Chú ý trong xây dựng thương hiệu sản phẩm

Bảo Ngọc| 20/01/2021 08:46

Thời gian qua, nhiều hợp tác xã, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư sản xuất, tích cực tham gia chương trình khởi nghiệp và xây dựng sản phẩm đặc trưng cũng như độc quyền. Thực tế, đã có nhiều đơn vị, cá nhân đạt những thành tựu đáng kể trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo dựng thương hiệu thông qua những sản phẩm đặc trưng của mỗi địa phương.

ADQuảng cáo

Bên cạnh đó, thực hiện Chương trình Quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP), giai đoạn 2018-2020, tỉnh Đắk Nông xác định và đăng ký phát triển trên 15 sản phẩm thế mạnh hiện có của tỉnh để xây dựng thành sản phẩm OCOP quốc gia. Các loại sản phẩm có tiềm năng lợi thế để phát triển thành sản phẩm OCOP như: lúa gạo, hạt mắc ca, hồ tiêu, chanh dây, măng cụt, bơ, cà phê, tinh dầu gấc, đinh lăng, tranh thêu, các sản phẩm du lịch tại các bon, buôn truyền thống gắn với du lịch homestay, công viên địa chất toàn cầu.

Đến năm 2020, tỉnh đã công nhận 22 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Như vậy, Đắk Nông đã cơ bản đạt được kế hoạch về số lượng sản phẩm OCOP. Hiện nay, một số sản phẩm cũng đã có chỗ đứng khá vững trên thị trường và sẽ được gắn nhãn OCOP để có mặt tại các chuỗi cửa hàng, siêu thị trong cả nước.

Sản phẩm mắc ca ở Tuy Đức nhưng lại in hình ảnh ngôi nhà dài và đôi trai gái mặc trang phục người Ê đê

Tuy nhiên hiện nay, có một số sản phẩm trên địa bàn tỉnh mặc dù đã đăng ký và được công nhận là sản phẩm OCOP nhưng vẫn chưa đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu (lôgô) để bảo hộ độc quyền cho sản phẩm. Thực tế, nhiều sản phẩm chưa hoặc không đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu đã vướng vào những điều khó khăn, thậm chí vô cùng rắc rối. Cụ thể như, sản phẩm không đăng ký nhãn hiệu rất dễ bị làm giả, làm nhái thương hiệu; bị thiệt hại khi xảy ra tranh chấp; người tiêu dùng thiếu sự tin tưởng; khó truyền thông thương hiệu; nguy cơ mất thị trường và có thể mất nhãn hiệu.

ADQuảng cáo

Ngoài ra, một số sản phẩm khi xây dựng thương hiệu cho OCOP nhưng lại “quên” đi hoặc không chú ý đến tính đặc trưng, tính địa phương của sản phẩm. Đơn cử như tại Tuy Đức, có sản phẩm mắc ca đã đăng ký tham gia và được chứng nhận sản phẩm OCOP nhưng hình ảnh trên bao bì lại thể hiện một đôi trai gái mặc trang phục người Ê đê, ngồi phía trước bậc gỗ ngôi nhà dài Ê đê. Trong khi tại Tuy Đức, đồng bào dân tộc tại chỗ là người M’nông, và đồng bào Mông di cư từ phía Bắc vào.

Hay như một sản phẩm trà từ một loại trái cây, cũng đã được chứng nhận sản phẩm OCOP của thành phố Gia Nghĩa. Tuy nhiên, trên bao bì lại in hình ảnh ngôi nhà Rông và đồng bào dân tộc thiểu số múa hát là không phù hợp. Bởi lẽ, nhà Rông là ngôi nhà cộng đồng rất đặc trưng của các buôn làng Gia rai, Ba na… ở phía Bắc Tây Nguyên.

Sản phẩm trà một loại trái cây ở Gia Nghĩa nhưng in hình ảnh nhà Rông

Việc đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu để được bảo hộ độc quyền cho sản phẩm là rất quan trọng, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi mà tình trạng làm giả, làm nhái thậm chí đánh cắp bản quyền xảy ra rất nhiều. Bên cạnh đó, việc xây dựng sản phẩm, thương hiệu, nhãn mác, bao bì… cần phải chú ý đến tính đặc thù, bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn tỉnh. Để khi chỉ cần nghe tiếng, nhìn thấy sản phẩm thì người ta biết được sản xuất ở vùng nào, không thể nhầm lẫn với địa phương khác.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chú ý trong xây dựng thương hiệu sản phẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO