Cụm thi đua các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung: Đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút đầu tư, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển

Hoàng Bảo| 20/08/2019 09:07

Tại Hội nghị sơ kết giao ước thi đua 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 Cụm thi đua các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung được tổ chức tại tỉnh Đắk Nông mới đây, các địa phương trong Cụm đã trao đổi, chia sẻ cách làm sáng tạo trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC), thu hút đầu tư nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”.

ADQuảng cáo

Quảng Nam  giải quyết TTHC theo phương thức “4 tại chỗ”

Theo ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, công tác cải cách hành chính luôn được địa phương quan tâm triển khai đồng bộ, hiệu quả, góp phần giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp. Các hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp ngày càng đi vào chiều sâu, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Hiện các Trung tâm Hành chính công đã thực hiện giải quyết TTHC theo phương thức “4 tại chỗ” (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, trả kết quả). Đặc biệt, sau khi làm xong các thủ tục, người dân sẽ ấn nút đánh giá dịch vụ, thái độ ứng xử, cách làm việc của cán bộ giải quyết thủ tục ở bốn cấp độ “rất tốt, tốt, trung bình, chưa tốt”.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam chia sẻ về việc giải quyết TTHC theo phương thức “4 tại chỗ” mang lại sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp

Vì vậy, 6 tháng đầu năm 2019, tỷ lệ hồ sơ trả trước và đúng hạn chiếm 99%, trễ hạn chỉ chiếm 1%. Tính đến thời điểm này, Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh và phần mềm “một cửa điện tử” đang được triển khai vận hành thông suốt, hoạt động ổn định, đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác tiếp nhận, xử lý hồ sơ tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, xã.

Giai đoạn 2010-2018, Quảng Nam đã thu hút được 124 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký hơn 5,1 tỷ USD và 569 dự án đầu tư nội địa với tổng vốn hơn 169.946,2 tỷ đồng. Đặc biệt, Quảng Nam đã bước vào danh sách những tỉnh, thành thu ngân sách cao nhất nước. 6 tháng đầu năm 2019, tổng thu ngân sách Nhà nước hơn 12.634 tỷ đồng, đạt 54,7% (tăng 11,5% so với cùng kỳ 2018). Nhiều năm liền, Quảng Nam luôn xếp trong nhóm tốt và nằm trong tốp 10 tỉnh dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh, năng lực điều hành kinh tế của chính quyền địa phương.

Lâm Đồng ban hành mẫu phiếu đánh giá việc giải quyết TTHC

Nhiều năm nay, Lâm Ðồng cũng thuộc nhóm các tỉnh đứng đầu cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành. Hiện nay, Lâm Ðồng đứng thứ 3 trong số 63 tỉnh, thành phố trên cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin vào xây dựng chính quyền điện tử. Ðà Lạt là một trong những thành phố đầu tiên của cả nước xây dựng đề án thành phố thông minh. Về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Lâm Ðồng đứng thứ 27 trong số 63 tỉnh, thành phố năm 2018.

Theo đó, để cải thiện chỉ số PCI, Lâm Ðồng đang triển khai các biện pháp nhằm tăng cường công tác kiểm soát TTHC. Tháng 3/2019, Lâm Đồng ban hành mẫu phiếu đánh giá việc giải quyết TTHC nhằm theo dõi, đánh giá khách quan, chính xác và công bằng việc giải quyết TTHC của các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

ADQuảng cáo

Các đơn vị tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, đẩy mạnh cải cách hành chính theo phương châm quyết liệt, toàn diện và hiệu quả. Sở Nội vụ, UBND các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở, đạo đức công vụ, giờ giấc làm việc của cán bộ, công chức. Sở Thông tin và Truyền thông tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về ứng dụng hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết TTHC tại các cơ quan, địa phương. Trung tâm Phục vụ hành chính công, Văn phòng Ðoàn đại biểu Quốc hội - HÐND - UBND tỉnh tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc tổ chức thực hiện, đôn đốc việc công bố TTHC và công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia…

Trong 6 tháng đầu năm 2019, Lâm Đồng có 14 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký 1.112,2 tỷ đồng. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tập trung xây dựng chính quyền điện tử đã góp phần tích cực cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, cũng như vận hành của bộ máy quản lý Nhà nước.

Cải cách hành chính là hoạt động được các tỉnh trong Cụm thi đua triển khai đồng bộ và quyết liệt

Cụm có các chỉ số xếp hạng cao so với cả nước

Theo đánh giá, thực hiện phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, cải cách hành chính là hoạt động được các tỉnh trong Cụm tổ chức triển khai đồng bộ và quyết liệt ở các cấp chính quyền nhằm thu hút đầu tư, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Các địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, đơn giản hóa các TTHC, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, thực hiện hiệu quả mô hình “Một cửa điện tử”, tiếp nhận, giải quyết hồ sơ tại Trung tâm hành chính công, liên thông từ huyện đến tỉnh, tạo sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với hoạt động quản lý hành chính Nhà nước ở cấp tỉnh, huyện, xã.

Các tỉnh tập trung xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển có sức cạnh tranh cao, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo để phát triển. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, đơn giản hóa, cắt giảm các TTHC, nhất là trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh thuế, đất đai, môi trường… cũng được chú trọng.

Đặc biệt, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư kinh doanh, nhiều địa phương đã tổ chức các buổi gặp mặt, tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm, toàn Cụm có 4.680 doanh nghiệp mới thành lập. Ngoài ra, các địa phương tập trung cải thiện, nâng cao vị trí xếp hạng về Chỉ số cải cách hành chính (Par Index), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).

Năm 2018, theo công bố của bộ, ban ngành ở Trung ương, một số tỉnh trong Cụm thi đua đã có chỉ số xếp hạng cao so với cả nước như Lâm Đồng xếp hạng 11 về Chỉ số Par Index; Quảng Nam xếp hạng 7 về Chỉ số PCI; Đắk Nông đạt 44,59 điểm về Chỉ số PAPI, cao nhất trong 10 tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cụm thi đua các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung: Đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút đầu tư, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO