Chuyển đổi mô hình kho bạc điện tử sang kho bạc số

Th.s NGUYỄN CÔNG ĐIỀU Giám đốc KBNN Đắk Nông| 02/03/2021 09:59

Thời gian qua, toàn hệ thống kho bạc nhà nước (KBNN) đã triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp cải cách bộ máy, quy trình nghiệp vụ và ứng dụng công nghệ thông tin…Quá trình đó giúp từng bước hiện đại hóa hoạt động và nâng cao chất lượng phục vụ. Từ mô hình kho bạc điện tử, bắt đầu từ năm 2021, hệ thống KBNN bước vào lộ trình chuyển đổi sang mô hình kho bạc số.

ADQuảng cáo

Hiện đại hóa thu chi, hạn chế tối đa tiền mặt

Hiện nay, có khoảng 30.000 đơn vị sử dụng ngân sách được kết nối thông qua cổng dịch vụ công KBNN và có 100% các đơn vị (thuộc diện bắt buộc) đã tham gia hệ thống dịch vụ công (DVC) trực tuyến mức độ 4 của KBNN với trên 98,92% chứng từ giao dịch/tổng số chứng từ giao dịch qua Tabmis, trong đó có một số dịch vụ công được thực hiện trên cổng dịch vụ công Quốc gia. Số lượng tiền mặt giao dịch qua KBNN (thu và chi) đã giảm dần qua từng năm, đến nay chỉ còn trên dưới 1%/tổng số tiền mặt đi qua KBNN.

Hoạt động tại Kho bạc Nhà nước tỉnh. Ảnh tư liệu

Công nghệ thông tin được hệ thống KBNN áp dụng có hiệu quả vào hoạt động nghiệp vụ của KBNN, trong đó đã có nhiều giao diện được kết nối với hệ thống ngân hàng. Vì vậy có đến 94% chi ngân sách được thanh toán trực tiếp vào tài khoản ngân hàng và 98% thu ngân sách qua phương thức điện tử. Đối với hệ thống quản lý ngân sách và kho bạc (gọi tắt là TABMIS) được áp dụng trên diện rộng và mọi giao dịch đều tập trung về KBNN, trở thành kho dữ liệu duy nhất; toàn bộ thông tin tài chính ngân sách của Nhà nước được tích hợp, hướng tới các kênh thông tin được phân quyền, theo đó mọi đơn vị sử dụng ngân sách được tiếp cận hệ thống.

Ngoài ra, toàn bộ các kênh giao dịch thanh toán của KBNN đã được tập trung vào tài khoản duy nhất (TSA) tại Ngân hàng Nhà nước đã tạo điều kiện tập trung toàn bộ nguồn lực ngân quỹ Nhà nước, từ đó giúp cho việc giám sát nguồn thu và điều hành chi của các cơ quan Chính phủ được thông suốt, kịp thời, hiệu quả. Hệ thống KBNN đã tăng cường cải cách hành chính về cơ chế chính sách, quy trình nghiệp vụ, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy và hiện đại hóa, đổi mới công nghệ thông tin đã góp phần tích cực vào công cuộc cải cách tài chính công; đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả cũng như khả năng kiểm tra, giám sát hoạt động tài chính - ngân sách.

Ngày càng nâng cao chất lượng phục vụ

Đối với địa bàn tỉnh Đắk Nông, hiện nay đã có 100% đơn vị (855/855 đơn vị thuộc diện bắt buộc) thụ hưởng NSNN đã sử dụng DVC trực tuyến mức độ 4 của KBNN, theo đó có 7.630 chứng từ được giao dịch thông qua DVC đạt tỷ lệ 101,42%/tổng số chứng từ giao dịch. Hầu hết các giao dịch thu, chi bằng tiền mặt đều thông qua các NHTM trên địa bàn, lượng tiền mặt đi qua KBNN đã giảm đáng kể, chỉ còn trên dưới 4%. Bên cạnh đó, việc thanh toán qua các kênh thanh toán song phương điện tử và thanh toán liên ngân hàng đã được đơn vị áp dụng thông suốt, an toàn và mang lại hiệu quả cao.

Thông qua việc áp dụng DVC trực tuyến mức độ 4 tại KBNN Đắk Nông đã làm cho việc giao dịch thu, chi NSNN tại KBNN khá thuận lợi, không còn khoảng cách địa lý, không còn phân biệt địa giới hành chính, tạo điều kiện tốt nhất cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các giao dịch với KBNN với thời gian ngắn nhất, tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại, không còn thực hiện các quy trình, thủ tục bằng thủ công như trước đây.

2021 là năm đầu tiên thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm và cũng là năm cả nước tổ chức triển khai Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về chủ trương, chính sách tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó có một số nội dung trọng tâm là: Chuyển đổi số, Phát triển kinh tế số, xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số.

Hướng đến Chính phủ số, KBNN đang hoàn thiện chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021-2030 để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Theo đó, trong giai đoạn 2021 - 2023 sẽ thực hiện cải cách công tác thu ngân sách Nhà nước (NSNN) theo mã định danh của từng khoản thu; xây dựng và triển khai dịch vụ phân bổ NSNN trực tuyến. Giai đoạn 2022 - 2025 kết nối liên thông dữ liệu giữa ngành Tài chính và ngành Kế hoạch đầu tư trong quá trình mua sắm công và chi ngân sách và giai đoạn 2023 - 2030 sẽ ứng dụng công nghệ thông tin về kế toán nhà nước, ban hành chuẩn mực kế toán công áp dụng tại Việt Nam, hoàn thiện kế toán đơn vị hành chính sự nghiệp và kế toán NSNN hình thành kế toán nhà nước; xây dựng và triển khai cổng dịch vụ kế toán nhà nước và nghiệp vụ KBNN.

ADQuảng cáo

Mục tiêu đến năm 2030, mọi xử lý giao dịch phải được số hóa và hệ thống phải ghi nhận được mọi bước của giao dịch với cơ chế kiểm soát điện tử đã thiết lập sẵn trong hệ thống và như vậy sẽ không cần phải có những hồ sơ bằng giấy và thực hiện bằng thủ công. Hoạt động của KBNN sẽ gắn kết chặt chẽ các dịch vụ công thông qua nền tảng kết nối và chia sẻ, khai thác dữ liệu để phục vụ các tổ chức, cá nhân, đơn vị sử dụng ngân sách và các cấp chính quyền. Số hóa hoạt động KBNN sẽ mang lại nhiều lợi ích như: Hợp lý hóa các quy trình dựa trên giấy, giảm thiểu thời gian xử lý và cải thiện năng suất và hiệu quả; việc quản lý, thu thập, kiểm soát và lưu trữ tài liệu được tối ưu hóa, bảo đảm tính khả dụng của thông tin cho người sử dụng cuối, kể cả có khả năng phục hồi thảm họa. Tuy nhiên, vẫn có rủi ro tiềm tàng nếu để mất quyền kiểm soát, bảo quản thông tin trên hệ thống thiếu chặt chẽ, tính bảo mật thấp.

5 định hướng xây dựng kho bạc số. Đồ họa: Ngọc Tú

Yêu cầu của giai đoạn chuyển tiếp

Để trở thành Kho bạc số đòi hỏi phải được Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương đầu tư đồng bộ, thống nhất về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ; đồng thời tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã có đủ kiến thức, kinh nghiệm để tiếp cận và vận hành có hiệu quả quá trình chuyển đổi số và số hóa tại tổ chức, cơ quan, đơn vị mình thích ứng với định hướng Chính phủ điện tử và chính quyền số trong tương lai.

Để chuyển đổi từ kho bạc điện tử sang mô hình kho bạc số, chúng tôi có một số khuyến nghị sau đây:

Một là: Tiếp tục hoàn thiện về thể chế, chính sách bảo đảm tính pháp lý, đồng bộ và tính khả thi cao.

Trước hết là thiết kế mô hình kho bạc có cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với yêu cầu cải cách của Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương theo hướng chuyển đổi số, số hóa và một nền hành chính phục vụ. Đồng thời, nghiên cứu chế độ, chính sách mới về quy trình, thủ tục giao dịch của KBNN trong thời kỳ mới theo phương châm 4 không: Không có khách hàng đến giao dịch tại trụ sở kho bạc; không có chứng từ giấy trong hoạt động giao dịch, thanh toán; không dùng tiền mặt trong giao dịch với kho bạc và không theo địa giới hành chính cấp huyện, cấp xã (theo mô hình kho bạc 2 cấp và kho bạc khu vực).

Hai là: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động KBNN. Cần kiến trúc lại hạ tầng công nghệ thông tin theo hướng hiện đại hóa, trong đó chú trọng đến các chương trình ứng dụng quản lý ngân sách, dịch vụ công trực tuyến, giao dịch thanh toán và các dự án, chương trình lớn phục vụ giai đoạn chuyển đổi từ Kho bạc điện tử sang Kho bạc số theo đúng định hướng Chính phủ điện tử và chính quyền số.

Ba là: Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao. Đội ngũ công chức kho bạc phải thực sự tinh thông về nghiệp vụ; am hiểu về công nghệ; có năng lực nghiên cứu và tư duy đổi mới, sáng tạo, năng động để có thể đảm nhận tốt chức năng, nhiệm vụ mới mà hệ thống KBNN sẽ vận hành trong thời gian tới. Ngoài ra, cần nhanh chóng xác định vị trí việc làm để căn cứ tính chất, mức độ thực thi công vụ để đánh giá, phân loại và hưởng chế độ lương, thưởng, phụ cấp phù hợp.

Bốn là: Bảo đảm sự phối hợp đồng bộ, thống nhất về hạ tầng công nghệ thông tin và kỹ thuật nghiệp vụ từ các cơ quan, tổ chức và chính quyền các cấp.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi mô hình kho bạc điện tử sang kho bạc số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO