Cơ cấu lại nợ để hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất hồ tiêu

Lương Nguyên| 28/06/2019 09:49

Thời gian qua, giá hồ tiêu liên tục "lao dốc" khiến cho nhiều hộ gia đình sản xuất thua lỗ, lâm vào cảnh nợ nần. Trước thực trạng này, các cấp, ngành cần có giải pháp để hỗ trợ kịp thời người dân, trong đó có ngành Ngân hàng. Phóng viên (PV) Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Văn Minh, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh xung quanh vấn đề này.

ADQuảng cáo

Ông Hoàng Văn Minh, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Đắk Nông

PV: Xin ông cho biết về tình hình người dân vay vốn ngân hàng để đầu tư trồng hồ tiêu trong thời gian qua?

Ông Hoàng Văn Minh: Có thể nói, những năm gần đây, khi giá hồ tiêu cao ngất ngưởng, khiến không ít gia đình mạnh dạn, thậm chí mạo hiểm vay nguồn vốn lớn để đầu tư vào trồng tiêu. Phải nói đỉnh điểm nhất là giai đoạn 2015-2017, khi giá hồ tiêu đang ở ngưỡng trên 150.000 đồng/kg, người người, nhà nhà đua nhau vay mượn để đầu tư vào cây tiêu.

Ngoài nguồn vốn từ ngân hàng, nhiều hộ dân còn mạo hiểm vay vốn tại những tổ chức tín dụng, tài chính ngoài tỉnh. Tôi còn nhớ vào một thời điểm ở năm 2017 có khoảng 20 tổ chức tín dụng tại Đắk Lắk có quan hệ giao dịch vay vốn với người dân tại Đắk Nông. Thế nhưng, từ năm 2018 đến nay, giá hồ tiêu giảm xuống, cùng với đó là tình trạng tiêu chết hàng loạt, số lượng người dân tiếp cận vốn để đầu tư không còn nhiều. Hàng loạt tài sản như nhà cửa, đất đai, rẫy vườn, xe cộ… của nhiều người dân được thế chấp ở ngân hàng và đều rơi vào tình trạng “bất động”.

Theo con số thống kê mới nhất, riêng dư nợ mà các ngân hàng đã cho vay đầu tư vào hồ tiêu trên địa bàn Đắk Nông là hơn 4.300 tỷ đồng. Có trên 21.000 khách hàng đã tham gia vay vốn, với diện tích hồ tiêu mà người dân đem ra thế chấp là hơn 26.000 ha. Đến nay, có 700 ha hồ tiêu của 800 khách hàng vay vốn đã bị thiệt hại (chết), với dư nợ khoảng 260 tỷ đồng. Còn về tình trạng "nợ xấu", nợ quá hạn trong cho vay đầu tư vào hồ tiêu thì chúng tôi chưa có số liệu cụ thể. Tuy nhiên, đây chắc chắn là vấn đề lớn mà chúng tôi sẽ rất lưu tâm xử lý trong thời gian tới.

PV: Trước thực trạng nhiều hộ nông dân trồng tiêu gặp khó, thậm chí mất khả năng trả nợ, về phía ngành Ngân hàng cần có giải pháp gì để tháo gỡ, thưa ông?

Ông Hoàng Văn Minh: Trước tình hình hồ tiêu mất giá, chết hàng loạt trên địa bàn tỉnh, trong thời gian qua, về phía ngành Ngân hàng thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục, hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất hồ tiêu. Cụ thể, từ tháng 10/2018 đến nay, chúng tôi đã tham mưu, đề xuất nhiều văn bản gửi UBND tỉnh, cũng như phối hợp với các sở, ngành để cùng hỗ trợ người dân.

ADQuảng cáo

Riêng về phía Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn rà soát, tổng hợp diện tích hồ tiêu bị thiệt hại do dịch bệnh để có sự đánh giá, báo cáo tình hình cho vay. Đối với những khó khăn, vướng mắc, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổng hợp lại và tính toán phương án để xử lý một cách căn cơ nhất. Tôi cũng được biết, hiện nay các tổ chức tín dụng đã triển khai mạnh mẽ việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, gia hạn nợ và đẩy mạnh việc cho vay mới.

Cụ thể, các ngân hàng thương mại đã cơ cấu thời hạn nợ, gia hạn nợ và cho vay mới đối với 450 khách hàng vay vốn, với tổng dư nợ hơn 29 tỷ đồng. Thông qua giải pháp này, các ngân hàng đã góp phần giúp nhiều khách hàng vay vốn tạm thời vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, từng bước bảo đảm nguồn thu và khả năng tài chính để trả nợ ngân hàng.

Nhiều diện tích hồ tiêu của người dân ở huyện Đắk Song đã bị chết trắng. Ảnh: Phan Tuấn

PV: Thời gian gần đây, có nhiều hộ dân vay vốn bức  xúc về việc một số ngân hàng thương mại thất hứa trong việc cho khách hàng đáo hạn. Ngân hàng Nhà nước có nắm được những thông tin đó không và đã có chỉ đạo gì chưa, thưa ông ?

Ông Hoàng Văn Minh: Đến thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước chưa nhận được một phản ánh nào liên quan đến việc này. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, vấn đề này có xảy ra trong thực tế, nhưng không nhiều. Có chăng cũng chỉ một vài hộ dân vay vốn mất khả năng thanh toán trong giao dịch với các ngân hàng ngoại tỉnh. Bởi vì, mức vay mà các đơn vị này cho người dân vay tại thời kỳ đỉnh điểm là rất cao, nên họ không dám cho đáo hạn.

Còn đối với các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh thì rất ít xảy ra trường hợp như vậy. Bởi vì trong quá trình thẩm định, hầu hết các đơn vị thẩm định đều làm rất kỹ lưỡng. Chưa kể, đối với cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn, phụ trách khách hàng, họ cũng rất thận trọng trong vấn đề này. Vì một khi xảy ra rủi ro, khách hàng không có khả năng thanh toán nợ, dẫn đến nợ quá hạn, nợ xấu, chính họ phải chịu trách nhiệm chứ không ai khác. Dù có nhiều áp lực về tăng trưởng dư nợ, hạn chế nợ xấu, nhưng tôi nghĩ các ngân hàng sẽ tìm cách để giúp khách hàng phục hồi sản xuất, từng bước trả nợ cho ngân hàng chứ không ai nỡ đẩy dân vào “bước đường cùng”...

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ cấu lại nợ để hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất hồ tiêu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO