Đắk Sắk xây dựng NTM, nâng cao đời sống người dân

Đức Hùng| 07/09/2021 09:24

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Đắk Sắk (Đắk Mil) xác định mục tiêu chính là nâng cao đời sống người dân. Đến nay, mục tiêu này đã đạt được nhiều kết quả nhất định.

ADQuảng cáo

Xã Đắk Sắk xác định, xây dựng NTM chỉ thành công khi đời sống người dân được nâng lên. Quá trình xây dựng NTM cho thấy, việc nâng cao thu nhập cho người dân được địa phương đặc biệt quan tâm.

Mô hình bưởi da xanh ruột hồng của anh Nguyễn Văn Đảm mang lại thu nhập cao. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Các mô hình sản xuất, canh tác để tăng thu nhập, làm giàu trên chính mảnh đất của mình đã được địa phương triển khai và người dân hào hứng tham gia. Trên địa bàn đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi.

Điển hình như mô hình bưởi da xanh ruột hồng của gia đình anh Nguyễn Văn Đảm, ở thôn Đức Long, xã Đắk Sắk. Mô hình này đã mang lại nguồn thu nhập cho gia đình anh khoảng 700 triệu đồng mỗi năm.

Bưởi da xanh ruột hồng của anh đã trở thành sản phẩm đặc trưng của xã Đắk Sắk, được công nhận đạt OCOP cấp tỉnh hạng 3 sao. Mô hình sản xuất này đã được nhiều người dân trên địa bàn học tập, áp dụng.

Tương tự, mô hình sản xuất tinh dầu sả của chị Thái Thị Hằng, ở thôn Đức Long, xã Đắk Sắk, đã, đang mang lại nguồn thu nhập cao. Mô hình mở ra hướng chế biến các sản phẩm nông nghiệp cao từ cây sả.

Sản phẩm tinh dầu sả của chị Hằng đã được công nhận OCOP hạng 3 sao cấp huyện. Loại sản phẩm này khá phổ biến trên thị trường trong tỉnh và nhiều tỉnh khác trong cả nước.

Ngoài những mô hình sản xuất tiêu biểu, bà con nông dân trên địa bàn xã đã áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ, đưa máy móc vào phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, hiệu quả sản xuất ngày càng cao, đời sống người dân dần được nâng lên.

ADQuảng cáo

Xã Đắk Sắk có 1 HTX nông nghiệp; 1 tổ hợp tác vệ sinh môi trường; 17 hộ sản xuất có quy mô theo mô hình trang trại; 36 doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ và chế biến nông sản; 5 công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và kinh doanh.

Thời gian qua, xã Đắk Sắk đã triển khai thực hiện Chương trình tái canh cây cà phê. Xã đưa các giống cà phê đã được Viện Khoa học công nghệ Tây Nguyên công nhận để tái tạo, nâng cao năng suất vườn cà phê cho người dân.

Các giống ngô lai, lúa chất lượng cao được người dân mạnh dạn đưa vào sản xuất đại trà. Nhờ vậy, năng suất các loại cây trồng này tại địa phương tăng 130% -140% trên một đơn vị diện tích so với năm 2015.

Nông dân đã mạnh dạn áp dụng công nghệ sinh học, sinh hóa trong việc cung cấp phân bón cho cây trồng. Cách thay đổi này đã giúp người dân tránh hiện tượng thoái hóa đất và ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường, giảm chi phí đầu tư từ 20 - 30% so với trước đây.

Về chăn nuôi, xã Đắk Sắk hiện có 10 hộ dân đầu tư xây dựng 11 trang trại chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp. Chăn nuôi trang trại, hộ gia đình phát triển mạnh, với các loại vật nuôi phổ biến, đặc sản như bò lai, hươu, nai, nhím, dê, heo thường, heo rừng...

Nhiều tuyến đường bê tông được đầu tư xây dựng, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn trên địa bàn

Theo lãnh đạo UBND xã Đắk Sắk, qua 10 năm xây dựng NTM, đời sống người dân trên địa bàn đã có những chuyển biến rõ nét. Tổng giá trị sản xuất toàn xã đạt 882 tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 54,3 triệu đồng/người/năm, tăng 10 triệu đồng so với năm 2010. Toàn xã Đắk Sắk hiện còn 106 hộ nghèo, chiếm 2,86% dân số trên địa bàn.

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Đắk Sắk cho biết, địa phương từng bước phát triển hạ tầng nông thôn, nhất là chú trọng bê tông hóa các đường nội đồng, đường nối các khu sản xuất nông nghiệp.

Về định hướng lâu dài, xã sẽ đẩy mạnh phát triển các mô hình sản xuất trang trại, vườn kiểu mẫu, hình thành vùng nguyên liệu tập trung để kết nối đầu ra ổn định cho nông sản. Xã đang tập trung xây dựng kế hoạch thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới nâng cao...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Sắk xây dựng NTM, nâng cao đời sống người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO