Đắk Nia, đồng bào thoát nghèo nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cây cà phê

Thanh Nga| 01/08/2016 15:35

Nhờ trồng cà phê mà nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở bon Fai Kol Pru Đăng, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) đã xóa được đói, giảm được nghèo và có cuộc sống ổn định.

ADQuảng cáo

Sau những năm quanh quẩn với các loại cây ngắn ngày, cuộc sống thiếu trước hụt sau, từ năm 2009 đến nay, gia đình chị Thị Nhung đã gom góp vốn liếng đầu tư trồng được 1ha cà phê và hiện là nguồn thu nhập chính, giúp cuộc sống ổn định hơn.

Nhờ biết chăm sóc bài bản, vườn cà phê của gia đình chị Thị Nhung phát triển xanh tốt, đạt năng suất cao

Chị Thị Nhung cho biết: Ngày trước ở trong bon rất ít hộ trồng cà phê, bà con chủ yếu đi rừng lượm lặt rau rừng, săn bắn và nếu có đất thì chỉ trồng cây ngắn ngày như sắn, bắp, đậu… để cung cấp lương thực cho gia đình thôi. Thế hệ trẻ như mình sau này giao lưu nhiều hơn nên cũng đi học hỏi kinh nghiệm sản xuất của các hộ người Kinh và bắt đầu trồng cây công nghiệp dài ngày, trong đó có cà phê. Sau khi lập gia đình, được bố mẹ cho đất, vợ chồng mình mạnh dạn đầu tư trồng 5 sào cà phê. Hiện tại, cà phê đang trong thời kỳ kinh doanh, năm vừa rồi, gia đình thu được 1,5 tấn nhân bán được gần 50 triệu đồng”.

ADQuảng cáo

Chị Nhung kể, cả hai vợ chồng cũng tích cực tham gia các buổi tập huấn do xã tổ chức về kỹ thuật trồng, chăm sóc cà phê và áp dụng vào sản xuất khá nên năng suất đạt cao. Chị chia sẻ: Mình đã biết được cách cắt cành, tạo tán, bón phân, phun thuốc đúng thời điểm, đúng liều lượng. Ngoài ra, khâu làm cỏ, bẻ chồi cũng phải làm thường xuyên để cây phát triển, tránh lãng phí phân bón. Nhận thấy cây cà phê giúp kinh tế gia đình phát triển ổn định nên năm vừa rồi mình mới trồng thêm 5 sào, nâng diện tích lên 1ha.

Tương tự, gia đình anh Y Manh cũng có tới 2 ha cà phê, năm vừa rồi thu được 6 tấn nhân. Anh Y Manh cho biết: Những năm trước đây, mình không biết cách chăm sóc lại không có nhiều tiền mua phân bón cho cây trồng nên cà phê năng suất thấp. Vài năm gần đây, phần thì học hỏi kinh nghiệm của bà con, phần thì được tập huấn kỹ thuật, rồi áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình nên thấy hiệu quả rõ rệt, vườn cây phát triển tốt.  Mình còn tận dụng vỏ cà phê và các phế phẩm nông nghiệp rồi mua men về ủ phân vi sinh bón cho cà phê. Bón phân vi sinh cho cà phê vừa tiết kiệm được chi phí lại tăng độ tơi xốp cho đất nên cây dễ hấp thu, lá xanh, cành phát triển dài, trái nhiều và to hơn, năng suất hơn. Trước đây, gia đình cũng thuộc diện nghèo khó nhưng nhờ trồng cà phê nên kinh tế dần dần ổn định.

Qua tìm hiểu được biết, chủ trương phát triển cây cà phê để xóa đói, giảm nghèo đã được Đảng bộ xã Đắk Nia xây dựng thành nghị quyết chuyên đề cách đây 2 nhiệm kỳ. Vì vậy, chủ trương mỗi hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ trồng ít nhất từ 300-500 cây cà phê để xóa đói, giảm nghèo đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Trong đó, bon Fai Kol Pru Đăng hiện có 135 hộ dân thì đã có đến 130 ha cà phê đang trong thời kỳ kinh doanh.

Theo anh Y Tớt, Trưởng bon Fai Kol Pru Đăng thì trước đây, chủ yếu bà con người Kinh trồng cà phê, nhưng sau này đồng bào cũng học theo và trồng khá nhiều nên diện tích ngày càng tăng. Dù có những lúc thăng trầm, giá cả lên xuống, nhưng phải khẳng định là nhờ trồng cà phê mà bà con đã thoát nghèo, đời sống ngày càng nâng lên rõ rệt. Trước đây, đa số hộ đồng bào M’nông thuộc diện hộ nghèo, nhưng hiện nay chỉ còn 5/23 hộ nghèo. Bà con cũng mong các cấp chính quyền tiếp tục có sự hỗ trợ về giống mới, kỹ thuật và ưu đãi trong vay vốn để phát triển bền vững cây cà phê, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Nia, đồng bào thoát nghèo nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cây cà phê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO