Chú ý phòng, chống sinh vật gây hại vụ hè thu

Hồng Thoan| 17/05/2022 10:02

Thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện cho nhiều loại sinh vật có thể phát sinh, gây hại trên cây trồng vụ hè thu. Do đó, người sản xuất cần chú ý một số biện pháp để phòng, chống sinh vật gây hại một cách hiệu quả.

ADQuảng cáo

Gia đình ông Nguyễn Văn Chính, thôn 8, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa), đã gieo trồng được gần 3 sào ngô vụ hè thu. Hiện diện tích ngô đang phát triển lá, ngọn khá mạnh.

Thế nhưng, một số cây ngô đã xuất hiện sâu keo mùa thu tấn công lá non. Do đó, ông đang tích cực xử lý, theo dõi để tạo điều kiện cho diện tích ngô phát triển ổn định, bảo đảm năng suất cuối vụ.

Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, vụ hè thu 2022, mùa mưa đến sớm, với tổng lượng mưa phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Thời tiết năm nay cũng có nhiều bất thường, tạo môi trường thuận lợi cho các loại sinh vật xuất hiện, gây hại cây trồng vụ hè thu.

Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung khuyến cáo, ngành chức năng và người dân Đắk Nông cần đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gây hại cho cây trồng vụ hè thu.

Trong đó, các địa phương cần bố trí cán bộ kỹ thuật bám sát địa bàn để phát hiện, dự tính, dự báo các đối tượng sinh vật gây hại trên các loại cây trồng. Từ đó, giúp người dân có biện pháp xử lý kịp thời ngay từ đầu vụ.

Người dân TP. Gia Nghĩa chăm sóc ngô vụ hè thu

Đối với cây lúa, cần chú ý các đối tượng như chuột, sâu bọ, rệp, ốc bươu vàng... ở nửa cuối tháng 5, đầu tháng 6. Giữa vụ đến cuối vụ cần chú ý rầy nâu, rầy lưng trắng gây hại nặng, nhất là vào giai đoạn lúa làm đòng, ngậm sữa.

Người dân, đơn vị chức năng có thể điều tra, theo dõi các đợt cao điểm sinh vật gây hại tùy theo trà lúa. Đắk Nông cũng cần chú ý theo dõi rầy di trú từ phía Nam ra phía Bắc.

Vụ lúa hè thu cũng thường xuất hiện bệnh đạo ôn. Đây là loại bệnh gây hại ở giai đoạn lúa đẻ nhánh, đứng cái (từ cuối tháng 6, đầu tháng 7). Đạo ôn cổ lá, cổ bông cũng gây hại cho lúa ở giai đoạn ngậm sữa (từ cuối tháng 7, đầu tháng 8).

ADQuảng cáo

Ngoài ra, cuối vụ cần chú ý bệnh khô vằn phát sinh, gây hại. Bệnh này xuất hiện khi lúa đang làm đòng, khiến hạt lép, thối, làm giảm năng suất, chất lượng lúa vào cuối vụ.

Cũng theo khuyến cáo của ngành chức năng, vụ hè thu cây sắn rất dễ xảy ra bệnh khảm lá vi rút. Bệnh này có khả năng gia tăng và lây lan mạnh từ tháng 6 – 8 hằng năm. Bà con nông dân cũng cần phòng, ngừa bọ phấn, rệp sáp bột hồng, nhện đỏ, bệnh chổi rồng... cho cây sắn.

Cơ quan chuyên ngành khuyến cáo nhà nông chú ý phòng, chống sâu keo mùa thu gây hại ngô

Đối với cây ngô, cơ quan chuyên ngành, bà con chú ý đề phòng sâu keo mùa thu gây hại. Loại sâu này chủ yếu xuất hiện ở giai đoạn ngô phát triển thân lá (từ tháng 5 - 7).

Theo Sở NN - PTNT, cùng với thu hoạch cây trồng vụ đông xuân, nông dân trên địa bàn tỉnh đã sản xuất được trên 1.500 ha/61.600 ha cây trồng các loại ở vụ hè thu.

Hầu hết các diện tích cây trồng vụ hè thu đang phát triển tốt. Một số nơi có xuất hiện các loại sinh vật phát sinh gây hại, nhưng không đáng kể về mật độ, sức tấn công.

Trong đó, các loại sinh vật như kiến, mối, sâu ăn lá, sâu keo mùa thu... đã được lực lượng chức năng, người dân phát hiện, xử lý và ngăn chặn khi mới xuất hiện, nên hầu như không ảnh hưởng tới cây trồng.

Hiện nay, cơ quan chuyên ngành từ tỉnh, huyện, xã đều tăng cường lực lượng bám địa bàn để cùng với người dân theo dõi, điều tra mầm bệnh tại các cánh đồng, từ đó đưa ra các khuyến cáo sản xuất hiệu quả.

Cũng theo Sở NN-PTNT, giai đoạn hiện nay, người sản xuất cần thường xuyên thăm đồng, quan sát sự sinh trưởng, phát triển của các loại cây trồng nhằm có các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.

Trong trường hợp cần thiết phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bà con cần tuân thủ tốt nguyên tắc về đúng thuốc; đúng nồng độ, liều lượng; đúng thời điểm; đúng cách.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chú ý phòng, chống sinh vật gây hại vụ hè thu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO