Công ty TNHH MTV Cà phê Thuận An: Kết quả từ mô hình tái canh cà phê không qua thời gian cải tạo đất

Hồng Thoan| 12/09/2017 10:16

Thông thường, để tái canh cà phê theo hình thức trồng mới, trong quy trình phải có bước cải tạo đất như chuẩn bị đất trồng, luân canh, cải tạo đất trong thời gian từ 1-2 năm sau khi nhổ bỏ cà phê già cỗi. Điều này theo các chuyên gia sẽ giúp hạn chế mầm bệnh, tạo thêm dinh dưỡng cho đất giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt.

ADQuảng cáo

Thế nhưng, bỏ qua giai đoạn này, năm 2014, Công ty TNHH MTV Cà phê Thuận An (công ty), xã Thuận An, Đắk Mil đã xây dựng thành công mô hình tái canh cà phê không qua thời gian cải tạo đất trên diện tích 5 ha. Đến nay, vườn cây đã bắt đầu cho thu hoạch với năng suất dự kiến vụ năm 2017 đạt khoảng 3 tấn/ha.

Quá trình tái canh cây cà phê, người trồng phải luôn thăm vườn để phát hiện, xử lý sâu bệnh sớm

Theo ông Nguyễn Ngọc Phát,  Phó Trưởng Phòng Kế hoạch Kỹ thuật Công ty thì cơ sở khoa học để thực hiện mô hình như nền đất bazan với độ dốc dưới 5%. Vườn cây trồng thuần, có hệ thống muồng đen trưởng thành làm cây che bóng, chắn gió. Vườn cây gần nguồn nước, điều kiện giao thông khá thuận lợi và các yếu tố về môi trường sinh thái khác như độ ẩm, nhiệt độ, lượng mưa, sức gió vừa phải. Cùng với các điều kiện sẵn có trên thì đơn vị cũng có một số kinh nghiệm khoa học được rút ra trong quá trình tái canh cà phê của mình và kết quả phối hợp nghiên cứu, chuyển giao của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI). Theo đó, cả Công ty và Wasi đều có những kết luận, nhận định chung là vườn già cỗi, năng suất thấp muốn tái canh ngay sau khi nhổ bỏ thành công thì bản thân vườn cũ phải hội đủ những điều kiện cần thiết về vệ sinh dịch bệnh. Cụ thể như vườn cũ không bị bệnh rễ gây vàng lá. Trước khi xuống giống phải xới đất, thu gom rễ, xử lý hố trước khi trồng bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật chất lượng, phù hợp; bón lót phân hữu cơ hợp lý, bón phân vô cơ cân đối; cây giống sinh trưởng tốt không bị thối rễ; phun phân bón lá và kiểm tra, phát hiện cây mới bị bệnh để xử lý nhanh chóng. Từ những tiền đề sẵn có, cơ sở khoa học trên, cộng với việc nắm rõ quy trình tái canh cà phê vối đã được Bộ Nông nghiệp - PTNT ban hành, đội ngũ công nhân kỹ thuật vững về chuyên môn nên đơn vị đã mạnh dạn triển khai mô hình.

ADQuảng cáo

Qua 3 năm triển khai mô hình, vườn cây của đơn vị đang sinh trưởng phát triển tốt, biểu hiện của sâu bệnh ít. Tỷ lệ cây bị vàng lá chiếm 0,36%, tỷ lệ cây bị chết, mọt đục cành, sâu đục thân chiếm rất thấp, khoảng 4%. Từ năm 2016, vườn cây đã cho thu bói với mức 1,7 tấn/ha, dự kiến năm 2017 sẽ đạt năng suất khoảng 3 tấn/ha.

Vườn cà phê có ưu điểm dốc vừa phải, gần nguồn nước

Theo ông Nguyễn Trọng Trung, Giám đốc Công ty thì ưu điểm nhất của mô hình là rút ngắn thời gian tái canh, tiết kiệm chi phí. Đối với những hộ dân thiếu vốn thì điều này được coi như một cứu cánh để đẩy nhanh quá trình thay thế vườn cà phê già cỗi bằng những giống năng suất, chất lượng cao hơn. Nó cũng giảm bớt khó khăn về kinh tế cho bà con vì thời gian vườn cây từ lúc trồng đến thu hoạch ngắn hơn, trong vòng 3 năm. Mô hình đã được đơn vị đánh giá là thành công nên công ty đang đề xuất các đơn vị chức năng của tỉnh, Bộ Nông nghiệp - PTNT để có thể xem xét hết những ưu điểm, nhược điểm, khả năng nhân rộng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công ty TNHH MTV Cà phê Thuận An: Kết quả từ mô hình tái canh cà phê không qua thời gian cải tạo đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO