Đẩy nhanh tiến độ đối với các dự án có nguồn vốn đầu tư lớn: Không để sự thiếu quyết liệt, trì trệ kéo dài

Đức Diệu| 02/08/2018 09:53

Tại cuộc họp thường kỳ tháng 7 của UBND tỉnh Đắk Nông được tổ chức vào sáng 26/7, vấn đề chậm giải ngân nguồn vốn đầu tư lại một lần nữa được đưa ra bàn thảo, chỉ đạo. Điều đáng nói, mặc dù UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo quyết liệt nhưng tiến độ giải ngân nguồn vốn đến nay vẫn không mấy cải thiện.

ADQuảng cáo

Theo UBND tỉnh, tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển do tỉnh quản lý là 2.154 tỷ đồng. Uớc giải ngân 7 tháng đầu năm là 671,8 tỷ đồng, đạt 31% kế hoạch, giảm 14% so với cùng kỳ. Như vậy, so với cuối tháng 6, đến hết tháng 7, tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư toàn tỉnh cũng chỉ nhích lên được 3% (từ 28% lên 31%).

Nổi lên là 4 dự án có tỷ lệ vốn đầu tư lớn gồm: Hồ trung tâm Gia Nghĩa với tổng đầu tư 500 tỷ đồng; 2 dự án liên quan đến ổn định dân cư ở Đắk Ngo (Tuy Đức) với tổng vốn hơn 60 tỷ đồng và Dự án Chương trình mở rộng quy mô nước sạch nông thôn dựa trên kết quả vay vốn Ngân hàng thế giới giai đoạn 2016-2020 với số vốn 110,4 tỷ đồng đều đang “giẫm chân tại chỗ”.

Nguyên nhân dẫn đến giải ngân nguồn vốn đầu tư đạt thấp là do các chủ đầu tư chậm triển khai các thủ tục đầu tư; công tác kiểm tra, thẩm định bản đồ, kết quả đo đạc cũng như thẩm định giá đất còn chậm, làm chậm phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng.

Nhiều nhà dân và cây trồng ở phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) chờ được đền bù, giải phóng mặt bằng để triển khai dự án đường phía Đông hồ Gia Nghĩa. Ảnh: Lê Phước

ADQuảng cáo

Giải trình tại cuộc họp, lãnh đạo UBND thị xã cho biết: liên quan đến hạng mục giải phóng mặt bằng thuộc Dự án hồ trung tâm Gia Nghĩa với số vốn bố trí 370 tỷ đồng, hiện nay UBND thị xã đã hoàn tất các thủ tục nhận bàn giao từ Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp. Tuy nhiên, hiện thị xã đang vướng về các quy định khung giá đất, nhà cửa, vật kiến trúc; nghiệm thu bản đồ; dự án tái định cư và một số hộ nằm trong phương án giải phóng mặt bằng đã phê duyệt năm 2014 nhưng chưa được bố trí vốn. Những vướng mắc này, UBND thị xã đã có công văn kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp giải quyết.

Riêng dự án Chương trình mở rộng quy mô nước sạch nông thôn đến nay mới giải ngân được 33 tỷ đồng cho 4 huyện. Các địa phương còn lại hiện vẫn chưa có khối lượng giải ngân. Đối với 2 dự án ổn định dân cư tại Tuy Đức, mặc dù đã triển khai khá lâu song đến nay vẫn chưa hoàn thành các hồ sơ, thủ tục pháp lý.

Liên quan đến vấn đề này, theo ông Lưu Văn Trung, Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư thì 4 dự án nêu trên chiếm trên 30% tổng vốn đầu tư năm 2018. Nếu các dự án giải ngân không đạt kế hoạch sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả giải ngân nguồn vốn của cả năm. Chưa kể đến, một số dự án tất toán, chuyển tiếp đã có vốn bố trí nhưng chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành các thủ tục để giải ngân nguồn vốn.

Chỉ đạo về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Bốn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Kế hoạch - Đầu tư phối hợp với đơn vị chức năng rà soát, xem xét lại năng lực các chủ đầu tư đối với 2 dự án ổn định dân cư ở Tuy Đức. Nếu xét thấy không đủ năng lực thực hiện dự án, UBND tỉnh kiên quyết giao cho chủ đầu tư khác thực hiện chứ không thể để tình trạng trì trệ kéo dài. Riêng Dự án hồ Gia Nghĩa, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan phải tăng cường công tác phối hợp, chung tay giải quyết sớm những kiến nghị, đề xuất của UBND thị xã. Đặc biệt, các đơn vị cần sớm tham mưu, xây dựng để UBND tỉnh ban hành khung giá đất, cây trồng bổ sung, giá nhà cửa và vật kiến trúc, bản đồ đề án để UBND thị xã làm cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm đếm, đo đạc để đền bù ổn thỏa cho nhân dân. Các đơn vị, chủ đầu tư phải thực sự quyết liệt, nâng cao vai trò, trách nhiệm trong phối hợp, thực hiện, nhất là 4 dự án có nguồn vốn đầu tư lớn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong những tháng còn lại của năm kế hoạch.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy nhanh tiến độ đối với các dự án có nguồn vốn đầu tư lớn: Không để sự thiếu quyết liệt, trì trệ kéo dài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO