"Cuộc cách mạng nửa vời" tại các công ty lâm nghiệp

Công Tính - Ngàn Sâu| 16/03/2020 08:36

Thực hiện Nghị quyết số 30, ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị và Nghị định 118, ngày 27/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp, tỉnh Đắk Nông có 10 đơn vị, trong đó có 7 công ty lâm nghiệp thuộc diện sắp xếp, đổi mới. Đến nay, dù tỉnh đã có nhiều nỗ lực để "làm mới" các công ty lâm nghiệp, nhưng trên thực tế, hoạt động tại các đơn vị này vẫn đang ở tình trạng "giẫm chân tại chỗ", thậm chí có những đơn vị còn rơi vào cảnh trì trệ hơn như "cơn đau đẻ kéo dài" không lối thoát...

ADQuảng cáo

Kỳ 1: Sau đổi mới là... bết bát

Là 2 trong 7 công ty lâm nghiệp đã hoàn thành việc sắp xếp đổi mới, thế nhưng hoạt động của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đức Hòa và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn không có nhiều thay đổi. Được giao nhiệm vụ tự chủ hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng theo lãnh đạo các đơn vị này, chỉ cần cố gắng giữ chân được cán bộ, nhân viên yên tâm ở lại quản lý, bảo vệ rừng là đã thành công lắm rồi.

Thoi thóp ở Đức Hòa

Vào dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, thay vì cắt cử lãnh đạo trực đơn vị, ông Lại Thế Bình, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đức Hòa phải bám trụ cùng với cán bộ và người lao động ở rừng. Cũng vì trực xuyên tết, ông Bình đã có mặt kịp thời để phối hợp với lực lượng kiểm lâm huyện bắt một vụ vận chuyển 3 hộp hỗ du sam, với khối lượng hơn 12,6 m3 tại tiểu khu 1104 vào ngày 27/1/2020 (tức 3 tháng 1 âm lịch). Trước đó, ngày 25/1/2020 (tức 1/1 âm lịch), đơn vị cũng đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Song kiểm tra, phát hiện một vụ tàng trữ lâm sản trái pháp luật tại tiểu khu 1098.

Hiện trường rừng tại tiểu khu 1680 của Công ty TNTT MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn bị phá (tháng 12/2018). Ảnh: P.V

Nói về câu chuyện trực tết của mình, ông Bình cho rằng, Công ty hiện chưa có phó giám đốc. Còn chủ tịch đơn vị lại đang đi học, nên chỉ một mình ông phải trực lãnh đạo. “Với nguy cơ phá rừng, xâm chiếm đất rừng, vận chuyển gỗ lậu diễn biến phức tạp như hiện nay, không chỉ ngày lễ, tết mà ngay cả ngày thường, lãnh đạo vẫn phải vào rừng để giữ rừng”, ông Bình chia sẻ.

Cũng theo ông Bình, đơn vị hiện đang quản lý hơn 8.000 ha đất và rừng. Trong đó diện tích rừng có hơn 4.700 ha; đất sản xuất nông nghiệp hơn 3.200 ha và gần 300 ha đất phi nông nghiệp. Với lực lượng toàn Công ty chỉ có 26 người (kể cả bộ phận hành chính), nên việc quản lý bảo vệ rừng, đất đai là rất khó khăn.

Ngày 13/4/2015, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án sắp xếp, đổi mới đối với các công ty lâm nghiệp, trong đó có Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đức Hòa. Là người đã gắn bó với đơn vị từ thời lâm trường, rồi đến công ty lâm nghiệp và giờ là công ty TNHH MTV, ông Lại Thế Bình cho rằng, hoạt động của đơn vị ngày càng khó khăn hơn. Bởi vì, thời điểm lâm trường, hay công ty lâm nghiệp thì đơn vị còn có nguồn thu từ khai thác lâm sản. Thế nhưng, từ khi Nhà nước đóng "cửa rừng”, nguồn thu của Công ty cũng không còn.

7 công ty lâm nghiệp được phê duyệt đề án sắp xếp, đổi mới

Đến nay, toàn tỉnh Đắk Nông đã có 10 công ty được phê duyệt đề án sắp xếp, đổi mới. Riêng lĩnh vực lâm nghiệp có 7 đơn vị gồm: Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Wil, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Đại Thành, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đức Hòa, Công ty TNHH MTV Đắk N’tao, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk R’măng chuyển thành Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk R’măng.

Tỉnh cũng đang cổ phần hóa 3 đơn vị gồm: Công TNHH MTV Cà phê Thuận An, Công ty Cà phê Đức Lập, Công ty TNHH MTV Nam Nung.

Ông Bình nhẩm tính, sau khi sắp xếp, đổi mới, nguồn kinh phí của Công ty không bảo đảm. Trung bình nguồn thu hàng năm của Công ty khoảng 2,35 tỷ đồng, gồm: Nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng khoảng 1,4 tỷ đồng và nguỗn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước 950 triệu đồng. Số tiền này không đủ chi trả lương và các khoản bảo hiểm (chi phí lương, các khoản bảo hiểm trong một năm tối thiểu khoảng 2,9 tỷ đồng-PV) cho cán bộ, nhân viên trong đơn vị. “Với nguồn kinh phí hạn hẹp, nên mức lương trung bình ở đơn vị chỉ khoảng 4 triệu đồng/người/tháng. Trong khi đó, đối với nhiệm vụ giữ rừng thì phải trực cả ngày lẫn đêm, nhưng thực tế người lao động chỉ nhận được một ít gọi là động viên”, ông Bình cho biết.

ADQuảng cáo

Nói về câu chuyện mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng nguồn thu cho đơn vị, ông Bình khẳng định, giờ Công ty đặt mục tiêu giữ ổn định diện tích rừng, đất rừng là quan trọng nhất. “Cũng vì lo giữ cho được diện tích rừng, đất rừng ổn định, nên chuyện tìm kiếm nguồn lực để phục vụ mục tiêu sản xuất, kinh doanh như trong đề án sắp xếp, đổi mới phải dừng lại”, ông Bình tâm sự.

Sau xắp xếp, đổi mới, do bị giải thể, nên trụ sở Công ty Lâm nghiệp Quảng Đức (Krông Nô) cũng bị đóng cửa

"Sa lầy" ở Quảng Sơn

Không riêng Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đức Hòa, có những đơn vị được xem là “đầu đàn” trong ngành Lâm nghiệp vì có “tiềm lực kinh tế” từ thời kỳ lâm trường, rồi đến công ty lâm nghiệp, nhưng khi chuyển đổi sang mô hình Công ty TNHH MTV đã rơi vào khung hoảng. Điển hình nhất trong số này là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn.

Năm 2018, sau khi sắp xếp, đổi mới, bộ máy lãnh đạo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn được "thay máu" hầu như hoàn toàn. Cụ thể, từ vị trí chủ tịch Công ty, giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng, kiểm soát viên, các trưởng phòng... đều được thay mới. Họ đều là những con người được sắp xếp, điều động từ các đơn vị khác về để đảm đương nhiệm vụ tại đây.

Thời điểm đầu, chính những con người mới và cả ngành lâm nghiệp tỉnh cũng kỳ vọng Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn sẽ được quản lý, điều hành tốt và "bay cao bay xa" trong mọi hoạt động. Thế nhưng, trái ngược với mọi kỳ vọng, đơn vị này đã nhanh chống bộc lộ sự yếu kém, trở nên hỗn loạn trong điều hành, quản lý và thực hiện các chức trách, nhiệm vụ được giao.

Không có nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, nên máy móc tại xưởng gỗ ở Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Đại Thành bỏ không

Đầu tiên, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn rơi vào tình trạng mất đoàn kết nội bộ triền miên. Nhiều cán bộ quản lý bảo vệ rừng trong đơn vị phần do chán nản, phần bất mãn với cách điều hành quản lý của lãnh đạo đã xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác. Cùng với đó, công tác quản lý, bảo vệ rừng ở đây cũng trở nên sa sút trầm trọng. Hàng loạt vụ phá rừng đã xảy ra trên lâm phần của đơn vị, khiến hàng chục ha rừng bị tàn phá mỗi năm. Trong đó, vụ phá rừng tai tiếng nhất xảy ra tại tiểu khu 1680, khiến gần 15 ha rừng bị tàn phá. Vụ phá rừng này có sự tiếp tay, nhận hối lộ của cán bộ quản lý bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn.

Đỉnh điểm của sự khủng hoảng tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn là nhiều cán bộ, lãnh đạo, nhân viên bị kỷ luật hoặc bị xử lý hình sự. Cuối cùng, UBND tỉnh đã phải điều chuyển Chủ tịch Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn. Còn giám đốc đơn vị này cũng xin chuyển công tác về đơn vị khác chỉ sau hơn một năm làm việc tại đây.

Giờ đây, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn lại phải "khởi động" lại từ đầu với bộ máy lãnh đạo mới. Điều này cho thấy, đã 5 năm kể từ khi được sắp xếp, đổi mới, đơn vị này vẫn đang ở vào tình trạng loay hoay để ổn định bộ máy và công tác bảo vệ diện tích rừng được giao. Còn việc đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh để đưa đơn vị này phát triển hơn nữa vẫn là điều còn quá xa vời...

>>Kỳ 2: Đơn vị “đầu tàu” cũng "hụt hơi"...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Cuộc cách mạng nửa vời" tại các công ty lâm nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO