Chú trọng gắn quản lý dân di cư tự do với quản lý rừng, đất rừng

Hồng Thoan| 02/09/2017 09:45

Nhiều năm nay, Đắk Nông là tỉnh có số lượng dân di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc vào rất lớn. Thực tế này đã và đang đặt ra cho địa phương nhiều khó khăn, thách thức trong việc ổn định dân cư, tăng cường công tác quản lý tài nguyên rừng và đất rừng cũng như bảo đảm an sinh xã hội.

ADQuảng cáo

Theo báo cáo của UBND tỉnh, từ năm 1976 đến tháng 6/2017, tổng số dân di cư tự do đến địa bàn tỉnh là 38.191 hộ với 173.973 khẩu. Trong đó số hộ được bố trí ổn định đời sống vào các dự án ổn định dân cư tập trung, xen ghép là 26.680 hộ với 122.220 khẩu vào, còn lại 11.511 hộ với 51.753 khẩu vẫn chưa thể sắp xếp ổn định. Số hộ này hiện đang gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, sinh hoạt.

Người dân ít được tiếp cận các dịch vụ về giáo dục, sức khỏe. Trong đó có thể nói tình trạng du canh, du cư của các hộ dân này đang gây ra nhiều hệ lụy trong công tác quản lý dân cư, rừng và đất rừng trên địa bàn các huyện, thị xã.

Mặc dù từ năm 2004 đến nay, tỉnh đã được trung ương chấp thuận chủ trương đầu tư để triển khai 14 dự án ổn định dân di cư tự do với tổng vốn được phê duyệt là 1.048,342 tỷ đồng (vốn ngân sách trung ương: 959,165 tỷ, ngân sách địa phương 89,177 tỷ).

ADQuảng cáo

Tuy nhiên, đến nay, nguồn vốn trung ương mới bố trí cho tỉnh được 391,052 tỷ đồng, đạt 37,3% tổng vốn phê duyệt. Với số vốn trên, hiện mới có 4 dự án đã hoàn thành sắp xếp, ổn định được trên 2.900 hộ; 7 dự án đang thực hiện dở dang; 3 dự án đã phê duyệt nhưng chưa có vốn đầu tư và dự kiến giai đoạn 2017- 2020, sẽ có thêm 2 dự án mở mới. Như vậy, có thể thấy, do thiếu vốn đầu tư nên từ khi thành lập tỉnh đến nay, số hộ dân di cư tự do được bố trí, sắp xếp, ổn định chưa nhiều.

Phần lớn các dự án đang đầu tư dở dang nên hiệu quả sắp xếp, ổn định dân cư không cao, quá trình triển khai kéo dài dẫn đến nhiều phát sinh như tranh chấp đất đai vùng dự án, các hạng mục đầu tư xuống cấp gây lãng phí... Trong khi đó các địa phương có dân đi hầu như không có sự quan tâm nào nên gánh nặng trong việc sắp xếp, ổn định dân cư tự do cũng như các vấn đề an sinh khác đều thuộc về địa phương có dân đến.

Trước thực trạng trên, thời gian qua, việc gắn quản lý dân di cư với quản lý đất đai, quản lý rừng, đất rừng đã được Đắk Nông quan tâm triển khai. Có thể nói, việc dân di cư ồ ạt là một trong những nguyên nhân dẫn đến áp lực về đất ở, đất sản xuất, dẫn đến tình trạng phá rừng làm nương rẫy, sang nhượng trái phép đất đai. Tỉnh đang quyết liệt chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã quản lý chặt chẽ địa bàn, nhất là các điểm nóng thường có dân di cư tự do đến nhiều. Các địa phương cần quản lý chặt chẽ việc mua bán, sang nhượng đất đai, không để diễn ra tình trạng sang nhượng trái phép hoặc mua bán đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, không nằm trong vùng quy hoạch.

Các cấp, ngành đẩy mạnh việc sắp xếp, chuyển đổi các công ty nông, lâm nghiệp, thu hồi những phần đất tổ chức, cá nhân sử dụng không hiệu quả giao về cho địa phương quản lý. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang tập trung triển khai hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương theo tinh thần "Tăng cường quản lý dân di cư, dân cư gắn với quản lý đất đai, bảo vệ rừng chính là nền tảng đển ổn định, giải quyết những vấn đề khác phát sinh".

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chú trọng gắn quản lý dân di cư tự do với quản lý rừng, đất rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO