Đắk Lao, người dân kết hợp tái canh cà phê với đa dạng hóa cây trồng

Lê Phước| 10/04/2017 10:32

Những năm gần đây, nhiều hộ gia đình ở xã Đắk Lao (huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) đã chủ động thay thế những vườn cà phê già cỗi, năng suất thấp bằng những giống mới đã được khẳng định về năng suất, chất lượng. Song song với đó, địa phương cũng tích cực vận động bà con đưa nhiều giống cây mới vào sản xuất, xây dựng nền nông nghiệp bền vững theo hướng đa dạng hóa các loại cây trồng.

ADQuảng cáo

Nhiều hộ dân lựa chọn hình thức xen canh tại rẫy cà phê mới tái canh để đa dạng hóa cây trồng

Gia đình ông Ngô Xuân Vũ, ở thôn 3, xã Đắk Lao có 3 cà phê. Từ tháng 5/2016, ông Vũ mạnh dạn phối hợp với Viện Bảo vệ thực vật Hà Nội tái canh trên diện tích gần 1 ha. Sau khi nhổ bỏ diện tích cà phê cũ, ông Vũ được các cán bộ hướng dẫn cải tạo đất và xuống giống trồng lại ngay. Nhưng diện tích này ông Vũ chỉ trồng 700 cây cà phê, mật độ mỗi cây từ 3,2m - 3,5m, thưa hơn hẳn so với cách trồng trước đây. Nhờ chăm sóc tốt, cây cà phê tại vườn phát triển nhanh, hiện đã cao gần 1m và đang bắt đầu trổ hoa.

Vào thời điểm này, gia đình ông Vũ thường xuyên có mặt trên rẫy để tập trung chăm sóc vườn cây này. Song song với việc tái canh cà phê, ông Vũ trồng xen tiêu, sầu riêng và bơ booth trong khu rẫy. Trên diện tích 1 ha mới tái canh, gia đình ông trồng thêm 300 trụ tiêu, hơn 100 gốc sầu riêng và bơ.

Nhờ siêng năng học hỏi, tìm tòi và được sự hướng dẫn của Viện Bảo vệ thực vật Hà Nội, 4 loại cây trồng trên rẫy của gia đình ông đều phát triển xanh tốt. Thời gian tới, ông Vũ cho biết sẽ tiếp tục mở rộng diện tích tái canh cà phê, kết hợp với đa dạng hóa cây trồng tại diện tích cà phê vốn đã già cỗi, năng suất thấp của mình.

ADQuảng cáo

Theo ông Đoàn Văn Quyền, cán bộ nông nghiệp xã Đắk Lao, vào tháng 5/2016, Viện Bảo vệ thực vật Hà Nội đã thử nghiệm 2 mô hình tái canh cà phê (1 ha/mô hình) tại thôn 3 và thôn 11 của xã. Điểm khác biệt của các mô hình này là sau khi nhổ bỏ diện tích cà phê cũ, người nông dân không phải luân canh các loại cây trồng khác (thường là 3 năm) mà cải tạo đất để trồng giống cà phê mới ngay. Thay vì trồng dày như trước (khoảng 1.000 cây/ha), mỗi ha tái canh mới chỉ trồng khoảng 700 cây cà phê. Phần mặt thoáng còn lại được sử dụng để trồng tiêu hoặc các loại cây ăn quả khác để tạo bóng mát cho cà phê giúp đa dạng hóa cây trồng và tăng thu nhập trên cùng một diện tích.

Hiện toàn xã Đắk Lao có trên 1.660 ha cà phê nhưng phần lớn diện tích đã già cỗi, năng suất bấp bênh. Những năm gần đây, những ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, nhất là tình hình khô hạn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, sản lượng cà phê Đắk Mil nói chung và Đắk Lao nói riêng. Trước tình hình đó, xã Đắk Lao đã sớm đặt vấn đề tái canh cà phê và đa dạng hóa cây trồng là chương trình mục tiêu trọng tâm để phát triển kinh tế địa phương.

Trong năm 2016, toàn xã đã tái canh được 170 ha cà phê (đạt 126% kế hoạch đề ra). Nhiều diện tích trồng các loại cây chắn gió, cây lấy gỗ, cây dược liệu, các loại cây có giá trị kinh tế cao như tiêu, cây ăn trái… liên tục được mở rộng. Tính đến hết năm 2016, bà con trong xã đã trồng được 143 ha hồ tiêu, 86 ha bơ (tương đương 21.500 cây) và khoảng 53 ha các loại cây ăn trái khác.

Theo ông Hoàng Ngọ, Chủ tịch UBND xã Đắk Lao, hầu hết người dân tham gia tái canh đều chọn hình thức trồng mới, thay thế những giống cà phê cũ bằng những giống mới đã được khẳng định về cả chất lượng và sản lượng, có khả năng thích nghi với biến đổi khí hậu như TR4, TR11… Trong quá trình tái canh, các cán bộ chuyên môn cấp xã, huyện đã tăng cường công tác hướng dẫn về thời tiết nông vụ, đồng thời chuyển giao tiến bộ kỹ thuật giúp bà con tiếp cận và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc. Nhờ vậy, các hộ gia đình đã tổ chức chu đáo công tác chuẩn bị về đất đai, giống, vật tư… để xuống giống tái canh kịp thời vụ. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân đã chủ động tích trữ nguồn nước, bước đầu áp dụng kỹ thuật tưới nước tiết kiệm cho nhiều diện tích cà phê mới tái canh.

Trong năm 2017, xã Đắk Lao phấn đấu sẽ mở rộng tổng diện tích tái canh và đa dạng hóa cây trồng trên toàn xã đạt 200 ha, đồng thời nâng tổng số cây ăn trái các loại được trồng lên 55.600 cây (tương đương 139 ha). Ông Hoàng Ngọ cho biết thêm: “Hiện UBND xã đã giao cho các tổ chức đoàn thể phát động phong trào thi đua phát triển sản xuất, đa dạng hóa cây trồng và xây dựng các mô hình điểm để sớm hình thành các nhóm liên kết sản xuất, tổ hợp tác sản xuất. Chúng tôi cũng khuyến khích các hộ gia đình phát huy nội lực, áp dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất, thực hiện nghiêm ngặt quy trình tái canh, tăng cường thâm canh, đa dạng hóa cây trồng để không ngừng nâng cao thu nhập”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Lao, người dân kết hợp tái canh cà phê với đa dạng hóa cây trồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO