Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Không có kẻ thắng, chỉ có người thua

TTXVN| 08/07/2018 07:05

Trung Quốc và Mỹ đã khai hỏa “cuộc chiến thương mại lớn nhất trong lịch sử kinh tế” khi quyết định của Washington áp mức thuế mới 25% đối với hàng hóa nhập khẩu trị giá 34 tỷ USD từ Trung Quốc, chủ yếu là máy móc, thiết bị điện tử và công nghệ cao, chính thức có hiệu lực từ ngày 6/7.

ADQuảng cáo

Ngay sau đó, Trung Quốc cũng tuyên bố các biện pháp trả đũa nhằm vào Mỹ lập tức có hiệu lực. Căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới với các đòn “ăn miếng, trả miếng” có thể kéo dài và tác động mạnh tới tình hình kinh tế hai nước cũng như thương mại toàn cầu.

Ngay sau khi quyết định trên có hiệu lực, Bộ Thương mại Trung Quốc đã chỉ trích động thái của Mỹ là một hình thức “chèn ép thương mại”, tạo ra mối đe dọa đối với an ninh kinh tế thế giới và mọi thước đo giá trị.

Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong nhấn mạnh: “Mỹ đã kích động cuộc chiến thương mại này. Chúng tôi không muốn tham chiến, nhưng để bảo vệ lợi ích của đất nước và người dân, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác”.

Hàng hóa được bày bán tại siêu thị của hãng bán lẻ Mỹ Walmart ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Nguồn: AFP/TTXVN

Giới quan sát cho rằng các tuyên bố của Bắc Kinh dường như là nhằm bảo vệ cho các biện pháp trả đũa mà nước này đưa ra đối với Washington.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng coi hành động của Mỹ là “tự bắn vào chân mình” khi Washington tự gây tổn hại tới nền kinh tế đầu tàu thế giới, chứ không phải phục vụ lợi ích của các công ty và người dân Mỹ.

Thực tế, việc các sản phẩm của Trung Quốc bị áp mức thuế 25% cũng sẽ khiến người tiêu dùng Mỹ phải trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm đó. Không chỉ vậy, các công ty của Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc cũng có thể phải đối mặt với những tác động tiêu cực.

Ngoài ra, theo Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson, hơn 90% hàng hóa Trung Quốc nằm trong danh sách áp thuế của Mỹ là các sản phẩm đầu vào trung gian hoặc thiết bị sản xuất, tức là ở dạng nguyên liệu thô để làm ra các sản phẩm khác, do đó, biện pháp này chắc chắn sẽ còn gây ảnh hưởng lớn hơn nhiều.

Chuyên gia về thương mại của Viện Dartmouth là Douglas Irwin cũng phải thừa nhận: “Đây là đợt áp thuế lớn nhất từ trước đến nay của Mỹ và ảnh hưởng tới ngành thương mại của Mỹ nhiều nhất kể từ thời Smoot-Hawley,” ám chỉ những mức thuế năm 1930 mà nhiều nhà kinh tế cho là thủ phạm khiến cuộc Đại suy thoái càng thêm tồi tệ.

ADQuảng cáo

Tất nhiên, là người trong cuộc, Mỹ hoàn toàn hiểu rõ hậu quả của quyết định này. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Donald Trump vẫn chọn biện pháp làm gia tăng căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, theo đó, trong vòng 2 tuần tới, Mỹ sẽ tiếp tục áp thuế bổ sung đối với các mặt hàng của Trung Quốc trị giá 16 tỷ USD với lý do thâm hụt thương mại giữa Mỹ-Trung quá lớn.

Thậm chí, Tổng thống Trump còn cảnh báo rằng Washington sẵn sàng áp thêm mức thuế 10% đối với hàng hóa của Trung Quốc trị giá 200-300 tỷ USD nếu Bắc Kinh từ chối nhượng bộ các yêu cầu của Mỹ. Nếu cảnh báo trên được hiện thực hóa, tổng số hàng hóa của Trung Quốc bị Mỹ áp thuế có thể lên tới hơn 550 tỷ USD, cao hơn cả mức 506 tỷ USD giá trị hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ năm 2017.

Tờ Thương báo của Trung Quốc còn chỉ ra một nguyên nhân sâu xa hơn, đó là Washington đang ngày càng cảm nhận rõ sự “hung hăng” của Trung Quốc - đối thủ cạnh tranh chiến lược của Mỹ. Theo quan điểm của chính quyền Tổng thống Trump, các quy tắc thương mại thế giới do Washington vạch ra đang giúp các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc, hưởng lợi.

Rõ ràng, khi Trung Quốc và Mỹ chưa tìm được một lập trường chung trong việc giải quyết vấn đề thuế, không ai có thể chắc chắn cuộc chiến thương mại giữa hai nước sẽ đi tới đâu cũng như sẽ kéo dài trong bao lâu.

Chuyên gia Vines Mottwani thuộc Trung tâm nghiên cứu Con đường Tơ lụa đã cảnh báo tương lai bi quan về kinh tế-thương mại, với sức ảnh hưởng chắc chắn sẽ vượt ra khỏi đường biên giới hai nước.

Dù các chuyên gia Trung Quốc khẳng định rằng căng thẳng thương mại với Mỹ chỉ tác động hạn chế tới nền kinh tế thứ hai thế giới, song nhà kinh tế trưởng của DBS, ông Taimur Baig cho rằng một cuộc chiến thương mại toàn diện có thể làm mất đi 0,25% Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của cả hai nền kinh tế trong năm 2018, và tình hình sẽ còn tồi tệ hơn trong năm tới, khi mà cả hai nước đều phải chứng kiến độ sụt giảm về tăng trưởng kinh tế khoảng 0,5% hoặc cao hơn nữa.

Không chỉ vậy, các nước như Hàn Quốc, Singapore đều có thể bị ảnh hưởng do sự gián đoạn dây chuyền cung ứng bởi Trung Quốc cung cấp rất nhiều linh kiện, thiết bị để sản xuất sản phẩm ở các nước này.

Ông Nick Marro, thuộc cơ quan phân tích kinh tế Economist Intelligence Unit nhận định “bất kỳ vết lõm nào trong hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc cũng sẽ gây ảnh hưởng tới các nước khác trên thế giới”.

Tuy nhiên, không phải mọi cánh cửa đã đóng chặt với Mỹ và Trung Quốc, bởi hơn ai hết, cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này đều hiểu những tổn thất nặng nề họ sẽ phải gánh chịu nếu tình hình căng thẳng tiếp tục leo thang.

Dù Trung Quốc và Mỹ khó tránh được vòng trả đũa lẫn nhau, song sau những thiệt hại mà hai bên phải gánh chịu, việc bình tĩnh trở lại, sau đó ngồi vào bàn đàm phán chính là “tia sáng cuối đường hầm” đối với hai bên trong cuộc chiến thương mại này.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Không có kẻ thắng, chỉ có người thua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO