Chuyển đổi số để phát triển kinh tế nông nghiệp

Thanh Nga| 13/07/2022 09:02

Đắk Nông đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Trong đó, chuyển đổi số có vai trò rất quan trọng đối với quá trình này.

ADQuảng cáo

HTX Nông lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú (Krông Nô) hiện có trên 22 ha cây ăn trái được trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ. Trong 7 năm qua, mỗi năm HTX cung cấp cho thị trường khoảng 100 tấn trái cây sạch.

Hiện nay, HTX có 2 sản phẩm là "Cam sành núi lửa" và "Quýt đường núi lửa" đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 4 sao. Sản phẩm của HTX có thị trường tiêu thụ rộng rãi trên cả nước.

Theo bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc HTX, quá trình sản xuất luôn gắn với địa chỉ tiêu thụ để bảo đảm ổn định thị trường. HTX đã nghiên cứu, khảo sát thị trường tiêu thụ sản phẩm tại nhiều tỉnh, thành phố trong nước.

Trong đó, những thị trường lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Đắk Lắk… có nhiều tiềm năng, nên đã liên kết với các công ty tại các thị trường để tiêu thụ sản phẩm.

"Không chỉ đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, thời gian tới, HTX sẽ liên kết, tiêu thụ sản phẩm tại các thị trường xuất khẩu như Nhật Bản, các nước EU…”, bà Mai cho biết.

Nông dân Đắk R’lấp ngày càng quan tâm đến trồng hồ tiêu hữu cơ

Theo bà Mai, để đưa sản phẩm xâm nhập vào các thị trường lớn trong nước và quốc tế, đòi hỏi HTX phải chuyển đổi số. Trước mắt, HTX sẽ mã hóa các sản phẩm của mình.

HTX cũng sẽ đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu. "Từ khâu sản xuất, thu hoạch, cho đến quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm sẽ được HTX tích hợp đầy đủ thông tin bằng chuyển đổi số", bà Mai chia sẻ.

Đắk Nông có trên 380.945 ha đất sản xuất nông nghiệp. Tỉnh đã định hình phát triển 23 sản phẩm, ngành hàng thế mạnh, tiềm năng. Tỉnh đã hình thành 1 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với quy mô 120 ha.

ADQuảng cáo

Trên địa bàn tỉnh đã xây dựng thành công 4 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với quy mô 2.432 ha. Toàn tỉnh đã xây dựng được 15 thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, 1 chỉ dẫn địa lý Đắk Nông đối với sản phẩm hồ tiêu.

Thị trường xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của Đắk Nông đã được mở rộng đến 35 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh những năm gần đây đạt khoảng 720 triệu USD/năm.

Bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT cho biết, những năm gần đây, nông nghiệp của tỉnh chuyển dịch theo hướng hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, đem lại hiệu quả kinh tế rõ nét.

Nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã đạt tiêu chuẩn OCOP

Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp của tỉnh vẫn còn những hạn chế như cơ khí hóa, hiện đại hóa chưa đồng bộ; sức cạnh tranh của sản phẩm chưa cao. Nông sản của tỉnh chủ yếu tiêu thụ dạng thô, tỷ lệ qua chế biến sâu còn thấp...

Đặc biệt, hạn chế lớn nhất vẫn là tình trạng bó buộc với thị trường tiêu thụ. Có rất ít sản phẩm nông nghiệp của tỉnh xuất khẩu tới các thị trường lớn của thế giới.

Từ thực tế này, cùng với việc sản xuất an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, quy mô hàng hóa, ngành Nông nghiệp phải đẩy mạnh chuyển đổi số.

"Chỉ có chuyển đổi số thì bạn bè quốc tế mới biết được sản phẩm của mình là như thế nào. Khi đó, cơ hội xuất khẩu mới lớn hơn", bà Tình cho biết.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên cho rằng, sản phẩm nông nghiệp muốn tiêu thụ được phải có chứng nhận về chất lượng, có truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, tham gia các sàn thương mại điện tử…  

Điều này đòi hỏi ngành Nông nghiệp phải tích cực chuyển đổi số. Từ nhà nông đến cấp quản lý, đơn vị tiêu thụ đều phải tham gia chuyển đổi số. Từ đó, sản phẩm nông nghiệp mới có nhiều cơ hội tiêu thụ trên thị trường...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số để phát triển kinh tế nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO