Có hệ thống "hành lang", liên kết sản xuất nông nghiệp sẽ được thúc đẩy

Văn Tâm| 03/09/2019 10:45

Các chủ trương, chính sách khuyến khích, hỗ trợ trong lĩnh vực nông nghiệp đến nay đã bắt đầu phát huy hiệu quả, nhiều đầu mối liên kết đã dần hình thành, góp phần nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho nông sản.

ADQuảng cáo

Trong những năm qua, ngành nông nghiệp của Đắk Nông đã đạt được những thành tựu tích cực, tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng hàng hóa, tăng giá trị sản phẩm. Do đó, vấn đề tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ngành nông nghiệp đang trở thành nhiệm vụ quan trọng, quyết định đến hiệu quả sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp của tỉnh.

Nhiều hộ nông dân đã tham gia liên kết sản xuất cà phê, đem lại hiệu quả kinh tế cao

Dần hình thành các đầu mối liên kết

Việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được tỉnh tập trung ở các tổ chức nòng cốt như: Trang trại, tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp và nông dân. Hiện nay, số lượng trang trại, HTX trên địa bàn tỉnh khá cao, nhưng việc tổ chức liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm còn yếu. Cụ thể, toàn tỉnh có 1.215 trang trại, 75 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Thế nhưng, mới chỉ có 35 công ty, doanh nghiệp, HTX và nhóm hộ tham gia liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái, rau quả, với 11.302 ha, gồm 7.150 hộ.

Trong đó, đối với liên kết sản xuất cà phê, trên địa bàn tỉnh có khoảng 10.755 ha, sản lượng ước 33.598 tấn, chủ yếu do các công ty, doanh nghiệp thực hiện như: Doanh nghiệp tư nhân Loan Hiệp, Công ty TNHH Trang Thịnh Vinh, New Man Group... Bên cạnh đó, một số HTX cũng được thành lập để hỗ trợ, phát triển sản xuất cà phê như HTX Công Bằng Thuận An, HTX Nam Thịnh, HTX Hào Quang…

Các hình thức liên kết theo chuỗi giá trị để hỗ trợ, thu mua cà phê đều được theo chứng nhận 4C (Bộ nguyên tắc chung cho cộng đồng cà phê), với giá thu mua cao hơn so với giá của thị trường từ 100- 500 đồng/kg. Riêng HTX Công Bằng và HTX Nam Thịnh ký hợp đồng với Công ty Dak Man sản xuất cà phê bền vững theo chứng nhận "Thương mại bình đẳng" (Faitrade) và chế biến cà phê ướt, nên giá bán cao hơn thị trường 8.000 đồng/kg, số lượng thu mua hàng năm 653 tấn.

Như vậy, có thể thấy, nông dân, doanh nghiệp, các tổ chức hoạt động kinh tế ngày càng ý thức được tầm quan trọng của việc liên kết. Trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành được nhiều đầu mối liên kết sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, trên thực tế, việc liên kết sản xuất ở nhiều loại cây trồng như hồ tiêu, cây ăn quả, rau xanh, chăn nuôi…, đến nay vẫn còn rất ít.

ADQuảng cáo

Trang trại chăn nuôi heo Cúc Hà ở xã Đắk Ha (Đắk Glong) chủ yếu nuôi liên kết gia công cho Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam

Đã có hệ thống "hành lang"

Từ thực tế nêu trên, thời gian qua, thực hiện Nghị định 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tỉnh Đắk Nông đã xây dựng hệ thống "hành lang" pháp lý khá bài bản để khuyến khích, thúc đẩy phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Theo đó, UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch Số 594/KH-UBND, ngày 9/11/2018 về triển khai thực hiện Nghị định số 98/NĐ-CP ngày 5/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 8 (HĐND tỉnh khóa III), HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 6/2019/NQ - HĐND về việc phê duyệt một số chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Trong Nghị quyết số 6 này, đối tượng được hỗ trợ là các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh được giao quản lý, sử dụng và thụ hưởng nguồn kinh phí của ngân sách Nhà nước thực hiện liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, hình thức hỗ trợ gồm: hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết; hạ tầng phục vụ liên kết; khuyến nông, đào tạo, tập huấn và giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm, chế biến và tiêu thụ sản phẩm…

Dù đã có sẵn "hành lang" pháp lý, nhưng theo Sở Nông nghiệp và PTNT, về lâu về dài, những chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cần được thực hiện đồng bộ. Trước mắt cần tập trung tuyên truyền đề nâng cao nhận thức cho Nhân dân về lợi ích liên doanh, liên kết sản xuất. Đối với các mô hình liên kết đã hình thành, đi vào hoạt động cần có sự quan tâm, hỗ trợ, ưu đãi các mặt theo quy định để vừa khuyến khích, vừa quảng bá trong cộng đồng...

Ngoài ra, thời gian qua, tỉnh cũng có nhiều chủ trưng, chính sách khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, lấy sự liên kết làm khâu đột phá như: Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 6/2018/NQ-HĐND ngày 2/8/2018 về Ban hành Quy định về chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư sản xuất nông nghiệp vào tỉnh Đắk Nông; các chương trình, chính sách về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Từ các chủ trương, nhiều địa phương như: Huyện Đắk Mil, Đắk Song, Krông Nô, Gia Nghĩa… đã quan tâm, chỉ đạo và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia xây dựng vùng nguyên liệu theo nhu cầu, thực hiện liên kết trong sản xuất nông nghiệp.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có hệ thống "hành lang", liên kết sản xuất nông nghiệp sẽ được thúc đẩy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO