Đắk Glong, phụ nữ DTTS được giúp đỡ, mạnh dạn phát triển kinh tế

Phạm Khánh| 15/07/2019 10:13

Đủ cái ăn đã là vất vả, nên để phát triển kinh tế gia đình đối với phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) tại huyện Đắk Glong lại càng khó hơn. Bởi lẽ, do thiếu vốn đầu tư, kỹ thuật chăm sóc ít được tiếp cận, đa số phụ nữ DTTS quanh năm trên lưng gắn với chiếc gùi vào rừng lấy măng, hái rau rừng. Thế nhưng, từ khi được vay vốn ưu đãi, nhiều phụ nữ DTTS đã có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, giảm bớt khó khăn, lam lũ thường ngày.

ADQuảng cáo

Chị Nông Thị Liên, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ ở thôn 4, xã Đắk P’lao thuộc diện hoàn cảnh khó khăn khi chưa được vay vốn ưu đãi. Trước đây, các thành viên trong gia đình chị ăn không đủ no, trời lạnh áo không đủ ấm, điều kiện chăm lo sức khỏe thiếu thốn, bệnh tật dễ phát sinh, cái nghèo cứ đeo bám mãi. Để cái bụng được no, sáng chị lại xách gùi vào rừng bẻ măng, hái rau, bắt tôm, tép ở sông suối về cải thiện.

Thế rồi, năm 2011, với hơn 60 triệu đồng số tiền vay ưu đãi từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách -Xã hội, chị Liên đầu tư cải tạo 2 ha cà phê, chăn nuôi bò và gia cầm. Sau 4 năm, vườn cà phê cho năng suất 8 tấn nhân, đàn bò phát triển 5 con và đàn gia cầm 100 con, trừ chi phí, gia đình chị thu về 200 triệu đồng tiền lãi/năm. Với bước đệm đó, gia đình chị tiếp tục đầu tư trồng thêm 2 ha cà phê và 1 ha sầu riêng.

Từ mô hình tiết kiệm "nuôi heo đất", phụ nữ xã Quảng Hòa (Đắk Glong) giúp nhau phát triển kinh tế

ADQuảng cáo

Chị Liên tâm sự: “Tôi cũng như 59 thành viên trong chi hội phụ nữ trước đây đều thuộc diện hộ nghèo. Nếu không được vay vốn ưu đãi từ ngân hàng, quỹ tiết kiệm của chi hội, gia đình tôi sẽ mãi nghèo thôi, không có lối thoát. Nhờ vay vốn ưu đãi từ ngân hàng, quỹ tiết kiệm để phát triển kinh tế, trong chi hội có 10 chị vươn lên khá giả, 40 chị thoát được nghèo, còn 10 chị đang trong giai đoạn đầu tư”.

Toàn xã Đắk P’lao có hơn 200 chị được vay hơn 17,3 tỷ đồng vốn ưu đãi với lãi suất thấp. Bà H’Gùng Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho hay: “Để phát huy các nguồn vốn là một quá trình, bởi nhiều chị em không biết cách làm ăn, do hạn chế về học vấn, kiến thức kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi không tường tận. Do vậy, Hội mất rất nhiều thời gian để hướng dẫn, vận động những chị em xây dựng mô hình thành công giúp đỡ những người mới tạo lập. Sách vở chỉ là một phần, học tập thực tế các mô hình ở địa phương khác, cũng như kinh nghiệm của người đã thành công là biện pháp thiết thực nhất”.

Bà H’Mhêl, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đắk Glong cho hay: Những năm qua, Hội luôn phối hợp với ngân hàng, các đơn vị tạo điều kiện cho trên 3.700 hội viên, phụ nữ vay 115 tỷ đồng để đầu tư làm ăn. Ngoài ra, chi hội các xã huy động được gần 860 triệu đồng cho 175 lượt hội viên vay không tính lãi để chăn nuôi, cải tạo vườn cà phê, trồng tiêu và sầu riêng. Không chỉ giúp tiếp cận nguồn vốn vay, các cấp hội còn luôn tận tình hướng dẫn, giúp đỡ hội viên, phụ nữ về cách thức sản xuất, sử dụng vốn đạt hiệu quả nhằm phát sinh lợi nhuận, tránh trường hợp vay về tiêu xài lãng phí.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Glong, phụ nữ DTTS được giúp đỡ, mạnh dạn phát triển kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO