Cố gắng vượt giai đoạn khó khăn vì sức khỏe cộng đồng

Phan Tuấn| 12/04/2020 14:31

Những ngày qua, nhiều chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh Đắk Nông khá thưa thớt người dân đến mua hàng. Việc kinh doanh ế ẩm, khiến cho cuộc sống gia đình các tiểu thương gặp rất nhiều khó khăn. Thế nhưng, hầu hết các tiểu thương đều vui vẻ chấp nhận vì công cuộc phòng, chống dịch Covid-19.

ADQuảng cáo

Dạo quanh các chợ Nghĩa Thắng, Nhân Đạo, Kiến Đức (Đắk R’lấp); chợ Trường Xuân (Đắk Song), chợ Gia Nghĩa, chợ Đắk Mil… cho thấy lượng hàng tiêu dùng, thực phẩm khá dồi dào, giá cả phải chăng, nhưng khách đến mua lại rất thưa thớt, người bán nhiều hơn người mua.

Chị Lê Thị Thu Hương, một tiểu thương buôn bán bánh mỳ, bún tươi… ở chợ Nghĩa Thắng chia sẻ: “Trước đây, khi học sinh đi học, người dân ra đường nhiều, mỗi ngày tôi bán được hơn 120 suất bánh mỳ và bún tươi do gia đình tự sản xuất. Mấy tuần nay, từ khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, mỗi ngày tôi chỉ bán được trên dưới 20 suất”.

Chợ Nghĩa Thắng ế ẩm, nhưng tiểu thương vẫn vui vẻ ra chợ, phần vì niềm vui, phần vì phục vụ cộng đồng

Theo chị Hương, vợ chồng chị chỉ sống bằng nghề làm bún, bánh mỳ… chứ không làm thêm rẫy vườn. Hiện nay, gia đình chị còn có 2 đứa con nhỏ đang trong độ tuổi ăn học. Còn 2 đứa lớn đi làm công nhân ở TP.Hồ Chí Minh, nhưng nay cũng đã phải nghỉ làm do công ty hạn chế quy mô sản xuất. Cuộc sống của gia đình chị cũng vì thế mà rơi vào khó khăn. "Khó khăn giờ là khó khăn chung. Cả nước đều vậy cả. Mình phải chấp nhận để mà chống chọi với dịch bệnh", chị Hương tâm sự.

ADQuảng cáo

Sau khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc kinh doanh mặt hàng rau, củ, quả… của chị Trần Thị Minh Hiền, ở chợ Gia Nghĩa đã gặp nhiều khó khăn. Chị Hiền cho biết, trước đây, trung bình mỗi ngày chị bán được hơn 80 bó rau các loại. Thế nhưng, hiện nay, mặc dù ngày nào chị cũng dậy từ tờ mờ sáng, bám trụ bán hàng cho tới tối mịt mới về, nhưng có rất ít khách hàng, chỉ bán được hơn 20 bó rau. Nhiều bữa bán không hết, chị đành phải mang về cho gà, vịt ăn. "Mỗi ngày chỉ bán được hơn 20 bó rau không đủ để trang trải cho chi phí sản xuất, tiêu dùng của gia đình. Nhưng biết sao giờ, vì sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng là trên hết. Không bán được rau thì tôi sẽ theo chồng làm việc khác để kiếm tiền nuôi con”.

Nhiều mặt hàng thiết yếu hàng ngày ở chợ Gia Nghĩa vắng khách, nhưng vẫn được bày bán bình thường

Tương tự, chị Trần Thị Diễm Thương, một tiểu thương kinh doanh thịt heo tại chợ Gia Nghĩa buồn phiền cho biết, trước ngày cách ly xã hội, người dân đã đổ dồn đi mua thực phẩm rất nhiều. Sau ngày 1/4, lượng người dân đi chợ giảm mạnh. So với trước đây, việc kinh doanh, buôn bán tại chợ Gia Nghĩa đã giảm khoảng 40- 50% lượng khách hàng. "Hồi trước, mỗi ngày tôi bán được 2 con lợn, hơn cả 120kg thịt lợn các loại. Thế nhưng, sau khi dịch bệnh xảy ra, mỗi ngày tôi chỉ nhập khoảng 50kg thịt, bán từ sáng tới tối mịt mới xong. Thôi thì ráng cho qua giai đoạn này, vì không riêng gì mình mà người khác cũng khó khăn”, chị Thương cho biết.

Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, từ khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, việc kinh doanh của các tiểu thương ở chợ truyền thống đã gặp phải rất nhiều khó khăn, vất vả. Một số tiểu thương kinh doanh thực phẩm, hàng tiêu dùng đã xuất hiện tâm lý đi bán hàng cho vui, vì ở nhà không có việc gì làm chứ không phải vì chuyện lời lãi. Thế nhưng, hầu hết họ giờ đây đều không còn kêu ca, phàn nàn gì nhiều. Vì ai cũng hiểu, toàn xã hội đang đồng sức, đồng lòng để chống chọi với "giặc Covid-19".

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cố gắng vượt giai đoạn khó khăn vì sức khỏe cộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO