Dấu ấn doanh nghiệp Đắk Nông

Lê Dung| 13/10/2021 10:23

Doanh nghiệp Đắk Nông ngày càng phát triển cả về quy mô, số lượng và chất lượng. Các sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp đã, đang đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

ADQuảng cáo

Sản xuất cà phê bột tại Công ty TNHH Cà phê Bazan Đắk Nông (Gia Nghĩa)

Doanh nghiệp công nghiệp bứt phá

Những năm qua các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp đã có sự bứt phá mạnh mẽ. Các doanh nghiệp công nghiệp đã thể hiện được vai trò "đầu tàu" trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Nhiều sản phẩm của doanh nghiệp công nghiệp đã trở thành sản phẩm chủ lực của tỉnh, khẳng định được tên, tuổi trên thị trường.

Giai đoạn 2016-2020, lĩnh vực công nghiệp của tỉnh có bước phát triển khá, với mức tăng bình quân là 12,22%, trong đó phần lớn đều là sự đóng góp của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Giá trị gia tăng ngành Công nghiệp trong năm 2020 đạt 2.034 tỷ đồng, tăng 72% so với năm 2016. Cơ cấu ngành Công nghiệp trong tổng GRDP của tỉnh tăng từ 7,79% (2016) lên 12,06% vào năm 2020.

Đồ họa: Việt Dũng

Theo Sở Công thương, trong giai đoạn 2016-2020, đa số sản phẩm chủ yếu của các doanh nghiệp công nghiệp đều tăng mạnh so với giai đoạn trước. Trong đó, sản phẩm điện thương phẩm tăng gần 2 lần; đá xẻ tăng 3,41 lần; thùng, bể chứa và các vật liệu bằng nhôm tăng 4 lần; ván ép từ gỗ tăng 3,24 lần; sản phẩm cao su tăng 1,5 lần; sản phẩm giường tủ, bàn ghế tăng gần 4 lần…

Các doanh nghiệp công nghiệp đang dần khai thác được tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Trong đó, nổi bật là Nhà máy Alumin Nhân Cơ, với công suất 650.000 tấn/năm. Nhà máy đang khai thác tiềm năng, thế mạnh về khoáng sản bô xít trên địa bàn và giải quyết việc làm trực tiếp cho trên 1.000 người lao động.

Sầu riêng được tách múi cấp đông tại Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Yến Nhi (Tuy Đức)

Thế mạnh về nguồn nguyên liệu nông, lâm sản cũng được các doanh nghiệp khai thác hiệu quả. Tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp được chế biến ngày càng tăng cao. Các nhà máy chế biến được hình thành.

Cụ thể như về cà phê, trong giai đoạn 2016-2020, sản lượng cà phê bột toàn tỉnh đạt khoảng hơn 6.900 tấn, vượt 4% kế hoạch đề ra, tăng 75% so với giai đoạn trước. Toàn tỉnh hiện có 9 doanh nghiệp chế biến điều, phân bổ chủ yếu ở Đắk R’lấp, Cư Jút và Đắk Mil…

Trong lĩnh vực chế biến gỗ của tỉnh đang có sự góp sức của Nhà máy sản xuất ván dán công nghệ cao của Công ty Cổ phần ván công nghệ cao BiSon, với công suất 60.000m3/năm. Qua đó góp phần nâng cao giá trị sản phẩm lâm sản cho địa phương.

Công nghiệp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng có giá trị cao (đá xẻ) đang phát triển cả về số lượng và chất lượng, từng bước phát huy tối đa giá trị khoáng sản thông thường trên địa bàn tỉnh.

Doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực công nghiệp nhẹ, tiểu thủ công nghiệp cũng có những bước phát triển đáng kể. Cụ thể như trên địa bàn đã ra đời nhiều doanh nghiệp sản xuất cửa nhựa lõi thép, đáp ứng nhu cầu thị trường và dần thay thế vật liệu truyền thống.

ADQuảng cáo

Bóc tách hạt mắc ca tại Công ty TNHH Thương mại và xuất nhập khẩu Mắc ca Sachi Thịnh Phát (Gia Nghĩa)

Doanh nghiệp sản xuất điện năng cũng phát triển mạnh trong thời gian qua, góp phần tích cực trong việc cung cấp nguồn điện cho hệ thống điện quốc gia. Trong đó, phải kể đến 6 dự án điện gió đang được triển khai tại huyện Đắk Song.

Cụ thể gồm: Nhà máy điện gió Đắk N’Drung 1, Đắk N’Drung 2, Đắk N’Drung 3, với tổng công suất 300 MW; Nhà máy điện gió Asian Đắk Song 1 với công suất 50 MW; Nhà máy điện gió Đắk Hòa với công suất 50 MW và Nhà máy điện gió Nam Bình 1 với công suất 30 MW.

Tổng mức đầu tư của 6 dự án gần 15.000 tỷ đồng. Hiện nay, các dự án đang được khẩn trương thi công. Nhiều trụ tuabin điện đã được lắp đặt hoàn thiện. Dự kiến đến cuối năm 2021, cả 6 dự án đều được đưa vào hoạt động. Khi đó, các dự án điện gió sẽ đóng góp cho ngân sách Nhà nước hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Phân loại hạt điều tại Công ty TNHH Hồng Đức (Đắk R'lấp)

Chinh phục các thị trường xuất khẩu

Theo Sở Công thương, giai đoạn 2011-2020, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bình quân của Đắk Nông đạt trên 10%/năm. Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh mới chỉ thực hiện được 399 triệu USD thì đến năm 2020 đã đạt 920 triệu USD, tăng gấp 2,7 lần.

Kim ngạch xuất khẩu đạt mức ấn tượng phần lớn là nhờ những nỗ lực của các doanh nghiệp trong tỉnh. Các doanh nghiệp đã không ngừng nỗ lực tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại, nâng cao giá trị sản phẩm... để đưa hàng hóa của Đắk Nông xâm nhập vào thị trường thế giới.

Những năm qua, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ lệ sản phẩm xuất khẩu qua chế biến ngày càng tăng, giảm tỷ trọng các sản phẩm thô, sản phẩm sơ chế. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu hiện nay của Đắk Nông, gồm có: cà phê, hồ tiêu, hạt điều, đậu phụng sấy, gỗ MDF, alumin…

Sản phẩm cửa nhựa lõi thép đang được sản xuất nhiều trên địa bàn tỉnh

Thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng. Hiện nay, hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được mở rộng đến 35 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, chiếm tỷ trọng cao và ổn định là tại các nước như: Singapore, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Malaysia, Nhật Bản, Trung Quốc, Australia…

Doanh nghiệp tham gia xuất khẩu không ngừng tăng và hoạt động ngày càng hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh đang có 18 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu; trong đó có 12 doanh nghiệp tham gia ổn định.

Đóng gói sản phẩm alumin tại Nhà máy alumin Nhân Cơ (Đắk R'lấp)

Xuất khẩu phát triển đã có những đóng góp đáng kể vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế của Đắk Nông, trở thành một trong những động lực chủ yếu thúc đẩy gia tăng phát triển sản xuất, tăng thu ngân sách, tạo thêm việc làm, ổn định kinh tế, xã hội cho địa phương…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dấu ấn doanh nghiệp Đắk Nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO