Đắk Mil vận động chuyển đổi 2.000 ha cà phê không bảo đảm nước tưới

Đức Hùng| 29/05/2017 10:51

Huyện Đắk Mil hiện đang tích cực vận động người dân thực hiện việc chuyển đổi 2.000 ha cà phê thuộc diện đất dốc, sỏi đá, khó khăn về nước tưới không thể khắc phục sang trồng các loại cây khác nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, giảm áp lực cho thủy lợi, cơ cấu cây trồng được bảo đảm.

ADQuảng cáo

Năm 2016, Đắk Mil gặp đợt hạn hán lịch sử. Nhiều diện tích cà phê chết cháy, mất mùa, giảm năng suất. Các ngành chức năng của huyện đã tiến hành thống kê, đánh giá diện tích cà phê bị thiệt hại, không thể khắc phục, không phù hợp trồng cà phê; đồng thời tìm giải pháp hạn chế thiệt hại cho người dân, ra khuyến cáo, hướng dẫn người dân không nên tiếp tục trồng cà phê thay vào đó chuyển đổi sang trồng các loại cây khác cho phù hợp.

Từ đầu mùa khô đến nay, xã Đắk Gằn có 22 ha được người dân chuyển đổi từ trồng cà phê sang các loại cây trồng khác. Gia đình ông Phan Văn Quang, ở thôn Xuân Thượng, có hơn 500 cây cà phê, mấy năm trở lại đây do biến đổi khí hậu, nắng hạn gay gắt khiến diện tích cà phê thường xuyên thiếu nước tưới. Cao điểm trong vụ cà phê 2015 - 2016, cà phê trong vườn ông bị chết khô do thiếu nước, một số khôi phục được nhưng giảm năng suất, chất lượng. Trước tình trạng đó, ông Quang đang dần chuyển đổi diện tích trồng cà phê này sang trồng xoài.

Ông Quang cho biết: “Cây xoài không cần nhiều nước như cà phê nên sẽ chủ động được nguồn nước và quá trình chăm sóc”.

Gia đình ông Phan Văn Quang, ở thôn Xuân Thượng, xã Đắk Gằn (Đắk Mil) đã chuyển đổi diện tích cà phê kém hiệu quả sang trồng xoài

ADQuảng cáo

Tương tự, 1 ha cà phê của gia đình ông Hoàng Văn Hưng, ở thôn Xuân Thượng, xã Đắk Gằn, đã chuyển đổi sang trồng xoài. Theo ông Hưng thì cây xoài khá phù hợp với vùng đất của địa phương. Hơn nữa, cây xoài không cần nhiều nước như cà phê. Sau khi chuyển đổi, ông trồng xen cây hoa màu để tạo thêm nguồn thu nhập "lấy ngắn nuôi dài".   

Ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Đắk Gằn cho biết: Năm 2016, xã có khoảng gần 400 ha diện tích giảm năng suất, bị thiệt hại, ảnh hưởng do hạn hán. Theo khuyến cáo của Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện, nhiều hộ dân đã chuyển đổi sang trồng xoài, cây ăn quả. Hiện nay, xã có hơn 200 ha chuyển đổi là những diện tích trồng cà phê trên đồi dốc, thường xuyên thiếu nước vào mùa khô.  

Tại xã Đức Mạnh, người dân thôn Đức Bình đã chủ động chuyển đổi nhiều  diện tích trồng cà phê thường xuyên bị thiếu nước sang trồng các loại cây khác cho phù hợp. Ông Chu Văn Thanh, Trưởng thôn Đức Bình cho hay: Sau những đợt khô hạn, thôn là địa bàn có thiệt hại lớn, ảnh hưởng đến năng suất, thu nhập. Chính vì thế, người dân đang chuyển đổi diện tích trồng cà phê sang trồng tiêu, cây ăn trái, chanh dây. Từ đầu mùa mưa đến nay, thôn có hơn 40 ha diện tích cà phê trong thôn người dân đã chuyển đổi.

Theo ông Lê Văn Điệp, Trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Đắk Mil, sau khuyến cáo của huyện, người dân trên địa bàn đã ủng hộ chủ trương chuyển đổi vì sau nhiều năm canh tác người dân cũng nhìn nhận được những vườn cây cà phê kém năng suất do thường xuyên thiếu nước vào mùa khô. Hiện nay, người dân trên địa bàn đã bắt đầu chuyển đổi sang trồng bơ, xoài nhưng diện tích chưa nhiều. Việc chuyển đổi diện tích cây trồng không phù hợp với điều kiện địa lý, khí hậu là những giải pháp về mặt kinh tế, giải pháp về thu nhập, cơ cấu cây trồng được bảo đảm, giảm bớt áp lực cho thủy lợi. Đây là hướng phát triển bền vững cho nông nghiệp, chuyển đổi cho phù hợp với điều kiện địa lý, phát huy lợi thế, hạn chế những điều kiện bất lợi đối với các loại cây trồng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Mil vận động chuyển đổi 2.000 ha cà phê không bảo đảm nước tưới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO