Đắk Mil: Tập trung thâm canh, tạo thương hiệu sản phẩm các cây trồng chủ lực

Đức Hùng| 21/06/2017 09:05

Phát huy lợi thế trong sản xuất nông nghiệp, những năm qua, huyện Đắk Mil đã tập trung đầu tư phát triển những cây trồng chủ lực theo hướng thâm canh, nâng cao chất lượng, sản lượng cây trồng.

ADQuảng cáo

Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Cường ở thôn Thuận Nam, xã Thuận An, tái canh cà phê bằng giống cà phê dây thu nhập 5 - 7 tấn/ha

Mỗi vùng ở Đắk Mil có một thế mạnh cây trồng khác nhau. Vì vậy, huyện đã từng bước quy hoạch vùng chuyên canh để tập trung hỗ trợ cho người dân phát triển cây, con phù hợp. Đối với cây cà phê, là cây trồng chủ lực của hầu hết các xã trên địa bàn như: Thuận An, Đức Minh, Đức Mạnh, Đắk Sắk…

Trong những năm qua, huyện tập trung thực hiện chương trình tái canh cà phê để thay thế dần diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp. Với việc triển khai Đề án nâng cao năng suất, chất lượng vườn cà phê trên địa bàn giai đoạn 2012 – 2016, đến nay, toàn huyện đã tái canh được 3.684 ha cà phê giống mới, đạt 48,2% so với diện tích cần tái canh.

Trong giai đoạn 2017 – 2020, huyện đã đưa ra kế hoạch sẽ tái canh 3.956 ha với phương thức cuốn chiếu, thay thế dần diện tích cà phê già cỗi bằng biện pháp ghép cải tạo và trồng mới. Ngoài việc tăng cường các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thật, huyện cũng đã hỗ trợ giống cho người dân tái canh cây cà phê cùng với triển khai những mô hình điểm để nông dân học tập, nhân rộng.

Hộ gia đình anh Nguyễn Văn Bình, trú tại thôn Trung Hòa, xã Đắk Gằn thu nhập cao từ vườn xoài Thái 3 ha

Ngoài ra, để tăng giá trị sản phẩm cà phê của địa phương, giai đoạn 2011 – 2016, huyện đã kêu gọi và hỗ trợ cho 5 tổ chức, cá nhân đầu tư dây chuyền rang, xay, chế biến cà phê bột. Qua đó, không chỉ nâng cao thu nhập cho doanh nghiệp và người dân mà còn góp phần quảng bá thương hiệu cà phê của địa phương trong và ngoài tỉnh.

Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện hiện có 1 hợp tác xã (HTX), 25 tổ hợp tác và 552 hộ gia đình tham gia chương trình sản xuất cà phê bền vững theo bộ tiêu chuẩn 4C, UTZ, Fairtrade với tổng diện tích hơn 1.410 ha. Đây là điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cà phê đủ tiêu chuẩn ra thị trường các nước...

ADQuảng cáo

Hơn thế, nhờ tập trung thâm canh, sản lượng cà phê trên địa bàn huyện cũng tăng lên với năng suất bình quân hơn 3 tấn/1ha như hiện nay, cao hơn khoảng 0,5 tấn/1ha so với năng suất bình quân chung toàn tỉnh.

Bên cạnh cây cà phê, toàn huyện hiện có 1.135 ha cây ăn trái các loại như xoài, sầu riêng, bơ... cũng được xem là thế mạnh của địa phương.  Đối với những địa bàn có thế mạnh về sản xuất cây ăn trái, huyện đã tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao năng suất.

Ngành chức năng thường xuyên kiểm tra chặt chẽ các vườn ươm trên địa bàn các xã để bảo đảm giống có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng. Những loại cây này đã cho hiệu quả kinh tế tương đối cao, đặc biệt là cây xoài, cây bơ booth với giá trị bình quân mỗi năm khoảng 300 triệu/ha.

Điểm thu mua sầu riêng trên địa bàn xã Đức Mạnh

Để nâng cao giá trị cây xoài, sầu riêng, bơ, huyện đang xúc tiến xây dựng chỉ dẫn địa lý và thương hiệu xoài, sầu riêng và bơ Đắk Mil. Hướng dẫn xã Đắk Gằn kêu gọi các nhóm hộ thành lập HTX nông nghiệp, làm cầu nối giữa người dân với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm cây ăn trái trên địa bàn. Ngoài ra, trên địa bàn huyện cũng đang có 1.572 ha hồ tiêu và một số diện tích trồng rau, hoa... mang lại giá trị kinh tế tương đối cao và ổn định cho người dân.

Ông Lê Văn Điệp, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đắk Mil cho biết: Xu hướng của người dân địa phương đã bước đầu quan tâm đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong thời gian đến, huyện tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp gắn với nâng cao năng suất, chất lượng và xây dựng thương hiệu sản phẩm, lựa chọn những cây trồng chủ lực, chiếm ưu thế, mang tính đặc trưng của địa phương để tập trung đầu tư phát triển. Đây cũng là cơ sở để huyện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ từng khâu, từng bước trong sản xuất nông nghiệp nhằm đạt được hiệu quả tốt nhất.

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đắk Mil, các loại cây trồng chủ lực trên địa bàn huyện đang dần ổn định về diện tích và từng bước đi vào thâm canh theo hướng chiều sâu. Từ đây, giá trị sản xuất bình quân hàng năm của địa phương đã tăng khá mạnh, từ 150 đến 200 triệu đồng/ha vào năm 2011 lên 250 - 300 triệu đồng/ha trong năm 2016, tăng khoảng 1,5 lần. Tổng giá trị ngành nông, lâm nghiệp của huyện đạt 2.600 tỷ đồng vào năm 2016, tăng 5,25% so với năm 2011.
ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Mil: Tập trung thâm canh, tạo thương hiệu sản phẩm các cây trồng chủ lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO