây Dược liệu xã Chư K’nia gần đây đã quyết định liên kết với Công ty Cổ phần dược liệu Solavina triển khai trồng cây đương quy.

ADQuảng cáo

Hộ bà Niệm khi tham gia được công ty hỗ trợ tiền thuê đất, giống, phân bón… Năm nay gia đình bà trồng 3,5 sào đương quy. Bà Niệm cho biết nếu việc phối hợp trồng hiệu quả thì gia đình sẽ bố trí thêm đất để trồng.

Khi có sự cam kết giá mua của doanh nghiệp, bà Lương Thị Niệm, ở thôn 3, xã Chư K’nia (Chư Jút), tổ viên Tổ hợp tác trồng cây Dược liệu xã Chư K’nia mạnh dạn trồng 3,5 sào đương quy

Thông tin từ Tổ hợp tác trồng cây dược liệu Chư K'nia, đương quy là loại cây dược liệu có giá trị, quy trình trồng dễ, ít tốn kém về phân bón và dễ chăm sóc, không phun thuốc với mục đích sản xuất dược liệu sạch. Một sào đất trồng đương quy, chi phí đầu tư ban đầu vào khoảng 40 triệu đồng. Loại cây này có thể trồng ở ngoài trời, nếu chăm sóc đúng quy trình thì cây cho sản lượng cao. Khi thu hoạch công ty đến thu mua với giá hợp đồng là 15.000 đồng/kg nên tổ viên không phải lo khâu tiêu thụ.

Theo ông Vũ Xuân Đáp, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng cây dược liệu xã Chư K’nia thì mô hình tổ hợp tác trồng cây dược liệu xã Chư K’nia bắt đầu triển khai thực hiện từ năm 2016. Tham gia mô hình có 8 tổ viên với diện tích khoảng 2,5 ha. Đến nay, toàn bộ diện tích cây đương quy của Tổ hợp tác mới trồng được hơn 6 tháng, nên bà con tổ viên còn phải nỗ lực nhiều để vườn đương quy mang lại kết quả.

ADQuảng cáo

Cũng theo ông Đáp, khi tham gia Tổ hợp tác, các tổ viên sẽ được hỗ trợ giống, phân bón, công chăm sóc, tiền thuê đất… Sau khi thu hoạch sẽ được bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cam kết. Ông Đáp cho hay: “Trồng cây đương quy sau khoảng 1 năm là có thể thu hoạch, với năng suất từ 20 đến 25 tấn/ha. Sau khi trừ mọi chi phí, trung bình 1 ha đương quy cho thu nhập trên 150 triệu đồng, cao gấp 2 - 3 lần so với trồng cây ngô, đậu đỗ. Nếu vụ đầu tiên thành công, Tổ hợp tác sẽ mở rộng thêm diện tích nhằm tăng sản lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Trồng cây đương quy đang là hướng đi mới của nông dân xã Chư K’nia (Chư Jút)

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Jút thì trên cơ sở đánh giá, khảo sát điều kiện tự nhiên của địa phương, về chính sách trong phát triển nuôi trồng, khai thác cây dược liệu, huyện Chư Jút đang triển khai xây dựng mô hình trồng thử nghiệm cây đương quy tại xã Chư K’nia. Mô hình được Phòng Nông nghiệp phối hợp với Công ty Cổ phần dược liệu Solavina thực hiện.

Theo bà Hoàng Thị Hiệp, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Chư Jút thì để việc trồng cây dược liệu theo hướng hàng hóa đạt hiệu quả, khâu liên kết giữa doanh nghiệp và người dân cũng như xây dựng thương hiệu dược liệu của địa phương là rất cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay, diện tích trồng cây dược liệu trên địa bàn huyện Chư Jút vẫn còn ở quy mô nhỏ. Do vậy, các mô hình trồng thí điểm cần được quan tâm, chú trọng để thu được kết quả tốt, nhân rộng theo hướng chuỗi giá trị, bền vững.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chư K’nia liên kết trồng thử nghiệm cây dược liệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO