Đắk R’lấp từng bước chú trọng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Thanh Nga| 05/09/2016 09:37

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 7/4/2011 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, huyện Đắk R’lấp đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

ADQuảng cáo

Trên địa bàn huyện đã có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân ứng dụng kỹ thuật cao vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Nông dân thôn 2, xã Đắk Wer (Đắk R'lấp) chăm sóc cây hồ tiêu

Theo thống kê, toàn huyện hiện có 17.343 ha cà phê; trong đó, có trên 2.717 ha đã thực hiện tái canh. Từ năm 2012 đến nay,  huyện đã trích nguồn kinh phí cũng như phối hợp với Công ty Cà phê Nestle hỗ trợ cây giống cho các hộ dân có nhu cầu tái canh cà phê, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách.

Bên cạnh đó, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp -PTNT huyện đã giải ngân khoảng 11 tỷ đồng cho 98 hộ dân có nhu cầu vay vốn để phục vụ tái canh cà phê. Nhiều nông dân cũng tái đầu tư để nâng cao năng suất, chất lượng vườn cây, sản phẩm.

Đến nay, một số diện tích tái canh năm 2012 đã cho thu hoạch với năng suất đạt 3-4 tấn/ha.  Hơn nữa, với sự đầu tư từ các dự án nông nghiệp, người dân cũng đã chuyển dần từ phương pháp chế biến cà phê khô sang chế biến cà phê ướt, giúp chất lượng ổn định, đem lại lợi nhuận cao hơn.

Toàn huyện hiện cũng có 5.623 ha cây điều được trồng tập trung. Với nhu cầu sản phẩm hạt điều trên thị trường ngày càng tăng, huyện đang triển khai thực hiện phương án phát triển và chuyển đổi cây điều mà UBND tỉnh đã phê duyệt. Qua đó, nhiều hộ dân thực hiện tái canh vườn điều bằng các giống có chất lượng cao như AB29, AB0508. Trên địa bàn huyện hiện có Công ty TNHH Hồng Đức thu mua, chế biến hạt điều xuất khẩu, góp phần giúp nông dân phát triển cây điều ngày càng hiệu quả, theo hướng ứng dụng công nghệ cao.

Đối với 3.830 ha hồ tiêu thì nông dân đang phát triển sản xuất theo các tiêu chuẩn về thực hành nông nghiệp tốt như VietGap, GlobalGap, gắn liền với chuỗi giá trị mang lại hiệu quả cao. Huyện đã kêu gọi doanh nghiệp và thu hút được Công ty Cổ phần nông sản Hương Quế phát triển vùng tiêu sạch và tiêu sinh thái.

ADQuảng cáo

Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 4 hộ trồng tiêu được cấp giấy chứng nhận sản xuất tiêu sạch, tiêu sinh thái. Ngoài ra, một số mô hình trồng tiêu áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm, góp phần giảm chi phí sản xuất, dịch bệnh.

Thực hiện chính sách thu hút đầu tư, huyện đã tạo điều kiện cho Công ty TNHH Bình Quốc An Khang triển khai dự án trồng cây dược liệu với quy mô 300 ha. Hiện tại, công ty đã trồng 6 ha gồm các loại giống cây dược liệu như: Trinh nữ hoàng cung, cỏ ngọt, vông nem, đinh lăng…Công ty đang triển khai liên kết với các hộ dân để sản xuất nguyên liệu dược ứng dụng công nghệ sinh học, bằng việc cung ứng giống, phân bón vi sinh, thuốc phòng trừ sâu bệnh và ký kết hợp đồng thu mua, bao tiêu sản phẩm.

Theo tính toán của công ty, mỗi ha trồng dược liệu sẽ thu về khoảng 6 tấn nguyên liệu, doanh thu đạt khoảng 300 triệu đồng. Hiện tại, vườn ươm giống của công ty đang ứng dụng công nghệ tưới phun sương nhỏ giọt, với chất lượng cây giống đạt tiêu chuẩn VietGap.

Chanh dây là một trong những loại cây trồng thích hợp với điều kiện tự nhiên của huyện. Trên địa bàn huyện hiện có Công ty TNHH Công nghiệp Thực phẩm Giai Mỹ và Hợp tác xã Chanh dây Kiến Đức sản xuất chanh dây theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap bảo đảm chất lượng để xuất khẩu sang châu Âu, góp phần giải quyết đầu ra cho sản phẩm.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có nhiều mô hình áp dụng công nghệ cao vào sản xuất. Điển hình như mô hình trồng thanh long ruột đỏ tại xã Đắk Wer, chỉ với 2 ha nhưng doanh thu đạt khoảng 1 tỷ đồng/năm.

Xã Đắk Wer cũng có Hợp tác xã Nông nghiệp Hào Quang chuyên sản xuất rau sạch và được cấp giấy chứng nhận VietGap. Các mô hình như trồng cam sành tại xã Nhân Cơ; trồng nấm tại xã Kiến Thành; trồng cỏ chất lượng cao xen trong vườn cao su để nuôi bò... mang hiệu quả kinh tế cao, nên đang được khuyến khích phát triển nhân rộng.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Đắk R’lấp thì để hiện thực hóa nghị quyết về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thời gian qua, các cơ quan chuyên môn của huyện đã phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội thảo, chuyển giao các kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh cho nông dân, góp phần tăng năng suất, hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Huyện đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ sinh học tại địa bàn xã Quảng Tín để phục vụ cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk R’lấp từng bước chú trọng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO