Chương trình OCOP tạo động lực thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển

Kim Ngân| 16/10/2019 10:09

Với nhiều mặt hàng nông sản có giá trị kinh tế cao, việc triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) sẽ giúp nông dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có thêm nhiều điều kiện để phát triển kinh tế nông thôn.

ADQuảng cáo

Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, nhưng thời gian qua, có không ít nông hộ, trang trại, hợp tác xã (HTX) đã nỗ lực đẩy mạnh phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu, tạo uy tín cho sản phẩm nông sản của địa phương. Tuy nhiên, nhiều loại nông sản của nông dân trong tỉnh làm ra vẫn chưa thể vươn ra thị trường xuất khẩu. Nguyên nhân chủ yếu do trình độ sản xuất còn thấp, chất lượng chưa bảo đảm, sản lượng nông sản đạt chuẩn không cao…

Ông Nguyễn Thế Hải, Phó Chủ tịch HĐQT HTX Hồ tiêu Thuận Phát, xã Đắk N’Drung, huyện Đắk Song (bên trái) giới thiệu quy trình sản xuất tiêu sinh học cho khách tham quan

Nông dân vẫn còn tự lực cánh sinh

Tại Hội nghị triển khai Chương trình OCOP do Sở Nông nghiệp-PTNT tỉnh Đắk Nông tổ chức mới đây, ông Nguyễn Ngọc Trung, chủ Trang trại Gia Trung ở xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) cho hay, hiện trang trại của ông có hơn 60 ha cây ăn trái, duy trì sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP từ năm 2013; đồng thời được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ thương hiệu "Trang trại trái cây Gia Trung".

Theo ông Trung, bao nhiêu công sức bỏ ra để xây dựng trang trại VietGAP trên 60 ha là không thể kể hết. Tuy nhiên, hàng năm mặc dù đưa ra thị trường 600 tấn sầu riêng, chưa kể các loại quả khác như bơ, cam nhưng nhãn hiệu trái cây VietGAP của ông chẳng có tác dụng gì. Ông Trung cho hay: Khi tôi giới thiệu sầu riêng VietGAP cho một số khách hàng thì nhiều người bảo không cần. Tôi cũng sẵn sàng sản xuất theo GlobalGAP, nhưng người ta bảo, anh bán hàng ở đâu, khách hàng yêu cầu cái gì thì anh làm cái đó, chứ tự anh làm làm gì cho tốn tiền.

VietGAP có giá trị đối với thị trường trong nước, các siêu thị rất cần sản phẩm VietGAP nhưng ông Trung cũng không làm ăn được với các siêu thị. Bởi gộp cả 3 siêu thị Co.op Mart, Big C, Bách hóa xanh, mỗi ngày tiêu thụ khoảng 6 tấn sầu riêng. Trong khi trang trại của ông Trung mỗi ngày thu hoạch từ 20-30 tấn sầu riêng.

Tương tự, nhiều nông dân, HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm theo các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế như: VietGAP, GlobalGAP, Organic…Tuy nhiên, hầu hết cũng chỉ dừng lại ở dạng mô hình, số lượng xuất khẩu không đáng kể do sản lượng ít, chưa xây dựng được mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân với doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.

Sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, măng cụt của Trang trại Trái cây Gia Ân ở xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) được người tiêu dùng ưa chuộng

ADQuảng cáo

Cần giúp người dân hiểu rõ về OCOP

Chương trình OCOP là chương trình mới, nên Đắk Nông đang gặp phải những khó khăn, thách thức lớn như: Một số địa phương còn lúng túng, người dân chưa thật sự hiểu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của OCOP. Từ những khó khăn, thách thức đặt ra, nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã đề ra một số giải pháp giúp tỉnh thực hiện Chương trình OCOP hiệu quả và thành công.

TS Bùi Đình Hòa, chuyên gia Chương trình OCOP Quốc gia cho rằng: Trước mắt, địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền để giúp người dân hiểu rõ về nội dung Chương trình OCOP như: Sự cần thiết, 3 nguyên tắc, nội dung, các hỗ trợ của Nhà nước và đề xuất ý tưởng sản phẩm, từ đó khởi đầu chu trình Chương trình OCOP của cộng đồng”.

Măng cụt của Trang trại trái cây Gia Ân là sản phẩm đặc trưng của xã Đắk Nia (Gia Nghĩa)

Bước kế tiếp, theo TS Bùi Đình Hòa thì Đắk Nông có khá nhiều sản phẩm đặc trưng và rất phong phú, từ nông nghiệp cho đến du lịch đều rất có lợi thế trong việc xây dựng và phát triển Chương trình OCOP. Bên cạnh đó, Chương trình OCOP vẫn còn nhiều lĩnh vực khác như các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, rượu, văn hóa, du lịch… rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. Thực chất, các sản phẩm OCOP do người dân quyết định và bỏ vốn, Nhà nước sẽ hỗ trợ, định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ; xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng.

Theo ông Lê Trọng Yên, Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, hiện nay, trên toàn quốc đang đẩy mạnh triển khai OCOP. Cuối năm 2018, tỉnh Đắk Nông đã phê duyệt Đề án Chương trình OCOP, giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 và xây dựng kế hoạch triển khai năm 2019. Trong thời gian tới, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, ngành Nông nghiệp sẽ phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên phụ trách Chương trình OCOP, xác định sản phẩm chủ lực có quy hoạch, đầu tư, đưa công nghệ vào chế biến, nâng tầm giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, các địa phương sẽ bố trí nguồn lực, sử dụng lồng ghép các nguồn vốn thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm tạo nền tảng cho Chương trình OCOP trở thành động lực giúp nông nghiệp, nông thôn phát triển.

Trong giai đoạn 2018-2020, Đắk Nông đăng ký 15 sản phẩm thế mạnh tham gia OCOP. Trong đó, nhóm thực phẩm có 10 sản phẩm; nhóm đồ uống có 3 sản phẩm; nhóm thảo dược có 2 sản phẩm; nhóm lưu niệm, nội thất có 1 sản phẩm; nhóm dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng từ 2 – 3 sản phẩm. Giai đoạn 2021-2030, phát triển thêm 40 sản phẩm có lợi thế khác.

Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Đây là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chương trình OCOP tạo động lực thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO