Đắk Glong, nhiều địa phương chậm chi trả tiền hỗ trợ hạn hán cho người dân

Lê Dung| 17/10/2016 10:47

Mặc dù chính sách hỗ trợ tiền thiệt hại do hạn hán gây ra đã được Trung ương, UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt, kịp thời nhưng đến nay, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Đắk Glong vẫn chưa được chi trả để khắc phục khó khăn, đầu tư tái sản xuất.

ADQuảng cáo

Theo ông Nguyễn Ngọc Thoại, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Đắk Glong thì trong các vụ đông xuân 2014-2015 và 2015-2016, tổng số tiền hỗ trợ thiệt hại do hạn hán toàn huyện là hơn 8,2 tỷ đồng. Tất cả nguồn ngân sách này đều được giao về cho các địa phương quản lý và chi trả sau khi hoàn tất các thủ tục liên quan. Tuy nhiên, đến nay, các địa phương trên địa bàn mới thực hiện giải ngân chi trả được gần 3,2 tỷ đồng. Trong đó, vụ đông xuân 2014-2015, toàn huyện mới có 3/5 xã là Quảng Sơn, Quảng Hòa và Đắk R’măng được phê duyệt danh sách hỗ trợ và thực hiện giải ngân cho 339 hộ, với tổng số tiền là hơn 563 triệu đồng. Còn vụ đông xuân 2015-2016, đến nay, toàn huyện cũng mới có 3/7 xã gồm: Quảng Hòa, Đắk P’lao và Đắk R’măng đã thực hiện chi trả hơn 2,6 tỷ đồng số tiền hỗ trợ cho 1.527 hộ dân, với tổng diện tích thiệt hại hơn 1.223 ha. Các xã còn lại do nhiều nguyên nhân nên đến nay chưa thực hiện việc chi trả tới người dân…

Đắk Som là một trong những địa phương của huyện chưa thực hiện việc giải ngân số tiền hỗ trợ trong cả 2 đợt do hạn hán cho người dân trên địa bàn. Đặc biệt, trong vụ đông xuân 2014-2015, diện tích cây trồng của toàn xã bị thiệt hại là 51,8 ha của 98 hộ dân bị ảnh hưởng. Năng suất, sản lượng cây trồng cũng bị mất trắng và sụt giảm rất nặng nề.

Trong vụ đông xuân 2014-2015, gia đình bà H’Giang ở bon B'Dơng có gần 1,5 ha cà phê chết héo vì thiếu nước tưới. Biết được thông tin hỗ trợ của Chính phủ, gia đình bà rất phấn khởi, nhưng chờ mãi vẫn không thấy tiền hỗ trợ nên đành vay mượn để đầu tư phân bón, thuốc phục hồi, mua cây giống mới cải tạo lại vườn cây.

Do ảnh hưởng của hạn hán kéo dài, vườn cà phê của hộ bà H’Giang ở bon B'Dơng, xã Đắk Som (Đắk Glong) vụ năm nay năng suất giảm mạnh

ADQuảng cáo

Bà H’Giang cho biết: “Trước đây, toàn bộ diện tích cà phê của gia đình, mỗi vụ thu về khoảng 3 tấn, nhưng sau đợt hạn hán, sản lượng chỉ còn được gần 1/3 so với trước. Mặc dù thôn đã họp và lập danh sách cũng như thống kê diện tích bị thiệt hại nhưng đã qua hai vụ mà đến nay, tôi vẫn chưa có thông báo nhận tiền. Hiện tại, bà con ai nấy đều rất mong mỏi sớm có nguồn hỗ trợ để kịp thời đầu tư cho sản xuất, mau chóng vượt qua khó khăn”.

Theo ông K’Măng, Trưởng bon B'Dơng thì khi có thông báo, thôn đã họp bon ngay và thống kê danh sách, số lượng thiệt hại kịp thời. Một số sai sót trong văn bản họp cũng đã được xã thông báo để bon bổ sung, nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản trả lời cụ thể cho người dân. Trên thực tế, bà con đang rất nóng lòng vì được Nhà nước thông báo thông tin hỗ trợ, hai vụ lập danh sách, nhưng tiền vẫn chưa thấy đâu.

Trao đổi về vấn đề này, ông K’Tèm, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Som cho biết: Do văn bản thông báo thống kê thiệt hại của cấp trên về quá gấp nên khi các thôn, bon triển khai cũng vội vàng dẫn đến việc kê khai thiếu chính xác, phải bổ sung, sửa đổi nhiều lần. Trong khi đó, người dân có đất canh tác ở địa phương nhưng lại không thường xuyên cư trú ở địa bàn nên cũng khó cho quá trình đi xác minh thực địa. Trên thực tế, việc phải chỉnh sửa văn bản, giấy tờ và rà soát lại nhiều lần cũng đã khiến một số địa phương “nản lòng”.

Ông Nguyễn Ngọc Thoại cho biết thêm, qua quá trình thực hiện, nhiều địa phương khi lập biên bản kê khai thường không đầy đủ các thông tin về mức độ thiệt hại, diện tích lại không chính xác. Những sai sót đó, sau khi kiểm tra, huyện đã trả về và yêu cầu xã điều chỉnh kịp thời. Tuy nhiên, thông tin bổ sung vẫn rất chậm trễ. Vì vậy, mới đây, lãnh đạo huyện đã có công văn chỉ đạo Phòng Nông nghiệp trực tiếp xuống phối hợp với các xã chưa thực hiện được việc giải ngân, xem vướng ở đâu, ở khâu nào và tháo gỡ giải quyết dứt điểm trước ngày 21/10.

Thiết nghĩ, việc chậm chi trả này đã không chỉ làm mất đi ý nghĩa kịp thời hỗ trợ của Chính phủ đối với nông dân vùng hạn hán, mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới việc tái sản xuất cho những niên vụ sau. Do vậy, ngoài việc kịp thời có giải pháp tháo gỡ những vướng mắc, huyện cũng cần sớm làm rõ trách nhiệm của từng địa phương, đơn vị, cá nhân để vừa chấn chỉnh, vừa giải ngân nhanh tiền hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho bà con vượt qua khó khăn, tiếp tục sản xuất.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Glong, nhiều địa phương chậm chi trả tiền hỗ trợ hạn hán cho người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO