Cư Jút dè chừng phát triển khổ qua rừng

Kim Ngân| 28/07/2022 09:44

Nhiều người dân Cư Jút đã, đang trồng cây khổ qua rừng theo quy mô hàng hóa và mang lại thu nhập ổn định. Loại cây trồng này thích nghi tốt với mọi loại đất, ít sâu bệnh, có nhiều tiềm năng, nhưng huyện cũng đang dè chừng vì đầu ra còn hạn chế.

ADQuảng cáo

Thời gian qua, nhiều người dân trên địa bàn huyện Cư Jút đã đưa cây khổ qua rừng vào trồng thay thế cho các loại rau xanh, hoa màu kém hiệu quả.

Theo một số bà con nông dân, cây khổ qua trồng khoảng ba tháng là thu hoạch. Mỗi tháng, trung bình 1 sào khổ qua rừng cho thu nhập hàng chục triệu đồng. Thời gian thu hoạch của cây trồng này kéo dài quanh năm.

Gia đình ông Chu Văn Tuyển, ở thôn 12, xã Ea Pô (Cư Jút) bắt đầu trồng khổ qua rừng từ đầu năm 2021. Ban đầu, ông trồng thử nghiệm trên 3 sào. Sau khi nhận thấy loại cây trồng này cho thu nhập khá, nên ông đã xuống giống thêm 5 sào nữa.

Vườn khổ qua rừng của gia đình ông Chu Văn Tuyển, thôn 12, xã Ea Pô, cho thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng

Theo ông Tuyển, trên diện tích trồng khổ qua, trước đây ông chuyên trồng bầu, bí. Do thời gian canh tác kéo dài, nên các loại cây trồng cũ đã quen đất, phát triển kém, năng suất thấp.

Do đó, ông đã đưa cây khổ qua rừng vào trồng. Điều bất ngờ là dù không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nhưng vườn cây không bị sâu hại tấn công. Do đó, sản phẩm làm ra ở đây mọi người rất tin tưởng.

Ông Tuyển cho hay: “Do lấy giống khổ qua ngoài tự nhiên về trồng thuần, nên kỹ thuật chăm sóc không quá cầu kỳ. Chúng có giá trị kinh tế vì cả lá, trái đều dùng được. Ngoài ra, ở đây chủ yếu là đất đen pha cuội, nên thích hợp với cây này”.

Ông Tuyển cho biết thêm, nhờ tận dụng giàn lưới trồng bầu, bí trước đây để cây khổ qua leo, nên không phải bỏ vốn đầu tư. Cứ 2 ngày, ông lại thu hái hơn 1 tạ quả/3 sào khổ qua rừng, bán với giá 10.000 đồng/kg.

ADQuảng cáo

Như vậy, cứ sau 2 ngày, ông có thu nhập 1 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập ổn định của gia đình ông trong thời gian qua. Hiện nay, hơn 5 sào khổ qua rừng mới trồng chuẩn bị hái bói, nguồn thu nhập của gia đình ông sẽ tăng thêm nhiều hơn.

Còn gia đình ông Phùng Văn An, cũng ở thôn 12, xã Ea Pô, hiện đang chăm sóc gần 1 ha khổ qua rừng. Nếu bước vào thu hoạch chính thức, mỗi ngày ông thu hái hơn 1,5 tạ quả. Với giá hiện tại, ông sẽ có thu nhập 1,5 triệu đồng/ngày.

Theo ông An, trong giai đoạn thu hoạch rộ, vườn khổ qua rừng có thể cho thu nhập trên gấp 3 – 4 lần so với mức bình thường và năng suất này kéo dài từ 2 – 3 tháng. Hiện nay, quả khổ qua rừng thu hoạch đến đâu đều được thu mua đến đấy.

Cây khổ qua rừng bước đầu giúp người dân chuyển đổi cây trồng hiệu quả

Theo ông Đặng Quang Sang, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Cư Jút, hiện trên địa bàn có khá nhiều hộ dân phát triển sản xuất khổ qua rừng.

Dù là cây trồng mới, nhưng khổ qua rừng đã thể hiện khá nhiều ưu điểm. Trong đó, loại cây trồng này mang lại thu nhập khá, dễ thích nghi với môi trường, ít xảy ra sâu bệnh, chi phí đầu tư thấp.

Tuy nhiên, huyện cũng đang tính toán để phát triển loại cây trồng này một cách phù hợp, tránh tình trạng phát triển nóng, dẫn đến nhiều hệ lụy.

Hiện trên địa bàn huyện đang có một cơ sở cung cấp giống, bao tiêu sản phẩm khổ qua rừng. Sản phẩm khổ qua rừng sau khi thu hoạch được cơ sở này sơ chế, sấy khô, xuất bán ra ngoài tỉnh.

Thế nhưng, nếu sản lượng khổ qua rừng vượt sức tiêu thụ của cơ sở này, người trồng có nguy cơ gặp nhiều rủi ro. Do đó, bà con nông dân rất cần liên kết với cơ sở này và cân nhắc kỹ để sản xuất khổ qua rừng hiệu quả.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cư Jút dè chừng phát triển khổ qua rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO