Đáp ứng nguồn vốn cho nền kinh tế: Đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng ngay từ những tháng đầu năm

Bài, ảnh: Lương Nguyên| 25/02/2019 11:25

Tích cực tìm kiếm khách hàng, xử lý nợ xấu để tăng dư địa cho vay, mở rộng nhiều dịch vụ tiện ích… là những giải pháp đã, đang được các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện, nhằm đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng ngay trong những tháng đầu năm 2019.

ADQuảng cáo

Tính đến hết tháng 1/2019, tổng dư nợ đối với nền kinh tế trên địa bàn qua hệ thống ngân hàng là hơn 25.600 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng tiếp tục được các tổ chức tín dụng tập trung vào sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Chi nhánh Đắk Nông

Vốn vẫn “chảy” vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn

Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, trong tổng số dư nợ cho vay đối với nền kinh tế, riêng dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn là hơn 21.000 tỷ đồng, chiếm trên 84% tổng dư nợ. Con số này cho thấy, nông nghiệp, nông thôn hiện nay không chỉ là lĩnh vực kinh tế trọng điểm của tỉnh, mà còn là “mảnh đất” màu mỡ để dòng vốn tín dụng tiếp tục được “khơi thông”.

Là một đơn vị “đầu tàu” cho vay trong lĩnh vực này, ngay trong những tháng đầu năm 2019, Ngân hàng Nông nghiệp-PTNT (Agribank) Chi nhánh Đắk Nông đã triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng. Tính đến hết tháng 1/2019, dư nợ cho vay tại đơn vị là gần 9.000 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm hơn 80%.

Theo ông Thân Văn Chí, Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Đắk Nông, ngay từ đầu năm, Hội sở tỉnh đã phân giao chỉ tiêu kế hoạch dư nợ cho vay đối với khách hàng pháp nhân để các đơn vị trực thuộc thực hiện. Trên cơ sở này, yêu cầu giám đốc các đơn vị trực thuộc thực hiện phân giao chỉ tiêu dư nợ pháp nhân cụ thể cho từng cán bộ tín dụng. Việc chủ động tìm kiếm và thu hút thêm khách hàng, nhất là khách hàng khối doanh nghiệp cũng được Ban giám đốc chi nhánh thường xuyên chỉ đạo tại các cuộc họp giao ban hằng tháng. Song song với việc đẩy mạnh tìm kiếm khách hàng, chi nhánh đã không ngừng đẩy mạnh mảng dịch vụ thẻ tín dụng, với nhiều sản phẩm mới được ra mắt, mở rộng kênh phân phối. Nhiều chương trình ưu đãi, chăm sóc khách hàng cũng nhận được mức đầu tư lớn theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ, cải tiến dịch vụ, mở rộng mạng lưới để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng trong quá trình giao dịch.

ADQuảng cáo

Không chỉ có Ngân hàng Agribank mà hiện nay, nhiều tổ chức tín dụng khác trên địa bàn như: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Chi nhánh Đắk Nông, Chi nhánh Ngân hàng Liên Việt Postbank… cũng khá ưu tiên nguồn vốn cho lĩnh vực này. Theo lý giải của đại diện nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn, sở dĩ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn “hút” được vốn của các đơn vị là vì hầu hết tỷ trọng cho vay của các ngân hàng là khách hàng cá nhân. Trong khi, hầu hết khách hàng cá nhân trên địa bàn chủ yếu vay vốn để đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Hơn nữa, nông nghiệp cũng là lĩnh vực được địa phương quan tâm, ưu tiên phát triển nên nguồn vốn các ngân hàng thương mại đổ vào đây là lẽ tất yếu.

Với mục tiêu đẩy mạnh cho vay vốn phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế trên địa bàn, trong năm 2019, ngành Ngân hàng tỉnh phấn đấu tăng trưởng vốn huy động từ 10-13%; tăng trưởng tín dụng từ 18-22%; tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 2% so với tổng dư nợ.

Ưu tiên cho vay doanh nghiệp

Mặc dù tăng trưởng tín dụng trong những tháng đầu năm đã, đang được hệ thống ngân hàng đẩy mạnh nhưng riêng lĩnh vực cho vay doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện vẫn còn những khó khăn. Minh chứng cho điều này là đến nay dư nợ cho vay đối với khách hàng là doanh nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng dư nợ cho vay của toàn ngành. Cụ thể, tính đến hết tháng 1/2019, dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là hơn 3.300 tỷ đồng, với hơn 500 doanh nghiệp được tiếp cận. Con số này chỉ chiếm gần 13% tổng dư nợ và chiếm gần 11% số doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn.

Nguyên nhân của tình trạng này được các ngân hàng thương mại lý giải là do các doanh nghiệp có quy mô hoạt động nhỏ, trình độ sản xuất, kinh doanh và năng lực tài chính của các doanh nghiệp còn yếu, phương án sản xuất, kinh doanh chưa khả thi. Một số trường hợp khác có nhu cầu vay vốn nhưng chưa trả hết nợ cũ nên không có, hoặc không đủ tài sản thế chấp cho các khoản vay mới. Cùng với đó, môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp gặp rủi ro do thiếu thông tin, chế độ báo cáo, thống kê, kiểm toán đối với doanh nghiệp chưa theo chuẩn mực cũng phần nào gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng khi thẩm định các dự án, phương án vay vốn của các doanh nghiệp.

Được vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp - PTNT Chi nhánh Đắk Nông, Trang trại Hiệp Thành (Gia Nghĩa) đầu tư vào mô hình trang trại tổng hợp

Trao đổi về nguồn vốn cho vay đối với doanh nghiệp trong thời gian tới, ông Hoàng Văn Minh, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: Riêng lĩnh vực này, trong năm 2019,  đơn vị tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng chú trọng đẩy mạnh nguồn vốn cho vay. Hệ thống ngân hàng sẽ phối hợp với các sở, ngành triển khai có hiệu quả chương trình gặp gỡ, đối thoại, kết nối ngân hàng và doanh nghiệp. Thông qua hoạt động này, các ngân hàng sẽ góp phần từng bước tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, cũng như tìm kiếm những khách hàng doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để đẩy mạnh cho vay.  

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đáp ứng nguồn vốn cho nền kinh tế: Đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng ngay từ những tháng đầu năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO