Dấu ấn thu ngân sách

Tường Mạnh| 13/12/2018 09:26

Với kết quả đạt 2.300 tỷ đồng (vượt kế hoạch 300 tỷ đồng, đạt 115% dự toán HĐND tỉnh giao), tình hình thu ngân sách trên địa bàn năm 2018 của tỉnh được xem là khá nhẹ nhàng. Nói là “nhẹ nhàng” vì trong Báo cáo số 600/BC-UBND ngày 15/11/2018 của UBND tỉnh về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2018, khi nói đến phần thu ngân sách cũng chỉ đưa ra một nhận định ngắn gọn: Các khoản thu từ thủy điện tăng mạnh và sản lượng alumin tăng cao.

ADQuảng cáo

Cán bộ Chi cục Thuế huyện Đắk R'lấp tuyên truyền hộ kinh doanh trên địa bàn thị trấn Kiến Đức chấp hành tốt nghĩa vụ thuế. Ảnh: Nguyễn Lương

Đơn giản vậy thôi nhưng nhìn lại chặng đường 15 năm thành lập tỉnh, trải qua bao khó khăn, thách thức, có lẽ không ngoa khi nói con số 2.300 tỷ đồng đạt được trong năm 2018 thật sự là một dấu ấn đáng ghi nhận trong cả một hành trình thu ngân sách. Đặc biệt, đằng sau con số này, ngoài thể hiện sự nỗ lực chung thì còn chứng minh sự vươn lên mạnh mẽ của toàn tỉnh trong chặng đường 15 năm hình thành và phát triển. Có lẽ mọi sự so sánh đều là khập khiễng nhưng chỉ nói riêng về phần thu ngân sách, so với những năm đầu thành lập tỉnh, kết quả hôm nay quả là “một trời một vực”.

Còn nhớ tại cuộc họp đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh năm 2004, các đồng chí lãnh đạo tỉnh lúc bấy giờ đã khẳng định, trong bối cảnh của một tỉnh mới thành lập, tuy còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng có thể nói bức tranh kinh tế-xã hội của tỉnh thật sự khá lạc quan. Sự lạc quan ở đây là bên cạnh nhiều chỉ tiêu chủ yếu về sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, xuất khẩu bắt đầu có bước tăng trưởng thì thu ngân sách được xem là đạt khá. Vậy mà cái “đạt khá” lúc bấy giờ cũng chỉ vỏn vẹn 130 tỷ đồng, không bằng con số lẻ của năm 2018 này.

Có thể nói, sau khi thành lập tỉnh, đội ngũ cán bộ, công chức nói chung, ngành Thuế nói riêng còn mới, bỡ ngỡ, nhiều khó khăn phát sinh, không lường trước được, nhưng tỉnh đã tập trung giải quyết được rất nhiều vấn đề lớn, trong đó có những giải pháp cần thiết, đồng bộ để nuôi dưỡng nguồn thu và bảo đảm tăng thu trước mắt và lâu dài. Điển hình nhất là HĐND tỉnh khóa I đã từng có nghị quyết cho phép thực hiện cơ chế thưởng vượt thu cho ngân sách các cấp và hỗ trợ công tác thu nhằm động viên, khuyến khích phấn đấu tăng thu, tăng nguồn ngân sách phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.

Theo đó, đối với cấp xã, nếu vượt thu so với dự toán của tỉnh, huyện giao thì được để lại ngân sách cấp huyện, cấp xã hưởng theo tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương. Số thưởng vượt thu sẽ được sử dụng để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, thực hiện các nhiệm vụ quan trọng và ngân sách cấp huyện thưởng cho ngân sách cấp dưới.

Đối với ngành Thuế thì thực hiện cơ chế trích hỗ trợ chi phí để chi trả cho việc thực hiện đề án ủy nhiệm thu và các đối tượng liên quan đến công tác thu vượt dự toán. Phần trích hỗ trợ chi phí này được giao cho cơ quan tài chính trình UBND tỉnh tính toán hỗ trợ hợp lý trên cơ sở số thu vượt dự toán và số chi phí phục vụ công tác thu hàng năm từ nguồn tăng thu của các cấp ngân sách được hưởng.

ADQuảng cáo

Đoàn liên ngành chống thất thu thuế (Chi cục Thuế Gia Nghĩa) đẩy mạnh chống thất thu trên lĩnh vực xây dựng cơ bản tư nhân. Ảnh: Nguyễn Lương

Bên cạnh đó, nhằm tăng thu cho ngân sách, tránh thất thoát các nguồn thu trong lĩnh vực xây dựng cơ bản có nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, nghị quyết còn cho phép thực hiện cơ chế ủy nhiệm cho Kho bạc Nhà nước thu thuế giá trị gia tăng của các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn khi thực hiện thanh toán vốn đầu tư. Sau đó, Kho bạc Nhà nước sẽ nhận được mức hỗ trợ hợp lý để thực hiện nhiệm vụ thu.

Đặc biệt, để công tác thu ngân sách trên địa bàn tỉnh có dấu ấn đáng ghi nhận như hôm nay phải kể đến vai trò của ngành Thuế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Bằng sự nỗ lực vượt khó, tinh thần trách nhiệm đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Thuế đã thực sự có công đầu trong công tác thu ngân sách hàng năm. Còn nhớ, những năm đầu thành lập, khi tỉnh còn nhiều khó khăn, nguồn thu ít, trong các cuộc họp đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ hàng tháng, hàng năm của tỉnh, ngành Thuế hầu như lúc nào cũng phải “đứng mũi chịu sào”, giải trình không biết bao nhiêu vấn đề xung quanh việc thu ngân sách.

Điều nói nữa là khi còn chung tỉnh Đắk Lắk (cũ), việc phấn đấu để lọt vào tốp “Câu lạc bộ 500 tỷ”, sánh vai với các tỉnh, thành trong cả nước là điều mà tỉnh luôn kỳ vọng. Thế nhưng, với tốc độ phát triển kinh tế và tăng thu nhiều năm gần đây, đối với hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước, chuyện thu ngân sách hàng năm đạt 500 tỷ đồng, xem ra chẳng là nhằm nhò gì.

Ngay như tỉnh Đắk Nông, chỉ 5 năm sau ngày thành lập tỉnh, vào năm 2008, con số thu ngân sách đã đạt 500 tỷ đồng và cứ thế theo đà phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, con số thu cũng tăng dần theo từng năm và hàng năm luôn đạt và vượt kế hoạch một cách nhẹ nhàng.

Với kết quả thu trong năm 2018 đạt 2.300 tỷ đồng (vượt kế hoạch 300 tỷ đồng, đạt 115% dự toán HĐND tỉnh giao) bước sang năm 2019, tỉnh đã đặt ra chỉ tiêu thu ngân sách trên địa bàn đạt 2.358 tỷ đồng, nhưng phấn đấu đạt trên 2.500 tỷ đồng. Chỉ tiêu này được đánh giá có cơ sở vì theo tính toán của các cơ quan chuyên môn, trong năm 2019, nguồn thu sẽ tiếp tục khả quan, khi có nhiều sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp tăng cao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng thêm nguồn thu cho ngân sách...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dấu ấn thu ngân sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO