Để các công ty nông nghiệp được "tái sinh" (kỳ 1): Điệp khúc… chậm

Bải, ảnh: Trần Lê| 16/06/2017 14:31

Thực hiện phương án tổng thể về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp tỉnh Đắk Nông, các công ty nông nghiệp của tỉnh nằm trong kế hoạch chuyển đổi đã và đang có những sự chuyển động nhằm thay đổi loại hình doanh nghiệp từ công ty 100% vốn nhà nước sang công ty cổ phần. Đây được xem như một cơ hội “tái sinh” mạnh mẽ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, quá trình “tái sinh” của các công ty này lại đang còn gặp nhiều trở ngại và rất chậm so với tiến độ đề ra.

ADQuảng cáo

Toàn tỉnh Đắk Nông có 3 công ty nông nghiệp gồm: Công ty Cà phê Đức Lập, Công ty TNHH MTV Cà phê Thuận An và Công ty TNHH MTV Nam Nung phải tiến hành cổ phần hóa. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà quá trình cổ phần của cả 3 đơn vị này đều chậm tiến độ.

Cán bộ Công đoàn Công ty TNHH Cà phê Thuận An (bên phải ảnh) thăm vườn cây, động viên, ổn định tâm lý cho người lao động

Vướng do nợ

Theo ông Phạm Tiến Hùng, Giám đốc Công ty Cà phê Đức Lập (công ty Đức Lập) thì tổng số nguồn vốn, tài sản của đơn vị hiện nay trên 53,5 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 93 tỷ đồng. Không chỉ vậy, vì quá trình làm ăn thua lỗ tồn tại từ nhiều năm trước nên hiện nay đơn vị đang nợ các ngân hàng số tiền: 148,598 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 61 tỷ và lãi vay 87,8 tỷ đồng. Đây đang là một khó khăn lớn đối với công ty trong việc làm sao để trả nợ, dương vốn chủ sở hữu mới có thể tiến hành cổ phần hóa.

Nguyên nhân nợ, theo ông Hùng là do phát sinh trong quá trình đơn vị phối hợp với các cơ sở, đại lý kinh doanh mua cà phê xuất khẩu từ năm 2001. Những năm đó, do dự báo thị trường sai, năng lực quản lý kém nên đơn vị đã mua cà phê vào với giá cao thông qua hình thức đầu tư vốn cho các chi nhánh, đại lý, chủ cơ sở kinh doanh thực hiện việc kí gửi nông sản. Nhưng khi bán, giá sản phẩm lại xuống thấp đã làm cho đơn vị gặp cảnh thua lỗ trầm trọng, gốc, lãi vốn vay đều không thể trả. Công tác phối hợp với các đơn vị thu mua, hộ dân chủ đại lý khó do đại lý cũng kinh doanh thua lỗ, giải thể.

Hiện nay, Công ty TNHH mua bán nợ Việt Nam (Bộ Tài chính) thực hiện mua nợ thành công của 2/4 chủ nợ lớn, hai đơn vị còn lại thì đang thỏa thuận. Nhưng việc thỏa thuận cũng kéo dài do bên bán đưa ra giá cao, bên mua muốn mua giá thấp hơn. Nếu thực hiện mua bán nợ thành công, Công ty TNHH mua bán nợ Việt Nam sẽ là một cổ đông lớn của công ty và tiến hành cổ phần hóa. Như vậy, tiến độ cổ phần hóa của Công ty Cà phê Đức Lập hiện nay phụ thuộc gần như hoàn toàn vào hoạt động mua bán nợ thành công hay không.

Và thiếu sự quyết tâm của người đứng đầu

ADQuảng cáo

Theo kế hoạch thì tháng 5/2017, các công ty bắt đầu tổ chức thực hiện phương án cổ phần hóa nhưng đến nay, gần như các công ty nông nghiệp trong kế hoạch cổ phần hóa đều đang có tiến độ hết sức ì ạch. Ngoài Công ty Cà phê Đức Lập đang chậm trong cổ phần hóa vì vướng nợ thì Công ty TNHH MTV Nam Nung vẫn chưa thể bắt kịp tiến độ theo kế hoạch của UBND tỉnh đề ra. Hiện công ty này vẫn đang loay hoay ở bước một đó là xác định giá trị doanh nghiệp. Nhiều công đoạn khác của cổ phần hóa cũng theo đó bị đẩy lùi thời gian như phương án sử dụng đất, lao động...

Theo Ban chỉ đạo Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tỉnh Đắk Nông thì mặc dù Ban đã có sự hướng dẫn, giúp đỡ công ty tháo gỡ khó khăn nhưng bản thân người đứng đầu của đơn vị này thiếu tính hợp tác. Không ít cuộc họp đã được tổ chức nhằm nắm bắt tình hình, khi Ban mời Giám đốc Công ty này đến làm việc nhưng vị này thường đi trễ hơn rất nhiều so với thời gian quy định, có cuộc thì cử phó giám đốc hoặc kiểm soát viên đi.

Còn tại Công ty TNHH MTV Cà phê Thuận An cũng trong tình trạng “điệp khúc chậm”. Theo ông Nguyễn Trọng Trung, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê Thuận An thì nguyên nhân chậm là do đã mất một khoảng thời gian chờ xin ý kiến về việc không cổ phần hóa hoặc cổ phần hóa nhưng nhà nước giữ cổ phần chi phối.

Lí giải điều này, ông Trung cho rằng, tình hình hoạt động của công ty thời gian qua có thể nói là tốt, sản xuất, kinh doanh hiệu quả, thu nhập người lao động khá cao và ổn định. Hơn nữa, đơn vị lại đóng chân ở khu vực biên giới, với nhiều lao động là người dân tộc thiểu số, kinh tế khó khăn nên nếu cổ phần hóa thì lao động khó mua được nhiều cổ phần, ảnh hưởng đến đời sống, thu nhập.

Tuy nhiên, trong buổi làm việc của Ban sắp xếp đổi mới doanh nghiệp Trung ương tại Công ty Cà phê Thuận An vào ngày 20/4 vừa qua thì đề xuất trên của công ty không được Ban sắp xếp đổi mới doanh nghiệp Trung ương chấp thuận. Sau thời gian lừng khừng trên, khi có kết luận chính thức về cổ phần hóa, Công ty bắt đầu “chạy đua” để thực hiện các bước cổ phần hóa như tiến hành các công việc cụ thể nhằm xác định giá trị doanh nghiệp.

Đến nay, giá trị doanh nghiệp đã được Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp tỉnh công bố ở mức gần 29 tỷ đồng. Đơn vị đang tiếp tục đẩy nhanh việc lập, trình phê duyệt phương án cổ phần hóa, dự thảo điều lệ hoạt động của công ty cổ phần. Tuy đã có sự nỗ lực nhưng so với kế hoạch chung, lộ trình cổ phần hóa tại công ty này vẫn chậm.

Thực hiện Phương án tổng thể của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp tỉnh Đắk Nông, ngày 14/1/2016, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Kế hoạch số 15/ KH - UBND (KH 15) về việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc tỉnh Đắk Nông.

Tiếp đó, UBND tỉnh ban hành văn bản số 5119/ UBND - TH về việc điều chỉnh KH 15 và đề ra lộ trình từ tháng 9/2016 - 1/2017, các công ty cổ phần phải xác định giá trị doanh nghiệp và công bố giá trị doanh nghiệp; Từ tháng 2 - 4/2017, lập và trình phê duyệt Phương án cổ phần hóa, dự thảo Điều lệ hoạt động của công ty cổ phần; Từ 1/5/2017 - 15/9/2017, tổ chức thực hiện phương án cổ phần hóa; Từ 1/9 - 20/10/2017, quản lý thu tiền bán cổ phần, hoàn tất việc chuyển doanh nghiệp thành công ty cổ phần.

>> Kỳ 2: Cần quyết tâm cao và  sự vào cuộc đồng bộ

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để các công ty nông nghiệp được "tái sinh" (kỳ 1): Điệp khúc… chậm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO