“Đánh bạc” trên cánh đồng Tiền Phong

Ghi chép Công Tính| 22/04/2020 08:41

Tuy nguồn nước tưới không bảo đảm, nhưng nhiều hộ dân tại xã Thuận An (Đắk Mil) vẫn đánh liều trồng lúa nước. Khi cây lúa đã lên tốt thì câu chuyện về nguồn nước cũng là thứ khiến mọi người lo lắng nhất.

ADQuảng cáo

Phớt lờ khuyến cáo hạn hán để trồng lúa

Những ngày giữa tháng 4, sau khi hứng chịu nhiều đợt nắng nóng trút xuống cánh đồng Tiền Phong, xã Thuận An, đã khiến nhiều chân ruộng lúa vào thời “con gái” nứt toác. Lo lắng cho ruộng lúa có nguy cơ chết khô, nên hàng ngày bà Trương Thị Điền, ở thôn Đức Hòa, xã Thuận An, vẫn cứ ra thăm đồng.

Theo bà Điền, cứ mỗi lần ra đồng, bà lại bị con cái ngăn cản vì đang trong giai đoạn giãn cách xã hội để phòng, chống Covid-19. “Xót của, tiếc công vì đã trồng lúa, nên hàng ngày tôi vẫn cứ ra ruộng. Ruộng lúa giờ rất đẹp, nhưng nếu vài ngày nữa không có mưa, chắc chắn sẽ chết khô”, bà Điền tâm sự.

Hàng chục ha lúa nước ở cánh đồng Tiền Phong đứng trước nguy cơ thiếu nước tưới

Vụ đông xuân này, tuy gia đình ông Nguyễn Hồng Quảng, xã Thuận An, không gieo cấy lúa nước, nhưng cứ ít ngày ông lại ra cánh đồng Tiền Phong một lần. Ông Quảng vẫn theo dõi tình hình nước nôi, quá trình phát triển của cây lúa mà bà con gieo trồng ở cánh đồng Tiền Phong. Gạt từng đám cỏ khô dưới con mương dẫn nước được đầu tư rất bài bản, ông Quảng không khỏi xót xa, vì nước tưới từ hồ thủy lợi Núi Lửa nằm trên địa bàn đã nhiều lần xả về, nhưng không đủ thấm đến chân ruộng. Bởi vì, ngay trong thời điểm cây lúa cần nước nhất để phát triển thì lại gặp khô hạn…

Theo ông Quảng, chưa năm nào tình trạng hạn hán lại gay gắt như năm nay. “Nhận thấy lượng nước ở hồ Núi Lửa (nơi cung cấp nước chính cho cánh đồng Tiền Phong-PV) năm nay rất ít, nên gia đình tôi không gieo cấy lúa nước vụ này”, ông Quảng lý giải.

Tuy nhiên, trường hợp không gieo cấy lúa nước ở cánh đồng Tiền Phong trong vụ đông xuân năm nay như ông Quảng lại rất ít. Theo Chi nhánh Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi huyện Đắk Mil, trong số 36,8 ha đất trồng lúa nước ở cánh đồng Tiền Phong thì vụ đông xuân này, bà con chỉ bỏ hoang khoảng 3 ha vì nhận thấy nguy cơ khô hạn.

Chúng tôi đem kinh nghiệm của ông Quảng để nói với những hộ dân khác, nhưng hầu hết đều nói rằng, họ vẫn trồng lúa trên cánh đồng Tiền Phong và chấp nhận “đánh bạc” với... trời. Bà Trương Thị Điền, xã Thuận An, cho rằng, trong khi giá cà phê, hồ tiêu xuống thấp, những hộ dân có đất làm lúa nước đều trông ngóng cả vào đấy. Thực tế, chỉ cần một sào ruộng trồng lúa ổn định, cũng đủ cung cấp lương thực cho gia đình trong cả một năm. Vì vậy, dù biết là địa phương khuyến cáo không gieo cấy lúa do nguồn nước tưới khó khăn, nhưng nông dân như bà vẫn đành "nhắm mắt làm ngơ".

ADQuảng cáo

Bà Điền than thở: “Giờ mọi người chỉ biết nhờ chính quyền điều tiết nguồn nước tưới từ những hồ đập khác về cho cánh đồng thôi. Nếu cứ nắng như hiện nay thì chắc chắn vụ này sẽ mất trắng”.

Kênh mương ở cánh đồng Tiền Phong được đầu tư bài bản, nhưng không có nước dẫn về

Chứng kiến tình trạng hạn hán trên cánh đồng Tiền Phong, ông Phạm Thanh Trình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thuận An cho biết: Ngay trước khi bước vào vụ sản xuất, xã đã khuyến cáo bà con không gieo cấy lúa nước trong vụ đông xuân này. Thế nhưng, hầu hết người dân đã phớt lờ khuyến cáo và tiếp tục trồng lúa. Với lượng nước ở hồ thủy lợi Núi Lửa chỉ đạt hơn 40% dung tích thiết kế, nên không thể đủ tưới cho cánh đồng Tiền Phong. Để cứu cây trồng, vào đầu tháng 4 này, ngành Nông nghiệp tỉnh, huyện, công ty thủy lợi và xã đã đi kiểm tra thực tế và sẽ tiến hành bơm nước từ hồ Bu Đắk về cứu lúa ở cánh đồng Tiền Phong, nhưng vẫn không đủ.

Nguy cơ mất trắng mùa màng

Nói về câu chuyện sản xuất trên cánh đồng Tiền Phong, ông Nguyễn Trương, Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi huyện Đắk Mil cho rằng, đơn vị đã có văn bản khuyến cáo gửi UBND xã Thuận An từ đầu tháng 11/2019. Theo đó, nhận thấy nguồn nước ở hồ Núi Lửa đạt thấp, nên đơn vị đề nghị UBND xã Thuận An không đưa 36,84 ha lúa nước ở cánh đồng Tiền Phong vào kế hoạch sản xuất vụ đông xuân năm 2019-2020. Đến ngày 14/11/2019, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông, Chi nhánh Công ty ở huyện Đắk Mil, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đắk Mil, xã Thuận An cũng đã kiểm tra nguồn nước ở hồ Núi Lửa thì thấy không đủ tưới cho cánh đồng Tiền Phong. Ngày 5/12/2019, Chi nhánh Công ty tiếp tục có văn bản gửi UBND xã Thuận An không đưa diện tích lúa ở cánh đồng Tiền Phong vào kế hoạch sản xuất vụ đông xuân.

Cũng theo ông Trương, để khắc phục tình trạng thiếu nước tưới, ngày 7/4/2020, Sở Nông nghiệp và PTNT có văn bản chỉ đạo bơm một đợt nước (khoảng 50.000 m3) từ hồ Bu Đắk về cánh đồng Tiền Phong. “Hiện tại, hồ Bu Đắk có khoảng 130.000 m3 nước. Nếu bơm 50.000 m3 nước để cứu lúa ở cánh đồng Tiền Phong thì cũng chỉ được một đợt. Vì lượng nước còn lại ở hồ Bu Đắk chỉ đủ để cung cấp cho diện tích cây trồng trong lưu vực tưới của hồ”.

Dù được khuyến cáo về lượng nước ở hồ Núi Lửa đạt thấp, nhưng nhiều hộ dân ở xã Thuận An vẫn đánh liều trồng lúa nước

Theo phân tích của lãnh đạo Chi nhánh Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi huyện Đắk Mil, nếu chỉ tưới được một đợt thì vẫn không đủ đáp ứng cho cây lúa ở cánh đồng Tiền Phong đến cuối vụ (hơn một tháng nữa mới đến vụ thu hoạch-PV). Như vậy, nếu trời không có mưa thì nguy cơ mất mùa là hiện hữu.

Trong văn bản phát đi của Sở Nông nghiệp và PTNT vào ngày 7/4/2020, đơn vị đã yêu cầu UBND huyện Đắk Mil bố trí kinh phí thực hiện bơm chuyền nước từ ngày 10/4/2020 để phục vụ cánh đồng Tiền Phong. Ngoài ra, đơn vị cũng đề nghị Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông có trách nhiệm hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện bơm chuyền nước từ hồ Bu Đắk về... Thế nhưng, dù đã một tuần (ghi nhận ngày 16/4/2020-PV), trên các chân ruộng ở cánh đồng Tiền Phong vẫn khô khốc vì chưa có nước.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Đánh bạc” trên cánh đồng Tiền Phong
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO