Đắk Wil, đồng bào tự tin phát triển sản xuất

Ngọc Lê| 21/12/2016 10:51

Những năm qua, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Đắk Wil (huyện Chư Jút, tỉnh Đắk Nông) đã tự tin phát triển nhiều cây trồng có giá trị cao như hồ tiêu, cà phê, bơ, xoài… để cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống. Được như vậy là nhờ địa phương đã đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con.

ADQuảng cáo

Được đào tạo nghề, ông Lãnh Văn Thiêm tự tin phát triển vườn tiêu xanh tốt, cho năng suất cao

Đơn cử như gia đình anh Hoàng Văn Giáp (dân tộc Tày) ở thôn 6 đã nhiều năm gắn bó với cây cà phê. Trước đây, do chưa được tiếp cận các kiến thức về khoa học kỹ thuật nên 1.200 cây cà phê của gia đình dù được chăm sóc kỹ lưỡng nhưng mỗi năm vẫn chỉ mang lại khoảng 2,5 tấn cà phê nhân. Tuy nhiên, sau khi anh tham gia khóa đào tạo nghề cho lao động nông thôn, được tập huấn về kỹ thuật chăm sóc cây cà phê và áp dụng thực tế thì năng suất, sản lượng vườn cây đã tăng vọt.

Anh Giáp khẳng định: “Được học nghề có khác, cũng từng ấy diện tích, cây trồng như nhau, nhưng sản lượng cà phê năm nay của gia đình đã tăng hơn so với trước đó 1,5 tấn. Với giá cà phê như bây giờ thì gia đình đã có thêm 50 triệu đồng để cải thiện đời sống. Trong những năm tới, những cây cà phê 3-4 năm tuổi bước vào thời kỳ kinh doanh thì dự kiến năng suất sẽ còn cao hơn nữa”.

Gia đình anh Lãnh Văn Thiêm (dân tộc Nùng) ở thôn 2, thấy giá hồ tiêu mang lại nguồn thu nhập cao cho nhiều gia đình nên đã tìm đến với loại cây này. Tuy nhiên, lúc đầu do chưa nắm bắt đầy đủ kiến thức phòng trừ dịch bệnh, nên anh Thiêm luôn nơm nớp lo sợ, đứng ngồi không yên vì lo vườn cây bị chết trắng như ở các địa phương khác. Đầu năm 2015, khi được tham gia vào lớp dạy nghề trồng trọt, anh Thiêm tự tin kiểm soát được các vấn đề bệnh tật khi canh tác cây hồ tiêu.

ADQuảng cáo

Anh Thiêm chia sẻ: “Trước đây, khi chưa được đào tạo nghề, gia đình vừa tốn phân bón, công sức để chăm sóc cho cây tiêu, nhưng kết quả thì chẳng đâu vào đâu. Sau khi tiếp thu được các kiến thức khoa học kỹ thuật áp dụng vào thực tế thì vườn tiêu của gia đình luôn phát triển xanh tốt, cho năng suất cao và ít mắc các bệnh thường gặp. Nhờ đó, hàng năm gia đình đã có nguồn thu ổn định hàng trăm triệu đồng, cuộc sống ngày càng khấm khá hơn”.

Theo bà Lâm Thị Thuyến, Chủ tịch UBND xã Đắk Wil thì địa phương có tới 63% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, với tỷ trọng nông nghiệp chiếm trên 80%. Trên địa bàn xã có khoảng 2.400 ha đất sản xuất nông nghiệp. Những năm gần đây, với việc đồng bào mạnh dạn đầu tư sản xuất nên cơ cấu cây trồng của xã ngày càng đa dạng hóa, với nhiều loại cây trồng đem lại hiệu quả cao.

Cụ thể, ngoài cây ngắn ngày, hiện toàn xã có 300 ha cà phê, 570 ha tiêu, 300 ha cao su, 120 ha cây ăn trái...Trung bình mỗi năm, xã có gần 2.000 lượt người được tham gia các lớp đào tạo nghề nông thôn, hội thảo đầu bờ, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Vì vậy, năng suất, sản lượng của các loại cây trồng không ngừng được cải thiện theo hướng ngày càng tăng, góp phần nâng cao mức sống cho đồng bào.

Có thể nói, thông qua công tác đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, nông dân đã tiếp thu được các kiến thức cơ bản để phát triển các loại cây trồng, vật nuôi. Người dân sau khi nắm vững kiến thức không chỉ áp dụng riêng cho gia đình mà còn tuyên truyền cho bà con lối xóm cùng nhau nâng cao trình độ sản xuất. Điều đó thể hiện qua việc thu nhập bình quân đầu người hàng năm không ngừng tăng lên, hiện đạt trên 17 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo đều giảm qua từng năm, theo kế hoạch đề ra.

Bà Thuyến khẳng định, phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng của huyện và tỉnh để tiếp tục đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, trong đó tập trung vào các hộ dân tộc thiểu số. Qua đó, đồng bào nắm vững tri thức khoa học kỹ thuật, tự tin phát triển cây trồng, vật nuôi hiệu quả trên chính mảnh đất của mình.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Wil, đồng bào tự tin phát triển sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO