Chuyển đổi sử dụng hơn 63.000 ha đất có nguồn gốc đất rừng: Khó hoàn thành kế hoạch nếu không quyết liệt ở từng cấp, từng ngành

Bình Minh| 07/02/2017 10:34

Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy thì trong năm 2017, việc quản lý, sử dụng đối với 63.057 ha đất có nguồn gốc lấn chiếm đất rừng phải hoàn thành. Tuy nhiên, trước sự chậm chạp, đùn đẩy trách nhiệm như đã xảy ra trong thời gian qua thì việc nâng cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt ở từng cấp, từng ngành liên quan mới có thể đẩy nhanh được tiến độ thực hiện.

ADQuảng cáo

Nhiều diện tích đất có nguồn gốc đất rừng tại thôn Nghĩa Tín, xã Quảng Thành (Gia Nghĩa) vẫn chưa được đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Kế hoạch 437

Tiến độ “rùa bò”

Đã hơn 2 năm kể từ khi thực hiện Kế hoạch số 437/KH-UBND của UBND tỉnh Đắk Nông về quản lý và bố trí sử dụng 63.057 ha đất có nguồn gốc lấn chiếm đất rừng từ ngày 1/7/2004 đến 1/1/2010 thu hồi từ các nông, lâm trường giao về cho địa phương quản lý, bố trí sử dụng (Kế hoạch số 437), đến nay, tiến độ triển khai còn rất chậm.

Trong tổng số 63.057 ha thì diện tích hơn 23.527 ha đất sử dụng vào mục đích công cộng, giao thông, sông suối, đất dự án, công trình thủy điện và đất thuộc quy hoạch 3 loại rừng. Như vậy, diện tích còn lại là gần 39.530 ha đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân nhưng đến nay mới chỉ thực hiện được 5.053 ha, đạt 12,78% so với kế hoạch đề ra.

Huyện Đắk Glong là địa phương có diện tích giao thực hiện theo Kế hoạch 437 lớn nhất trên địa bàn tỉnh với hơn 11.648 ha, nhưng hiện mới chỉ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân được hơn 826 ha, đạt 7,09% kế hoạch. Còn tại huyện Đắk Song, địa phương này cũng mới cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được hơn 507 ha, đạt 9,44% kế hoạch giao. Các địa phương còn lại đều có tiến độ thực hiện đạt rất thấp.

Một trong những vấn đề bất cập tồn tại suốt trong thời gian qua, đó là ở cấp xã, việc xác định nguồn gốc đất cho người dân còn gặp rất nhiều lúng túng và khó khăn.

Theo lãnh đạo UBND xã Đắk R’măng (Đắk Glong) thì khó khăn lớn nhất hiện nay là việc không nắm được đối tuợng, nguồn gốc sử dụng đất dẫn đến chậm trong công tác kê khai đăng ký, cũng như xét duyệt hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong khi đó, theo quy định thì đây là trách nhiệm mà cấp chính quyền cơ sở phải làm và đẩy nhanh thực hiện. Tại xã Đắk Ha và một số địa phương khác của huyện Đắk Glong cũng xảy ra tình trạng này.

ADQuảng cáo

Ông Lê Quang Dần, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong cho biết: “Qua thực tế, việc xác định nguồn gốc đất khá nan giải, vì hầu như các đối tượng có đất phải đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Kế hoạch 437 không có các giấy tờ liên quan. Đối với huyện, một vấn đề nan giải nữa hiện nay là việc đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với những địa bàn có địa hình dốc, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số gặp rất nhiều khó khăn. Người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số hiện còn nợ tiền phí đo đạc hơn 844 triệu đồng. Vì thế, nhiều giấy chứng nhận đã hoàn thành nhưng do người dân chưa đóng phí đo đạc nên bộ phận chuyên môn chưa giao sổ cho người dân được”.

Theo đánh giá của Sở Tài nguyên - Môi trường thì công tác kiểm tra của UBND các huyện, thị xã đối với UBND cấp xã trong thực hiện Kế hoạch 437 còn sơ sài, hình thức, có nơi còn buông lỏng dẫn tới việc xét duyệt hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn rất chậm. Các địa phương có diện tích đất nằm trong Kế hoạch 437 nhưng đã được cấp đất trước thời điểm có chủ trương này đến nay vẫn chưa tổ chức truy thu phí đo đạc theo quy định. Việc phối hợp giữa Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai và các phòng, ban, UBND các xã còn thiếu chặt chẽ nên chưa phát huy hiệu quả.  

Xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, ngành

Trước thực trạng chưa xác định rõ trách nhiệm dẫn đến còn tình trạng thờ ơ, thiếu trách nhiệm, Sở Tài nguyên - Môi trường mới đây cũng đã kiến nghị UBND tỉnh báo cáo, đề xuất Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo các huyện ủy, thị ủy đưa Kế hoạch 437 vào nhiệm vụ trọng tâm 2017 để lãnh đạo các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tập trung triển khai tổ chức thực hiện. Trong đó, UBND các huyện, thị xã phải nâng cao trách nhiệm, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc kê khai, đăng ký, xét duyệt hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của UBND các xã, phường, thị trấn.

Tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Kế hoạch 437/KH-UBND của UBND tỉnh mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, việc phải hoàn thành quản lý, bố trí sử dụng 63.057 ha đất có nguồn gốc đất rừng trong năm 2017 là khối lượng công việc rất lớn. Do đó, ngoài đẩy mạnh công tác phối kết hợp hiệu quả thì việc xác định, quy trách nhiệm cho từng ngành, từng địa phương phải được làm rõ hơn mới có thể đẩy nhanh được tiến độ thực hiện.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị sơ kết này, đồng chí Trương Thanh Tùng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Tài nguyên-Môi trường, Sở Nông nghiệp-PTNT phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giảm bớt các thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho các hộ gia đình, cá nhân. Ngoài nỗ lực của các ngành thì huyện ủy, thị ủy, chính quyền các cấp vào cuộc quyết liệt thực hiện Kế hoạch 437 để chỉ đạo sát sao hơn và phấn đấu đến cuối năm 2017 cơ bản hoàn thành mục tiêu mà kế hoạch của UBND tỉnh đề ra.

Rò ràng, việc chậm trễ trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích mà Chính phủ đồng ý cho tỉnh chuyển đổi sang đất nông nghiệp không chỉ gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước, hoạt động sản xuất của người dân mà nhiều vấn đề khác liên quan cũng đang ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi sử dụng hơn 63.000 ha đất có nguồn gốc đất rừng: Khó hoàn thành kế hoạch nếu không quyết liệt ở từng cấp, từng ngành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO