Đắk Song hình thành vùng sản xuất rau xanh lớn

Lê Phước| 27/08/2019 09:12

Thời gian gần đây, nông dân Đắk Song (Đắk Nông) đã tập trung sản xuất các sản phẩm rau xanh để cung cấp cho thị trường, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế và tạo thu nhập ổn định.

ADQuảng cáo

Diện tích tiếp tục tăng

Từ đầu năm 2019 tới nay, anh Nguyễn Văn Lợi, ở thôn Thuận Tân, xã Thuận Hạnh (Đắk Song) đã thuê 12 ha đất trong thôn để đầu tư sản xuất rau. Không chỉ chú trọng khâu cải tạo đất, anh Lợi còn đầu tư hệ thống nước tưới tự động trên toàn bộ diện tích 12 ha, chi phí khoảng 12 - 13 triệu đồng/ha.

Hệ thống này giúp anh Lợi tiết kiệm được nguồn nước tưới và tỉ lệ phân bổ nước cho rau đồng đều hơn so với cách tưới thông thường; đồng thời còn có thể sử dụng để tưới phân và quan trọng nhất là giúp nông dân tiết kiệm được rất nhiều công lao động. Hiện tại, anh Lợi đã xuống giống các loại rau như: bắp sú, khoai lang, xà lách, rau cải...

Gia đình anh Nguyễn Văn Lợi, ở thôn Thuận Tân, xã Thuận Hạnh (Đắk Song) đầu tư hệ thống nước tưới tự động trong sản xuất rau

Theo anh Lợi, với giá cả thị trường ổn định, nếu người dân áp dụng khoa học kỹ thuật và chú trọng thâm canh thì rau mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Đơn cử như khi trồng bắp sú, người dân có thể thu về lợi nhuận khoảng 80 triệu đồng/1 ha chỉ trong khoảng thời gian 2 tháng. Phần lớn các loại rau đều ngắn ngày nên trung bình 1 ha đất có thể trồng được 2 - 3 vụ/năm. Nếu giá cả ổn định, 1 ha rau có thể mang về cho nông dân lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/năm.

Không riêng gì Thuận Hạnh, nhiều nông dân ở xã biên giới Thuận Hà lâu nay cũng chọn rau làm loại cây chủ lực để phát triển kinh tế. Theo Chủ tịch UBND xã Thuận Hà Nguyễn Văn Được, hiện toàn xã có hơn 200 ha sản xuất rau quanh năm. Nông dân Thuận Hà chủ yếu trồng các loại cây như bắp sú, cà chua… Người dân ở địa phương bước đầu cũng đã hình thành các tổ hợp tác (THT), nhóm sản xuất rau nhằm trao đổi kinh nghiệm, giúp nhau cùng sản xuất.

Ngoài ra, xã Nam Bình cũng là một trong những xã có truyền thống sản xuất rau của huyện Đắk Song. Điểm chung của các xã này là có điều kiện tự nhiên về khí hậu, thổ nhưỡng… thuận lợi để bà con có thể thâm canh rau.

Gia đình anh Nguyễn Văn Lợi, ở thôn Thuận Tân, xã Thuận Hạnh (Đắk Song) đầu tư hệ thống nước tưới tự động trong sản xuất rau

Theo Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Đắk Song, trong năm 2019, huyện có kế hoạch sản xuất trên 1.647 ha rau. So với mọi năm, năm nay diện tích rau toàn huyện tăng khoảng 300 ha. Diện tích rau tăng cao hơn hẳn so với các năm vì giá hồ tiêu xuống thấp và tình trạng hồ tiêu chết trên địa bàn diễn biến phức tạp, người dân chuyển đổi sang trồng một số loại cây ngắn ngày, trong đó có rau xanh.

ADQuảng cáo

Chờ những tín hiệu tích cực

Thời gian qua, nhiều người dân Đắk Song đã tiếp cận được với quy trình sản xuất các loại rau xanh. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Nhờ vậy, Đắk Song đã trở thành địa phương “có tiếng” trong và ngoài tỉnh về sản xuất rau xanh, bước đầu hình thành vùng nguyên liệu. Thương lái từ khắp nơi đã đổ về Đắk Song và hình thành một thị trường mua bán hàng hóa rau xanh khá sôi động.

Với diện tích gieo trồng 1.647 ha và sản lượng ước tính trong năm 2019 đạt trên 19.000 tấn, Đắk Song là một trong những địa phương có khối lượng rau lớn nhất của tỉnh, cung cấp sản phẩm tại các thị trường trong và ngoài tỉnh.

Diện tích rau tại xã Thuận Hạnh (Đắk Song) thời gian gần đây có xu hướng tăng lên do người dân mở rộng diện tích canh tác

Theo ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Đắk Song, rau là một loại cây trồng giúp cho bà con nông dân xoay vòng vốn nhanh để tái đầu tư. Riêng với bắp sú, mặc dù giá cả có lúc ở mức 5.000 đồng/kg, có lúc lên 8.000 đồng/kg hoặc có lúc chỉ có 3.000 đồng/kg nhưng ít nhiều vẫn đem lại được lợi nhuận cho bà con. Do đó, những năm qua, bắp sú trở thành một loại cây quan trọng, giúp xóa đói giảm nghèo rất tốt tại Đắk Song.

Mặc dù đạt được nhiều tín hiệu khả quan nhưng ngành nông nghiệp và người trồng rau Đắk Song vẫn chưa yên tâm với đầu ra của sản phẩm này. Vì khối lượng mỗi vụ thu hoạch rất lớn và khó bảo quản nên dễ bị thương lái ép giá. Do đó, việc cần thiết là phải hình thành được mối liên kết với các doanh nghiệp, đơn vị để xây dựng các chuỗi sản xuất. Khi được bao tiêu sản phẩm, người trồng rau sẽ yên tâm đầu tư sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập nhờ thâm canh tăng năng suất, chất lượng.

Theo Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Đắk Song, trên địa bàn huyện hiện có 1 hợp tác xã và 2 THT chuyên sản xuất rau tại xã Thuận Hà và Thuận Hạnh. Vào năm 2016, được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, tại xã Thuận Hà đã xây dựng được THT sản xuất rau an toàn VietGAP Đồng Tiến. THT này đã bước đầu hình thành liên kết hợp tác sản xuất, cung cấp sản phẩm rau cho hệ thống siêu thị, cửa hàng rau an toàn trong và ngoài tỉnh.

Thời gian qua, huyện Đắk Song đã quan tâm, thường xuyên tổ chức cho các hộ dân đi tham quan, tập huấn, học hỏi kinh nghiệm sản xuất của người dân ở tỉnh Lâm Đồng và hỗ trợ người dân xúc tiến liên kết, sản xuất rau theo chuỗi giá trị.

“Chúng tôi xác định sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân. Với việc xúc tiến thành lập các THT sản xuất rau theo chuẩn VietGAP và hướng tới việc nâng lên theo chuẩn GlobalGAP (thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu), chúng tôi hy vọng thời gian tới, bà con Đắk Song sẽ tiếp cận sản xuất rau theo chuỗi, xây dựng được vùng nguyên liệu rau, đáp ứng nhu cầu của thị trường và có nguồn thu nhập cao”, ông Vinh cho hay.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Song hình thành vùng sản xuất rau xanh lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO