"Cuộc cách mạng nửa vời" tại các công ty lâm nghiệp (kỳ 4): Còn nhiều bất cập trong sắp xếp, đổi mới

Công Tính - Ngàn Sâu| 19/03/2020 08:11

Vốn tích lũy không có, cơ chế tạo vốn chưa rõ ràng, rồi gánh nặng tiền thuê đất, bộ máy cồng kềnh… là những khó khăn, vướng mắc mà các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đang gặp phải.

ADQuảng cáo

Bế tắc về vốn sản xuất

Theo lãnh đạo các công ty lâm nghiệp, nguồn vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh ở các đơn vị gần như là không có. May chăng, trong số các công ty lâm nghiệp còn lại sau sắp xếp, đổi mới trên địa bàn tỉnh Đắk Nông thì cũng chỉ có một hoặc hai đơn vị là còn một ít vốn tích lũy từ thời điểm đang được khai thác, chế biến lâm sản trước đây. Tuy nhiên, số vốn này hiện cũng chỉ đủ để các đơn vị này bù đắp vào phần thiếu hụt do phải duy trì lực lượng quản lý bảo vệ rừng.

Về bản chất, các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông vẫn có mỗi nhiệm vụ chính là... giữ rừng

Để tạo nguồn vốn phát triển sản xuất, theo lãnh đạo các đơn vị lâm nghiệp là rất khó. Đối với các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, tài sản duy nhất là đất và rừng. Thế nhưng, ngay cả khi các công ty lâm nghiệp đã được Nhà nước cấp “sổ đỏ” với diện tích hàng nghìn ha đất thì số đất đai này cũng không thể dùng để vay được vốn hay làm tư liệu sản xuất. Trong khi đó, “gánh nặng” hàng năm là các công ty lâm nghiệp vẫn phải trả tiền thuê đất, thuê rừng cho Nhà nước trên toàn bộ diện tích được giao quản lý.

Báo cáo kết quả sau 5 năm thực hiện sắp xếp, đổi mới các công ty nông-lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông cũng đã nêu rõ khó khăn: “Việc cho thuê đất, thuê rừng có nhiều bất cập về cơ chế, chính sách. Từ khi có chủ trương “đóng cửa rừng” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các đơn vị quản lý bảo vệ rừng chủ yếu làm nhiệm vụ công ích theo đơn đặt hàng; việc quản lý bảo vệ rừng là nhiệm vụ chủ yếu và Nhà nước phải bố trí kinh phí thực hiện”.

Nói về câu chuyện mở rộng sản xuất, kinh doanh của các công ty lâm nghiệp sau sắp xếp, đổi mới, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cơ chế tài chính, tự chủ ở các đơn vị lâm nghiệp là chưa có. Về bản chất, các doanh nghiệp này vẫn làm nhiệm vụ công ích là giữ rừng.

Ngay trong báo cáo đánh giá kết quả sau 5 năm thực hiện sắp xếp, đổi mới các công ty nông-lâm nghiệp của UBND tỉnh cũng cho thấy: "các đơn vị chủ yếu vẫn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng; các hoạt động sản xuất, kinh doanh khác không đáng kể".

Với nguồn lực hạn chế, các công ty lâm nghiệp đã chủ động phối hợp cùng lực lượng tham gia quản lý, bảo vệ rừng ở những khu vực có nguy cơ xâm hại cao. Ảnh: Lực lượng kiểm lâm huyện Đắk Mil và cán bộ Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Đại Thành tham gia tuần tra rừng

ADQuảng cáo

"Bộ máy" thêm cồng kềnh

Sau sắp xếp, đổi mới, ngoài chức danh giám đốc thì các công ty lâm nghiệp còn có thêm vị trí chủ tịch và kiểm soát viên. Theo chính những cán bộ lãnh đạo các đơn vị này, với các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông thì chưa cần thiết phải bố trí kiểm soát viên và chỉ cần kế toán là đủ. Bởi vì các công ty lâm nghiệp chỉ có trung bình từ 40-60 người và tổng nguồn kinh phí chỉ khoảng 10 tỷ đồng. Với những con số này thì việc bố trí thêm kiểm soát viên gần như dư thừa. Thậm chí, đối với một số đơn vị, kiểm soát viên còn là "gánh nặng" vì chuyện lương thưởng, chi phí cho vị trí này là khá lớn, trong khi nguồn kinh phí lại rất hạn hẹp.

Chủ tịch công ty là chức danh có vị trí cao nhất trong các công ty lâm nghiệp. Chủ tịch công ty giữ vai trò đại diện pháp lý về vốn của Nhà nước tại công ty và là người được hưởng lương, các chế độ hậu hĩnh nhất trong đơn vị. Thế nhưng, theo phân tích của một số lãnh đạo công ty lâm nghiệp, hoạt động chính của các đơn vị vẫn chỉ là quản lý bảo vệ rừng. Mặt khác, vốn của các công ty đều là tài sản cố định như đất đai, rừng, trụ sở làm việc. Do đó, nếu chỉ ở mức này, các công ty lâm nghiệp không nhất thiết phải có cả vị trí chủ tịch lẫn giám đốc.

Để tìm hướng phát triển, thời gian qua Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên đã triển khai trồng hàng trăm ha cao su

Trước những khó khăn, bất cập trong quá trình sắp xếp, đổi mới, các công ty lâm nghiệp trên địa bàn và UBND tỉnh Đắk Nông đã có kiến nghị với Trung ương xem xét lại mô hình tổ chức. Theo đó, Chính phủ nên chỉ đạo cho phép các công ty lâm nghiệp thực hiện theo luật Doanh nghiệp năm 2014. Tức là bộ máy các công ty lâm nghiệp thực hiện theo mô hình chủ tịch đồng thời là giám đốc. Mô hình này vừa phù hợp với tình hình thực tế, vừa tiết kiệm ngân sách Nhà nước.

Hiện tại, 7 công ty lâm nghiệp trên địa bàn đều có 7 kiểm soát viên. Hầu hết các kiểm soát viên đều là "tay ngang" chứ không có trình độ chuyên môn đúng theo tiêu chuẩn quy định (có bằng cấp về kế toán, tài chính). Do đó, hoạt động của các kiểm soát viên thời gian qua hầu như chưa phát huy hiệu quả.

Ngoài đề xuất điều chỉnh bộ máy, Đắk Nông cũng kiến nghị Chính phủ có chính sách đặc biệt trong việc giao đất, thuê đất không thu tiền đối với các công ty lâm nghiệp. Mặt khác, việc nâng mức hỗ trợ cho các công ty lâm nghiệp cũng được tỉnh đề xuất để tăng cường hiệu quả trong công tác quản lý bảo vệ rừng, đất rừng trên địa bàn… Mặc dù vậy, cho đến nay các kiến nghị này vẫn chưa nhận được phản hồi.

Nói về câu chuyện sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, một lãnh đạo lâu năm trong ngành Lâm nghiệp tâm sự, ngoài cái tên đơn vị, rồi chức danh lãnh đạo có thay đổi thì bản chất của các đơn vị này vẫn là giữ rừng. Như vậy thì quá trình sắp xếp, đổi mới chỉ dừng lại ở mức “bình mới, rượu cũ”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Cuộc cách mạng nửa vời" tại các công ty lâm nghiệp (kỳ 4): Còn nhiều bất cập trong sắp xếp, đổi mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO