Công nghiệp-thương mại-dịch vụ: “Điểm sáng” của Gia Nghĩa

Phan Đinh| 25/12/2017 11:02

Thực hiện mục tiêu phát triển theo hướng nâng cao tỷ trọng công nghiệp-thương mại-dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, đến nay thị xã Gia Nghĩa đã có sự chuyển dịch rõ nét.

ADQuảng cáo

Năm 2017, công nghiệp- thương mại - dịch vụ được đánh giá là những “điểm sáng” về phát triển kinh tế của thị xã Gia Nghĩa, với thương mại-dịch vụ ước đạt 46%, công nghiệp 35% và nông nghiệp trên 18%.

Hàng hóa phong phú đã giúp người dân có nhiều lựa chọn trong mua sắm với giá cả hợp lý

Điều dễ thấy nhất là các cơ sở công nghiệp, xây dựng phát triển khá nhanh. Hiện nay, trên địa bàn thị xã có 390 cơ sở công nghiệp, xây dựng, với 298 hộ kinh doanh và 92 doanh nghiệp. Các cơ sở công nghiệp, xây dựng chủ yếu kinh doanh, khai thác các thế mạnh của địa phương như chế biến cà phê, thức ăn gia súc, sản xuất sản phẩm mộc dân dụng, khai thác và chế biến vật liệu xây dựng, cơ khí, sửa chữa máy móc thiết bị phục vụ sản xuất…

Thời gian qua, thị xã phối hợp với các cơ quan liên ngành của tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm chống hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại. Công tác kiểm tra tập trung vào các mặt hàng trên thị trường thường bị làm giả, làm nhái, ảnh hưởng lớn đến chăn nuôi, trồng trọt của người dân như phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật.

Người dân mua thực phẩm tươi sống tại Siêu thị Co.op Mart Đắk Nông

ADQuảng cáo

Trong năm, thị xã đã thành lập 2 đoàn kiểm tra về an toàn thực phẩm đối với 15 cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công thương, nông nghiệp, nông lâm thủy sản. Qua kiểm tra cho thấy, có 9 cơ sở đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, 6 cơ sở vi phạm các quy định. Đoàn kiểm tra đã nhắc nhở và xử lý nghiêm minh các cơ sở vi phạm để bảo đảm công bằng cho các cơ sở sản xuất chân chính cũng như bảo vệ quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng.

UBND thị xã đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường quản lý chợ Gia Nghĩa, chợ tạm trên đường Lê Thị Hồng Gấm, chợ tạm ngã ba Sùng Đức, không để xảy ra tình trạng mất an toàn giao thông, an ninh trật tự, phục vụ tốt nhu cầu mua bán của người dân. Thị xã còn phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh tổ chức 4 hội chợ, mỗi hội chợ quy mô trên 200 gian hàng.

Bên cạnh đem lại nguồn thu ngân sách cho địa phương và phát triển sản xuất, kinh doanh của các gia đình, doanh nghiệp, hoạt động công nghiệp - thương mại - dịch vụ còn tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 11.200 lao động.

Năm 2017, hoạt động thương mại-dịch vụ có bước chuyển biến tích cực với số hộ kinh doanh ngày càng tăng và đa dạng ngành nghề. Trong năm, thị xã có trên 500 hộ kinh doanh thành lập mới với tổng số vốn đăng ký trên 60 tỷ đồng. Hiện nay, thị xã có trên 3.500 cơ sở kinh doanh trong các lĩnh vực thương mại-dịch vụ. Nhu cầu hàng hóa của người dân được cung ứng đầy đủ, không xảy ra tình trạng khan hiếm hay tăng giá đột biến. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2017 tăng cao hơn năm 2016, ước đạt trên 2.000 tỷ đồng.

Ông Trần Đình Ninh, Chủ tịch UBND thị xã Gia Nghĩa cho biết: “Trong năm 2017, UBND thị xã phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Đắk Nông triển khai thực hiện 3 đề án khuyến công với tổng kinh phí hỗ trợ 600 triệu đồng cho các cơ sở kinh doanh trên địa bàn. Thời gian tới, thị xã tiếp tục triển khai thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước, gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn 2004-2020” để phát triển công nghiệp-thương mại-dịch vụ”.

Ông Ninh khẳng định: Hiện nay, thị xã đang đẩy mạnh kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp để khai thác có hiệu quả thế mạnh của địa phương. Các doanh nghiệp cũng được khuyến khích và hỗ trợ xây dựng các trung tâm thương mại trên địa bàn để phát triển nhanh hơn nữa lĩnh vực thương mại-dịch vụ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công nghiệp-thương mại-dịch vụ: “Điểm sáng” của Gia Nghĩa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO