Đắk Mil lấy tiêu chí phát triển kinh tế làm động lực chính cho xây dựng NTM

Hồng Thoan| 31/10/2019 09:20

Những năm qua cùng với hoàn thiện hạ tầng nông thôn, các cấp, ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện Đắk Mil (Đắk Nông) đã quan tâm đúng mức đến nhiệm vụ phát triển sản xuất, tái cơ cấu nông nghiệp nhằm nâng cao nhóm tiêu chí về đời sống kinh tế cho Nhân dân trong xây dựng nông thôn mới (NTM).

ADQuảng cáo

Đắk Mil đã hình thành được vùng chuyên canh xoài khoảng 800 ha. Ảnh: Nông dân trồng xoài tại xã Đắk Gằn đã hạn chế côn trùng chích hút bằng kỹ thuật dòng túi bọc quả

Đắk Sắk là 1 trong 3 xã đã đạt chuẩn NTM của Đắk Mil. Theo UBND xã Đắk Sắk, việc tái cơ cấu nông nghiệp để xây dựng NTM được địa phương thường xuyên thực hiện. Trên cơ sở khảo sát, đánh giá thực trạng sản xuất, trình độ của nông dân, địa phương xác định lại các cây trồng chủ lực gồm cà phê, hồ tiêu. Với những loại cây này, xã đã định hướng, vận động, hỗ trợ nông dân canh tác giống mới, ứng dụng kỹ thuật đồng bộ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Để nhân rộng các mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao, Đắk Sắk đã phát huy tối đa vai trò của các đoàn thể, hội trong việc phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân. Trong đó, các tổ chức đoàn thể luôn chú ý đến các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc, neo đơn, khó khăn để giúp họ có hướng thoát nghèo hiệu quả. Đến nay, nhiều giống cà phê mới đã được nông dân trên địa bàn xã đưa vào trồng mới, ghép thành công, giúp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm.

Việc phát triển hồ tiêu cũng được xã chú trọng theo hướng an toàn, bền vững để tránh dịch bệnh xâm hại. Xen canh các loại cây ăn quả trong vườn cây công nghiệp cũng được coi là cách làm hiệu quả giúp nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị canh tác. Đắk Sắk đã có 3 hợp tác xã, 1 tổ hợp tác, 17 hộ phát triển kinh tế với quy mô trang trại và khoảng 30 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ từng bước tổ chức sản xuất hiệu quả, bao tiêu sản phẩm.

ADQuảng cáo

Theo Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM huyện Đắk Mil, địa phương xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ dân phải gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là một nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, trên cơ sở các nghị quyết, chương trình của cấp trên, địa phương đã ban hành và triển khai  các nghị quyết, đề án về đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp gắn với nâng cao năng suất chất lượng và thương hiệu sản phẩm, đề án phát triển nông nghiệp sạch, công nghệ cao…

Đến nay, toàn huyện có 17 hợp tác xã, 19 tổ hợp tác, 181 trang trại. Thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2018 đạt 47 triệu đồng. Đắk Mil có 7/9 xã đạt tiêu chí về thu nhập, tăng 5 xã so với năm 2011; 9/9 đạt tiêu chí về lao động có việc làm và 6/9 xã đạt tiêu chí về kinh tế và tổ chức sản xuất. Kết quả rà soát hộ nghèo năm 2018, toàn huyện chỉ còn 848 hộ nghèo, chiếm 3,23% trong tổng số hộ dân, giảm 6,48% so với năm 2011.

Đội ngũ chuyên trách, cộng tác viên khuyến nông, thú y, bảo vệ thực vật được huyện củng cố đồng bộ để giúp nông dân tiếp cận, nâng cao các kiến thức, kỹ thuật áp dụng cụ thể vào vườn, rẫy, chuồng trại. Việc chuyển giao ứng dụng các tiến bộ của khoa học, kỹ thuật được xây dựng, nhân rộng. Theo đó, 10 năm qua đã có nhiều giống, kỹ thuật mới được ứng dụng trong trồng trọt chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp.

Cụ thể như các giống ngô, lúa lai; cà phê như TR1, TR4; xoài của Thái Lan, Đài Loan... được nhiều nông dân triển khai trồng và đạt hiệu quả cao. Nhiều hộ đã áp dụng thường xuyên các kỹ thuật về quản lý dịch hại, sâu bệnh tổng hợp như “IPM”, “ICM”, “ 3 giảm, 3 tăng” góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Bình quân mỗi năm có khoảng 400 lượt lao động được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức nghề nghiệp. Thống kê đến cuối năm 2018, lao động khu vực nông thôn trên địa bàn huyện Đắk Mil qua đào tạo đạt khoảng 33,5%.

Ông Nguyễn Ngọc Lũy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil cho biết: Nông nghiệp Đắk Mil đã có những bước phát triển tích cực từ việc ứng dụng đại trà các giống, kỹ thuật mới, đến tổ chức lại sản xuất có sự liên kết, bao tiêu sản phẩm. Từ đây, địa phương tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao giá trị gia tăng, lợi thế cạnh tranh các sản phẩm thế mạnh của địa phương như cà phê, xoài, bơ, sầu riêng, nhân rộng các vùng chuyên canh theo các tiêu chuẩn quốc tế…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Mil lấy tiêu chí phát triển kinh tế làm động lực chính cho xây dựng NTM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO