"Cuộc cách mạng nửa vời" tại các công ty lâm nghiệp (kỳ 2): Đơn vị “đầu tàu” cũng "hụt hơi"...

Công Tính - Ngàn Sâu| 17/03/2020 09:48

Ở vào giai đoạn trước, nhiều công ty lâm nghiệp trên địa bàn cũng "ăn nên, làm ra" như Công ty Lâm nghiệp Đắk Mil (Đắk Nông), Công ty Lâm nghiệp Đắk N’tao, Công ty Lâm nghiệp Đắk Wil... Thế nhưng, từ lúc Nhà nước "đóng cửa rừng” và sau khi thực hiện sắp xếp, đổi mới theo mô hình công ty TNHH một thành viên, hầu hết các công ty lâm nghiệp đều "tụt dốc"...

ADQuảng cáo

Co cụm sản xuất

Đến xưởng sản xuất, chế biến gỗ của Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Đại Thành (trước đây là Công ty Lâm nghiệp Đắk Mil-PV) những ngày cận Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 chỉ còn lác đác vài công nhân. Cả xưởng chế biến gỗ rộng lớn, nhưng còn sót vài công nhân đang cố hoàn thiện bộ bàn ghế để kịp giao cho khách hàng. Ở xưởng xẻ gỗ, các máy cưa lớn nằm phủ bụi không một bóng người. Tương tự, tại các khu vực hấp, sấy gỗ thì cửa cũng đóng im lìm.

Vì nguồn nguyên liệu hạn chế, nên hoạt động sản xuất Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Đại Thành rất hạn chế. Ảnh: Mặc dù là thời điểm cận tết, nhưng cả xưởng chế biến gỗ chỉ có vài công nhân làm việc.

Gạt đi từng lớp bụi đang bám trên máy cưa, ông Phan Bá Nhã, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Đại Thành tâm sự: “Trước đây, vào những dịp gần tết thì hoạt động ở các xưởng chế biến gỗ luôn chạy hết công suất. Có thời điểm cả trăm lao động. Đóng góp của lĩnh vực chế biến lâm sản vào nguồn thu của đơn vị rất lớn. Còn hiện tại, quy mô sản xuất đang bị thu hẹp dần”.

Co cụm sản xuất cũng là trường hợp ở Công ty TNHH MTV Đắk N’tao. Từng có hoạt động khai thác, chế biến gỗ với quy mô hàng chục ngàn m3 gỗ mỗi năm, nhưng hiện nay hoạt động của đơn vị này chỉ còn mỗi nhiện vụ… giữ rừng. Nếu như năm 2015, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty TNHH MTV Đắk N’tao đạt hơn 4 tỷ đồng, lợi nhuận 431 triệu đồng thì từ năm 2016 đến nay, danh mục sản xuất kinh doanh đã không còn xuất hiện trong báo cáo tổng kết hàng năm của đơn vị. Ông Nguyễn Xuân Diệu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đắk N’tao cho rằng, nguồn thu chính để duy trì hoạt động của đơn vị hiện nay là từ hoạt động công ích giữ rừng.

Chỉ trông vào sự hỗ trợ

Báo cáo tình hình hoạt động sau khi sắp xếp đổi mới cho thấy, trung bình hàng năm, Công ty TNHH MTV Đắk N’tao đạt doanh thu khoảng 5 tỷ đồng. Phần lớn doanh thu này là tiền dịch vụ môi trường rừng (hơn 4 tỷ đồng) và còn lại tiền hỗ trợ quản lý bảo vệ rừng của Nhà nước. Trong khi đó, để quản lý hơn 8.600 ha đất có rừng (chưa kể đất lâm nghiệp không có rừng, đất nông nghiệp-PV) thì đơn vị cần số tiền lớn hơn rất nhiều.

ADQuảng cáo

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Diệu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đắk N’tao, thực tế thì chỉ cần lo chuyện trả lương cho 40 người của đơn vị thôi cũng đã chật vật. “Với tổng nguồn thu thấp, nên đơn vị không thể hợp đồng thêm nhân lực để bảo vệ rừng. Do đó mà nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng cũng ngày một thêm nặng nề”, ông Diệu cho biết thêm.

Với nguồn lực hạn chế, các công ty lâm nghiệp đã chủ động phối hợp cùng lực lượng tham gia quản lý, bảo vệ rừng ở những khu vực có nguy cơ xâm hại cao. Ảnh: Lực lượng kiểm lâm huyện Đắk Mil và cán bộ Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Đại Thành tham gia tuần tra rừng

Tuy chưa đáp ứng đủ nhu cầu quản lý bảo vệ rừng, nhưng khi có nguồn hỗ trợ từ tiền dịch vụ môi trường rừng đã là cứu cánh cho các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thế nhưng, trường hợp của Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Đại Thành và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Wil thì toàn bộ diện tích rừng lại không nằm trong lưu vực chi trả dịch vụ môi trường rừng, nên khó khăn lại chồng thêm khó khăn.

Theo ông Phan Bá Nhã, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Đại Thành, may mắn là hai năm qua (2018-2019) đơn vị đã nhận gần 4 tỷ đồng tiền điều tiết dịch vụ môi trường rừng của UBND tỉnh, nên cũng bù đắp rất lớn vào chi phí hoạt động. Tương tự, cũng trong khoảng thời gian này, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Wil cũng được UBND tỉnh điều tiết hơn 5,7 tỷ đồng để phục vụ cho công tác quản lý bảo vệ rừng của đơn vị.

Giải thể 6 công ty lâm nghiệp

Trong quá trình sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp, toàn tỉnh cũng đã giải thể 6 công ty trong lĩnh vực lâm nghiệp gồm: Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Gia Nghĩa, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Thuận Tân, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Đức, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Tín, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Trường Xuân và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đức Lập.

Sau giải thể, tỉnh cũng đã thu hồi gần 42.000 ha đất lâm nghiệp để giao cho các đơn vị, địa phương quản lý.

Trước những thách thức, khó khăn về sắp xếp, đổi mới, có những đơn vị đã mạnh dạn tìm hướng đi để dần thoát khỏi “bầu sữa” hỗ trợ của Nhà nước. Tuy nhiên, những lĩnh vực sản xuất được các công ty lâm nghiệp mở rộng (ngoài nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng-PV) hiện cũng chỉ mới dừng lại ở việc thí điểm, thử nghiệm, chưa đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực nào.

>>Kỳ 3: Chật vật tìm hướng đi

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Cuộc cách mạng nửa vời" tại các công ty lâm nghiệp (kỳ 2): Đơn vị “đầu tàu” cũng "hụt hơi"...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO