Đề án “Mỗi xã một sản phẩm": Hướng đến phát triển nội sinh, gia tăng giá trị kinh tế khu vực nông thôn

Bài, ảnh: Đức Hùng| 01/01/2019 09:33

UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 2053/QĐ-UBND, phê duyệt Đề án “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030”. Đây được xem là cơ sở để các địa phương tập trung nguồn lực, khai thác tiềm năng, thế mạnh, thực hiện lộ trình OCOP một cách hiệu quả với kỳ vọng thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển.

ADQuảng cáo

Về phát triển mới và củng cố các tổ chức kinh tế sản xuất - kinh doanh sản phẩm OCOP, giai đoạn 2018 - 2020, Đắk Nông phấn đấu có ít nhất 30 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP. Trong đó, tỉnh lựa chọn, củng cố 25 chủ thể sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ du lịch nông thôn hiện có của các địa phương.

Đắk Mil đang xây dựng sản phẩm cà phê

Từ nay đến năm 2020, tỉnh Đắk Nông cũng sẽ tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước trong hệ thống OCOP từ tỉnh đến xã và lãnh đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia OCOP. Nâng cao kỹ năng phân phối, tiếp thị cho đội ngũ nhân lực tham gia hệ thống xúc tiến và quảng bá sản phẩm OCOP. Chu trình chuẩn OCOP được duy trì liên tục tại cấp tỉnh và cấp huyện, thị xã. 

Hàng năm, mỗi huyện, thị xã có 1 đến 2 ý tưởng sản phẩm được hỗ trợ theo Chu trình OCOP. Trong giai đoạn này, tỉnh ưu tiên hoàn thiện tổ chức bộ máy chuyên trách OCOP từ tỉnh đến cấp huyện, cấp xã theo hướng gọn nhẹ để triển khai chu trình OCOP thường niên của tỉnh; ban hành chính sách riêng cho chương trình OCOP, chế độ thanh tra, kiểm tra chất lượng sản phẩm OCOP. Tỉnh cũng sẽ xây dựng hệ thống hỗ trợ các cộng đồng trong tỉnh phát triển và thương mại hóa sản phẩm OCOP, từ cấp tỉnh, huyện theo chu trình thường niên; hệ thống xúc tiến đồng bộ, hoạt động bài bản; thương hiệu sản phẩm OCOP Đắk Nông được lan rộng và phổ biến trên toàn quốc.

ADQuảng cáo

Nguồn vốn thực hiện Chương trình OCOP chủ yếu huy động từ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất kinh doanh là với khoảng 85 - 90% tổng kinh phí Đề án. Ngân sách nhà nước đầu tư thực hiện Chương trình OCOP chỉ mang tính chất hỗ trợ từ các nguồn kinh phí sự nghiệp trong dự toán chi ngân sách hàng năm, chiếm 10 - 15% tổng kinh phí. Kinh phí thực hiện Đề án dự kiến giai đoạn 2018 - 2020 khoảng hơn 56,1 tỷ đồng.

Mắc ca Tuy Đức

Theo định hướng của Đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt, đến năm 2030 bảo đảm tất cả các sản phẩm thuộc các nhóm sản phẩm OCOP hiện có trên địa bàn tỉnh, với khoảng 40 chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất tham gia Chương trình OCOP, đồng thời phát triển mới trên 40 sản phẩm. Trong đó, có 7 đến 10 sản phẩm đạt hạng 4 và 5 sao, đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Đề án hướng tới mục tiêu phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong đó ưu tiên phát triển kinh tế hợp tác các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tổ hợp tác và kinh tế tư nhân theo hướng cộng đồng để sản xuất các sản phẩm truyền thống, sản phẩm có lợi thế ở khu vực nông thôn, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị.

Theo Đề án phê duyệt, trong giai đoạn 2018 – 2020, tỉnh Đắk Nông xác định phát triển trên 15 sản phẩm chủ lực thuộc 6 nhóm, ngành

Các nhóm, ngành bao gồm: Thực phẩm; đồ uống; thảo dược; lưu niệm, nội thất; dịch vụ nông thôn, bán hàng. Cụ thể, nhóm thực phẩm có 10 sản phẩm gồm: Lúa, gạo Buôn Choáh (Krông Nô); hạt mắc ca (Tuy Đức); tiêu sạch các loại (Đắk Song, Đắk R’lấp, Gia Nghĩa); sầu riêng, bơ (Đắk Mil) và măng cụt, chanh dây (Gia Nghĩa).

Nhóm đồ uống có 3 sản phẩm gồm: 2 sản phẩm cà phê (Đắk Mil); chè đóng gói (Đắk Glong). Nhóm thảo dược có 2 sản phẩm là đinh lăng (Krông Nô) và tinh dầu gấc (Cư Jút).

Nhóm vải và may mặc hỗ trợ người dân sản xuất các sản phẩm dệt truyền thống, nhóm lưu niệm, nội thất, trang trí có 1 sản phẩm là tranh thêu con rồng và bông hoa (Krông Nô).

Nhóm dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng có 2 đến 3 sản phẩm là xây dựng bon, buôn truyền thống Đắk R’moan (Gia Nghĩa); Buôn Buôr (Cư Jút), các sản phẩm dịch vụ phục vụ các tuyến du lịch từ Công viên địa chất núi lửa Đắk Nông.

Ngoài ra, tỉnh cũng phấn đấu trong giai đoạn này, sẽ có từ 3 đến 5 sản phẩm được chứng nhận đạt hạng 3 sao trở lên, sản phẩm chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề án “Mỗi xã một sản phẩm": Hướng đến phát triển nội sinh, gia tăng giá trị kinh tế khu vực nông thôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO