Cơ bản khống chế thành công rầy nâu hại lúa vụ hè thu

Hồng Thoan| 20/09/2017 10:51

Giữa tháng 8/2017 vừa qua, bệnh rầy nâu xuất hiện khá dày đặc ở lúa vụ hè thu trên địa bàn các huyện Krông Nô, Đắk Mil, Chư Jút, Đắk Glong. Nhiều nhất là tại Krông Nô, vào thời kỳ cao điểm có đến 950 ha lúa bị rầy nâu tấn công, mật độ từ 1.500- 3.000 con/m2.

ADQuảng cáo

Rầy tập trung nhiều trên cánh đồng ở các xã như Đắk D’rô, Nam Nung, Nam Đà, Nam Xuân. Ở các huyện khác mật độ rầy lúc nhiều nhất từ 600- 700 con/m2 trên diện tích khoảng 100 ha. Trước thực tế trên, ngành chức năng, các địa phương và người dân đã kịp thời triển khai nhiều biện pháp phòng, chống và đến nay cơ bản khống chế dịch thành công.

Nông dân xã Đắk D'rô (Krông Nô) phun thuốc phòng trừ rầy nâu hại lúa. Ảnh: Văn Tâm

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp - PTNT) thì đợt xuất hiện rầy nâu vừa qua được đơn vị đánh giá là khá nguy hiểm. Bởi rầy xuất hiện vào giai đoạn lúa làm đòng, trổ bông trong điều kiện thời tiết có độ ẩm cao, mưa nắng xen kẽ trong một ngày nên dễ bùng phát dịch. Nếu bị rầy gây hại với mật độ cao, cây lúa dễ khô héo, hạt và bông lép đen một phần hoặc cả bông dẫn đến mất mùa.

Khi nhận được tin báo của nhân dân và qua sự theo dõi của cán bộ bảo vệ thực vật địa phương, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã nhanh chóng tham mưu cho Sở Nông nghiệp - PTNT ban hành văn bản tăng cường theo dõi, hướng dẫn phòng, chống dịch rầy nâu gửi các địa phương. Cùng với đó, đơn vị đã cử cán bộ có chuyên môn, kinh nghiệm trong lĩnh vực này xuống cơ sở cùng với địa phương và nông dân triển khai nhiều biện pháp tổng hợp để phòng, chống. Trong đó, đơn vị chú trọng vào việc phối hợp với các huyện tuyên truyền cho người dân về sự nguy hại của bệnh rầy nâu và cách phòng, chống. Bởi qua theo dõi nhận thấy vẫn không ít hộ có tâm lý chủ quan, lơ là. Nhiều người khi phát hiện bệnh thì mua thuốc về xịt nhưng chưa đúng cách nên hiệu quả đạt thấp.

ADQuảng cáo

Cụ thể, rầy chủ yếu ở phần thân, nhất là đối với rầy trưởng thành thường tập trung thành từng đám ở thân cây lúa phía dưới khóm nhưng nhiều người lại phun thuốc chủ yếu ở phần ngọn. Sau khi khảo sát tình hình phát sinh, các địa phương đã tiến hành khoanh vùng, hướng dẫn bà con dập dịch.

Theo Trạm Bảo vệ thực vật huyện Krông Nô, đối với những vùng mức độ gây hại đến ngưỡng phải phun thuốc, thì hướng dẫn nông dân phun thuốc với các loại đặc trị rầy đã được đăng kí có hoạt chất Thiamethoxam (min 95%) như actara, amira 25 WG, 350 SC, pha đúng theo liều lượng trên bao bì.

Việc phun thuốc được tiến hành đồng loạt, phun bao vây từ vòng ngoài vào vòng trong để rầy không có điều kiện di chuyển từ ruộng này sang ruộng khác; phun 2 lần, lần 1 cách lần 2 khoảng 5-7 ngày. Đối với những ruộng lúa chủ động nước thì yêu cầu nông dân lấy thêm nước vào ruộng nhằm xua rầy từ gốc lên phần trên cây lúa, điều này sẽ khiến rầy dễ bị trúng thuốc, tăng hiệu quả sử dụng hóa chất.

Đối với những cánh đồng sạ quá dày, lúa đã lớn thì cán bộ chuyên môn hướng dẫn, vận động nhà nông thực hiện rẽ lúa thành các hàng song song để phun thuốc vào tận gốc, phun kỹ trên ruộng và cả ở phần bờ cỏ trên ruộng. Nhờ cách làm này mà địa phương đã khống chế được rầy nâu phát sinh gây hại nặng. Tương tự, ở các địa phương khác, ngành chức năng, người dân cũng đã vào cuộc diệt trừ rầy nâu hại lúa hiệu quả, không lây lan ra diện rộng.

Theo bà Hoàng Ngọc Duyên, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thì hiện nay, ở nhiều xã của huyện Krông Nô đã hầu như hết rầy. Ở các xã Nam Xuân, Nam Đà, Buôn Choáh qua theo dõi không còn rầy trong vòng một tuần qua. Các xã còn lại ở các huyện Đắk Mil, Chư Jút, Đắk Glong, mật độ rầy cũng hạ thấp còn 10 - 50 con/m2, không còn khả năng gây hại cho lúa. Tuy nhiên hiện nay, ngành chức năng vẫn tiếp tục khuyến cáo các địa phương, người dân thường xuyên thăm đồng, theo dõi diễn biến các lứa rầy nâu, tỷ lệ chết sau khi xử lý thuốc. Các trạm bảo vệ thực vật duy trì tốt hệ thống bẫy đèn theo dõi dịch bệnh, dự báo, xử lý kịp thời để tránh việc bùng phát các lứa rầy mới.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ bản khống chế thành công rầy nâu hại lúa vụ hè thu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO